MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao thẩm định giá quan trọng với các nhà đầu tư ngoại?

10-11-2017 - 11:27 AM | Doanh nghiệp

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tiếp tục tăng cao. Số liệu mới nhất cho thấy trong 10 tháng đầu năm nay có hơn 28,2 tỉ USD vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Với sức hấp dẫn lớn của thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại đây. Dù một số lĩnh vực đã được chính phủ cho phép cổ đông nước ngoài nắm giữ lên tới 100% cổ phần so với chỉ 49% như trước đây, việc thiếu vắng hướng dẫn cụ thể về các lĩnh vực bị hạn chế hay được mở cửa cũng gây hoang mang các nhà đầu tư. Trên thực tế, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng mức trần 49% vẫn áp dụng cho nhiều lĩnh vực đầu tư “có điều kiện” với các khoản đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tỷ lệ này vẫn ở mức tối đa 30% với các ngành bị ràng buộc bởi các quy định sở hữu khác, điển hình là ngân hàng.

Trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài không những phải hiểu được các quy định luật pháp mà còn phải trả lời được những câu hỏi khó như: Làm sao để biết được giá trị thật sự của doanh nghiệp trong nước? Tại sao điều đó lại quan trọng? Có lẽ, câu hỏi khó nhất chính là: các chướng ngại mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải khi thực hiện đầu tư và cách thức để họ vượt qua được điều đó là gì? Bước đầu tiên: định giá chính xác.

Bước đầu tiên: định giá chính xác

Định giá có ý nghĩa quan trọng bởi đó là cơ sở để các doanh nghiệp nước ngoài quyết định giá trị khoản đầu tư. Xác định giá trị của doanh nghiệp một cách cẩn trọng là nhiệm vụ tối quan trọng với các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn đảm bảo được lợi tức đầu tư. Họ sẽ cần tập trung vào các khía cạnh chính của doanh nghiệp, đặc biệt là những yếu tố tạo nên giá trị của doanh nghiệp.

Nếu các nhà đầu tư chưa hiểu rõ tiềm năng của doanh nghiệp hoặc không có đủ dữ liệu để ra quyết định đầu tư, họ thường sẽ hủy bỏ kế hoạch. Nhà đầu tư không chỉ cần tìm hiểu giá trị doanh nghiệp mà cần biết sự có mặt của họ sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của đối tác ra sao. Vì vậy, các công ty trong nước thực tế sẽ có lợi khi cung cấp các chỉ số dự báo chi tiết cho nhà đầu tư.

Nhìn chung, có ba phương pháp tiếp cận chính được sử dụng để định giá công ty: phương pháp tiếp cận Thu nhập, phương pháp tiếp cận Thị trường và phương pháp tiếp cận Tài sản ròng. Việc lựa chọn phương pháp tiếp cận thích hợp phụ thuộc phần lớn vào đặc điểm của doanh nghiệp được định giá. Để được xem là phù hợp nhất, phương pháp đó phải đánh giá được tốt nhất tình hình hoạt động hiện tại của doanh nghiệp.

Phương pháp tiếp cận Thu nhập và phương pháp tiếp cận Thị trường

Phương pháp tiếp cận Thu nhập và tiếp cận Thị trường đều được thực hiện dựa trên cơ sở “hoạt động liên tục” và “như hiện trạng”. Phương pháp tiếp cận Thu nhập, còn được gọi là phương pháp Dòng tiền Chiết khấu hoặc DCF, được dùng để xác định giá trị thị trường hợp lý của một doanh nghiệp dựa trên các dòng tiền có thể tạo ra được trong tương lai.

Phương pháp tiếp cận Thị trường thường được cân nhắc khi một công ty hoạt động trong môi trường kinh doanh ổn định và vận hành cứng cáp. Cách này sẽ xác định giá trị thị trường của cổ đông thiểu số quan trọng hoặc nhóm cổ đông chính, dựa trên cơ sở doanh nghiệp đó vẫn tiếp tục hoạt động liên tục.

Phương pháp tiếp cận Tài sản ròng

Phương pháp tiếp cận Tài sản ròng được xem xét khi giá trị của một công ty chủ yếu đến từ tài sản, chứ không phải là các dòng tiền được kỳ vọng tạo ra trong tương lai. Cách tiếp cận này nhằm xác định giá trị thị trường hợp lý của một doanh nghiệp dựa trên tài sản ròng.

Chọn lựa đối tác Việt Nam thích hợp chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng đó không phải là thách thức lớn nhất của các nhà đầu tư bởi ngay cả thông tin tài chính của doanh nghiệp cần được định giá vẫn chưa rõ ràng.

Trong số các thách thức lớn của thẩm định giá doanh nghiệp, yếu tố đầu tiên là sự thiếu hụt các báo cáo tài chính chi tiết. Nguyên do chủ yếu vẫn là thiếu sót ràng buộc về luật pháp đòi hỏi các công ty tư nhân phải tiến hành kiểm toán độc lập, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, một số công ty do tập trung vào các hoạt động hàng ngày nên không chuẩn bị dự báo kinh doanh chi tiết. Ngay cả khi làm dự báo, họ cũng không cung cấp đủ chi tiết để chứng minh dự toán ngân sách cũng như chuẩn bị dự báo tài chính dài hạn. Một rào cản khác chính là sự thiếu vắng chiến lược kinh doanh và tầm nhìn dài hạn của chủ doanh nghiệp, dẫn đến việc khoảng cách về dự định tương lai giữa họ với các nhà đầu tư lại càng nới rộng.

Sự khác biệt trong định giá các doanh nghiệp nhà nước chắc chắn cũng ảnh hưởng đến tốc độ cổ phần hóa. Những khác biệt này bao gồm các phương pháp và tiêu chuẩn cho việc định giá, và các tài sản đất đai lớn của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đó không phải là trở ngại duy nhất cho quá trình cổ phần hóa. Bên cạnh việc thiếu thông tin chi tiết, các nhà đầu tư cũng lo ngại tính minh bạch, sự công bằng và mức độ họ được kiểm soát các hoạt động kinh doanh ở đây.

Điều tối quan trọng đối với các doanh nghiệp trong nước, cả khối tư nhân lẫn quốc doanh, chính là thống nhất quan điểm với nhà đầu tư nước ngoài về cách xác định giá trị của doanh nghiệp. Điều này sẽ cho phép các công ty chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu của đối tác nước ngoài. Họ cũng nên tiến hành định giá độc lập trước khi mời nhà đầu tư tham gia vào hoạt động kinh doanh. Điều đó sẽ cho phép các công ty nội địa xác định những lĩnh vực chủ chốt mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đồng thời tránh các thiếu sót có thể xảy ra trong quá trình thẩm định giá.

Hỗ trợ các nhà đầu tư đánh giá năng lực của các công ty trong nước dễ dàng hơn chính là điều kiện kiên quyết để tận dụng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Bí quyết xây dựng một quan hệ đôi bên cùng có lợi chính là: chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đáp ứng các câu hỏi chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài.

PWC

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên