Vì sao thị trường ảm đạm, ngân hàng vẫn bơm thêm hơn 180.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư BĐS, gấp gần 2 lần mức tăng cùng kỳ năm trước?
Tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong bối cảnh thị trường địa ốc phục hồi chậm và các doanh nghiệp lớn đang đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động và nguồn vốn.
- 18-11-2023Tín dụng bất động sản: Ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ
- 15-11-2023Doanh nghiệp bất động sản ngồi im chờ ngân hàng hỗ trợ là không công bằng với ngân hàng
- 13-11-2023Sáng nay (13/11), Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng họp về phát triển thị trường bất động sản
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Theo tỷ trọng này, đến cuối tháng 9, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản - khoản cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án - đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. So với cuối năm 2022, cả tỷ trọng và quy mô của phân khúc này đều tăng mạnh. Cuối năm trước, quy mô cho vay kinh doanh bất động sản đạt khoảng 803.000 tỷ đồng, chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
Như vậy, dựa trên số liệu của NHNN, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng thêm khoảng 183.000 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022 – giai đoạn thị trường BĐS vẫn còn diễn biến sôi động (quy mô tăng thêm khoảng 97.000 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính quý 3 cũng cho thấy xu hướng tương tự khi dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của nhiều ngân hàng tư nhân lớn tăng rất mạnh. Đây cũng là những nhà băng có tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm.
Đơn cử như tại ngân hàng T., tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 13,5%, chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn (trong đó 71% danh mục là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng với dư nợ 223.650 tỷ đồng). Riêng cho vay kinh doanh bất động sản ghi nhận gần 160.238 tỷ đồng (chiếm 34,63% tổng dư nợ), tăng nhẹ so với cuối quý II nhưng tăng 47% so với đầu năm (tương đương tăng thêm hơn 51.000 tỷ).
Tương tự, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng V. vào cuối quý 3 cũng tăng 45% so với cuối năm 2022, lên hơn 98.192 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ.
Tại ngân hàng S., dư nợ kinh doanh bất động sản tại thời điểm 30/9 đạt hơn 67.620 tỷ đồng (chiếm 16,08% trong tổng dư nợ), tăng 115% so với đầu năm (31.493 tỷ đồng, chiếm 6,75%).
Cùng thời điểm, tại ngân hàng H., tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 70% lên 35.668 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,22% trong tổng dư nợ.
Ở nhà băng M., tín dụng kinh doanh bất động sản cũng tăng gần 62% lên 34.507 tỷ đồng vào cuối quý 3, cao gấp gần 4 lần tốc độ tăng trưởng dư nợ chung. Qua đó, kéo tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ tăng từ mức 4,64% vào cuối năm ngoái lên 6,44%.
Ngân hàng khẳng định vẫn rót vốn cho dự án tiềm năng
Tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong bối cảnh thị trường địa ốc phục hồi chậm và các doanh nghiệp lớn đang đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động và nguồn vốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng cao cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.
Về phía các ngân hàng, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Techcombank cho biết, trong bối cảnh cầu tín dụng chung của toàn nền kinh tế khá yếu, các khách hàng của ngân hàng vẫn có nhu cầu rút vốn nên việc giải ngân cho vay rất tốt. Những dự án Techcombank cho vay đều là những dự án có tiềm năng triển khai mở bán và tăng trưởng. Do đó, các khách hàng doanh nghiệp vẫn tự tin rút vốn để triển khai dự án, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trong những kỳ tiếp theo.
"Nợ xấu bất động sản của khối khách hàng doanh nghiệp (chủ đầu tư) tại Techcombank hiện nay không có. Khi nhìn vào hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, chuỗi giá trị bất động sản vẫn có khả năng sinh lời cao nhất. Chúng tôi không nhìn vào khả năng sinh lời của một chủ đầu tư bất động sản mà nhìn vào cả chuỗi giá trị", ông Hưng nói.
Theo lãnh đạo ngân hàng này, ở khía cạnh vĩ mô về nhu cầu của thị trường bất động sản, nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất lớn. Tỷ lệ % có sở hữu nhà ở của người Việt Nam so với các nước trong khu vực còn rất thấp. Do đó, dư địa phát triển thị trường bất động sản còn rất lớn.
Tại hội nghị BĐS do NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank cho biết, từ giờ đến cuối năm, VPBank sẽ tiếp tục giải ngân cho các dự án tốt, BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở.
Ngoài ra, ông Vinh cho hay: Những dự án đang cầm hoặc trót cầm thì đã "đâm lao phải theo lao". Cho nên những dự án đang khó khăn, như Novaland, xong được pháp lý thì VPBank giải ngân ngay.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng cam kết ngân hàng này sẵn sàng đồng hành với khách hàng. Mặc dù doanh số BĐS bán ra thời điểm này khá thấp, nhưng ngân hàng sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp hoàn thành cam kết với người mua nhà trước đó.
Bên phía các doanh nghiệp địa ốc, đại diện CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) mới đây cũng cho biết, các dự án doanh nghiệp đang triển ở khu vực trung tâm TP HCM, dự án Aqua City, dự án NovaWorld Ho Tram và dự án NovaWorld Phan Thiet nhận được sự hỗ trợ tích cực và tài trợ từ phía các ngân hàng thương mại như TPBank, MB, VPBank, PVcomBank. Song, hiện tại các dự án vẫn đang gặp vướng mắc liên quan đến pháp lý.
"Đối với Novaland, pháp lý là yếu tố then chốt vì công ty còn các khoản phải thu từ các sản phẩm đã bán rất lớn. nếu không xử lý được pháp lý thì ngân hàng không giải toả tiền tạm khoá, đồng thời cũng là rào cản để các ngân hàng giải ngân vốn mới cũng như tiếp tục tài trợ cho người mua nhà", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Hay đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, vừa qua Ngân hàng LPBank quyết định cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng, qua đó giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở. Đến nay hai bên đã tích cực triển khai và Hưng Thịnh đã được phê duyệt chi tiết khoảng 2.000 tỷ đồng.