Vì sao thị trường công nghệ Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư?
Reid Kirchenbauer, nhà đầu tư kiêm sáng lập InvestAsian, vừa có bài viết phân tích vì sao thị trường công nghệ Việt Nam lại hấp dẫn trên trang Seeking Alpha. ICTnews xin gửi tới độc giả nội dung lược dịch.
Việt Nam bắt đầu nhận được chú ý từ năm 2015 khi tuyên bố tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chấm dứt hơn 18.000 hàng rào thuế quan đối với hàng hóa giữa các quốc gia. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến đất nước này xứng đáng được nhìn nhận nhiều hơn là bức tranh công nghệ. Thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài vào startup địa phương, Việt Nam hội đủ mọi điều kiện cần thiết để “ấp” thành công các doanh nghiệp công nghệ triệu đô.
Thị trường tốt nhất cho startup?
Việt Nam đang xâm chiếm thế giới với tốc độ bão tố, ví dụ đặc sắc nhất là game đơn giản nhưng gây nghiện Flappy Bird của Đông Nguyễn. Nó chiếu ánh đèn sân khấu lên Việt Nam dù đây không phải điểm khởi đầu của sự gắn kết giữa quốc gia với công nghệ.
Việt Nam từ lâu đã là nhà của các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như LG, Panasonic, Toshiba. Tuy nhiên, vài năm gần đây, đất nước chứng kiến sự chuyển dịch thành một trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á cho gã khổng lồ Samsung.
Với việc tham gia AEC, TPP và sự hiện diện ngày một nhiều của các tập đoàn công nghệ quốc tế, ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn rót vốn cho các startup địa phương với hi vọng thu về kết quả tương xứng.
Khoảng tháng 3/2016, Goldman Sachs và Standard Charterd quyết định gây vốn 28 triệu USD cho một đơn vị thanh toán điện tử đang sở hữu hơn 2 triệu khách hàng và số giao dịch tăng trưởng ấn tượng trên 30%. 500 Startups, quỹ đầu tư mạo hiểm của Silicon Valley, cũng thông báo mở quỹ 10 triệu USD tập trung vào startup Việt.
Dường như các nhà đầu tư này đang đặt cược vào “mỏ vàng” mới và vô cùng hi vọng sẽ đào được vàng vì phần lớn startup Việt đều thuộc lĩnh vực thương mại điện tử. Đó là lĩnh vực tăng trưởng 35% trong năm 2015 và còn nhiều không gian phát triển.
Công nghệ Việt Nam và những lợi thế phát triển
Một số người vẫn bối rối không hiểu làm thế nào Việt Nam tiến xa đến mức này trong công nghệ. InvestAsia chỉ ra một vài yếu tố dẫn đến lợi thế của Việt Nam so với các nước láng giềng.
Đầu tiên, như đã nhắc đến trước đó, Việt Nam là một phần của hiệp định thương mại mới, cho phép đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác như Lào và Campuchia.
Thứ hai, quốc gia này là cái nơi sinh ra một vài trong số các nhà khoa học máy tính xuất sắc nhất thế giới. Một kỹ sư phần mềm Google đã nhắc đến chuyện Việt Nam có tỉ lệ sinh viên khoa học máy tính giỏi nhất, nhiều người trong số họ vượt qua các câu hỏi phỏng vấn của Google dễ dàng. Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế xếp Việt Nam ở vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu.
Thứ ba, Việt Nam có chi phí nhân công rẻ hơn nhiều Trung Quốc. Do chi phí nhân công tại Trung Quốc đang tăng, nhiều công ty đa quốc gia lớn muốn chuyển sang các nước như Việt Nam, Phillipines, Campuchia. Đây là động lực lớn cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ tư, đây là thị trường của các sản phẩm công nghệ. Nhiều nhà đầu tư lưu ý một tài sản đáng giá của Việt Nam chính là dân số trẻ, đam mê công nghệ với độ tuổi trung bình 30. Điều đó đồng nghĩa tỉ lệ sử dụng sản phẩm công nghệ cao hơn nhiều các nước khác.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tỉ lệ startup trên số dân của Việt Nam rất lớn, cao hơn tại Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Với thị trường công nghệ được đánh giá là phát triển nhanh nhất châu Á, Việt Nam có thể thu về lượng lớn đầu tư nước ngoài trong thập kỷ tới.
ICTnews