Vì sao Tesla vẫn chưa hoàn toàn thống trị được thị trường ô tô điện Trung Quốc?
Theo thông tin CNBC thu thập được, người tiêu dùng Trung Quốc khi suy nghĩ về việc nên mua ô tô điện của Tesla hay các tên tuổi khác tại địa phương, họ luôn nghĩ đến hai điều hàng đầu: giá cả và quãng đường mà xe đi được mỗi lần sạc pin.
- 22-02-2021Foxconn tham gia cuộc đua xe điện, dự kiến ra mắt sản phẩm vào cuối năm
- 22-02-2021Mẫu xe của Ford bất ngờ nổi tiếng toàn cầu sau thảm họa mất điện tại Texas
- 06-02-2021Rộ tin đồn Apple dừng đàm phán sản xuất xe điện với Hyundai
Các start-up ô tô Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ như Nio, Xpeng và Li Auto đã chứng kiến lượng giao hàng tăng vọt vào năm ngoái bất chấp sự sụt giảm của thị trường ô tô nói chung và đại dịch virus corona. Năm 2020, cổ phiếu của các công ty này đã tăng vọt, nhưng đã giảm nhẹ trong năm nay.
Và đây là những gì một số người tiêu dùng Trung Quốc cho biết đã ảnh hưởng đến quyết định mua một chiếc ô tô điện của họ.
Khả năng cạnh tranh về giá cả
Đầu tiên, giá cả là một yếu tố quan trọng.
Chen Yingjie, 42 tuổi, cho biết anh mua chiếc SUV Li One của Li Auto vào tháng 04/2020 với giá khoảng 300.000 nhân dân tệ (46.000 USD) sau khi nhận ra rằng anh sẽ phải trả gấp đôi để có được một chiếc xe tương tự từ Nio với tất cả các thông số kỹ thuật mà anh muốn.
Giá khởi điểm của Nio thấp, nhưng có nhiều tính năng phải trả thêm phí, Chen nói. Cư dân Thượng Hải này trước đó đã mua chiếc G3 củaXpeng vào năm 2019 và sau đó là một chiếc ô tô điện BYD cho cha mình hồi tháng 06/2020.
Còn đối với Wang Jingyan, 29 tuổi, anh cho biết sự chú trọng của Nio vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng là điều mà anh nghĩ đáng để trả thêm vì nó giúp anh tiết kiệm thời gian đến cửa hàng sửa chữa.
Giá cả cũng là một yếu tố đối với anh. Wang cho biết anh đã mua chiếc Nio ES6 với giá khoảng 450.000 nhân dân tệ vào cuối năm 2019 - chiếc xe điện đầu tiên của anh - sau lời giới thiệu từ một người quản lý tại nơi làm việc và so sánh nó với một chiếc Lexus RX đắt tiền hơn.
Anh nói rằng mình không có cơ hội để thử trước Model 3 của Tesla, nhưng không có ấn tượng tốt dựa trên trải nghiệm của bạn bè và những câu chuyện trên mạng về dịch vụ khách hàng kém tại các cửa hàng.
Các mối quan tâm về quãng đường đi được mỗi lần sạc pin
Xe có thể chạy được bao xa chỉ với một lần sạc pin là một yếu tố quan trọng khác đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
Zhang Zhen, 41 tuổi, sống ở một vùng lạnh giá của miền bắc Trung Quốc và lo ngại về khả năng một chiếc ô tô điện có đủ năng lượng để hoàn thành một chuyến đi trong khi vẫn giữ cho xe được ấm áp hay không. Vì vậy, vào mùa thu năm ngoái, gia đình anh đã mua một chiếc Li One có kèm bình xăng để sạc pin.
Điều này làm tăng quãng đường đi được của Li One từ 180 km (111 dặm) lên 800 km (497 dặm) cho một lần sạc duy nhất.
Zhang cho biết vợ anh chủ yếu sử dụng xe để đưa đón con cái đi học, một quãng đường chỉ khoảng 10 km. Các con cũng thích ô tô của vợ ông hơn ô tô không chạy điện của ông vì chúng có thể xem phim hoạt hình trên màn hình được tích hợp bên trong xe, Zhang nói.
Tuy vậy, anh nhận thấy việc sửa chữa phức tạp hơn so với một chiếc ô tô không chạy bằng điện và cho biết anh sẽ không cân nhắc mua một chiếc xe khác như vậy ở khu vực đông bắc Trung Quốc do thiếu trạm sạc công cộng ở đó.
Hỗ trợ của chính phủ
Trong nỗ lực hỗ trợ địa phương phát triển xe điện, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chương trình trợ giá và tập trung xây dựng một mạng lưới sạc điện trên toàn quốc.
Nhưng so với Mỹ, phần lớn ô tô ở Trung Quốc không có chỗ đậu xe cố định, khiến nhiều tài xế khó được tiếp cận thường xuyên với các trạm sạc pin, theo Mingming Huang, đối tác sáng lập quỹ Future Capital Discovery, một nhà đầu tư tại Li Auto.
Đó là lý do tại sao ông tin rằng các hệ thống giúp tăng quãng đường đi được như cách của Li One có thể là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc trong 5 đến 10 năm tới. Chiếc Li One SUV của Li Auto hiện có bình xăng đi kèm để sạc pin khi di chuyển.
Cuối cùng, nhiều tài xế Trung Quốc đang chọn ô tô điện vì chính sách ưu đãi của chính phủ, chẳng hạn như các chương trình giúp việc lấy biển số cho ô tô điện nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều. Do nỗ lực giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm ở các thành phố của Trung Quốc, người dân địa phương thường phải đợi nhiều năm mới có được biển số đắt tiền cho những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Sau khi chờ gần một năm ở thành phố Hàng Châu để có biển số ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, một thanh niên 27 tuổi, yêu cầu giấu tên, đã quyết định không chờ đợi nữa sau khi nhìn thấy chiếc xe điện Xpeng G3 trong một lần đến trung tâm mua sắm. Chiếc xe phù hợp với túi tiền của cô - khoảng 180.000 nhân dân tệ - sau khi đã được chính phủ trợ cấp.
Theo CNBC