Vì sao Tập đoàn Hoà Bình chưa thể hoán đổi nợ?
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 nhưng bất thành do chỉ có 458 cổ đông, đại diện cho hơn 120 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 44% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
- 28-08-2023Môi giới bất động sản hô hào thị trường đã sôi động và giá tăng trở lại
- 28-08-2023Khi nào giá bất động sản sẽ bật tăng trở lại?
- 28-08-2023Không phải giá, đây mới là tiêu chí quyết định việc “xuống tiền” của người trẻ khi mua căn hộ
Theo đó, căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ của Xây dựng Hòa Bình , đại hội đồng cổ đông bất thường đã không đủ điều kiện tổ chức như kế hoạch. Xây dựng Hòa Bình sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2, thông tin chi tiết về thời gian sẽ được thông báo đến các cổ đông. Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 muốn tổ chức phải có từ 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Điểm đáng lưu ý, trước khi tổ chức đại hội bất thường lần 1, Xây dựng Hòa Bình đã công bố tờ trình về kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Trong đó, HBC trình phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Tổng khối lượng phát hành tối đa là 274 triệu cổ phiếu theo 3 hình thức, gồm phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ, chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 và đợt 2.
Về phát hành riêng lẻ, Hòa Bình dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ của công ty. Phương án này nhằm hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, tức mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phát hành thêm.
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất như kế hoạch, Hòa Bình sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng nợ. Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ. Các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình.
Giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu của Hòa Bình. Vốn điều lệ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa. Công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.
Về chào bán cổ phiếu, Hòa Bình dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với tối đa 120 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chiến lược hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất, công ty sẽ thu được khoảng 1.440 tỷ đồng từ thương vụ này và sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.
Ngoài ra, Xây dựng Hoà Bình dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 47 triệu cổ phiếu. Giá chào bán cũng là 12.000 đồng/cổ phiếu, dự thu 564 tỷ đồng. Số tiền thu được dự kiến sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Thời gian dự kiến phát hành sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ đợt 1 ít nhất là 6 tháng. Nếu hoàn tất cả 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng gần gấp đôi, lên mức hơn 5.481 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 3.492 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hơn 101 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Dù ghi nhận lãi trong nửa đầu năm 2023 nhưng tới thời điểm 30/6, HBC vẫn còn lỗ lũy kế 2.020 tỷ đồng, chiếm gần 74% vốn điều lệ.
Tiền Phong