MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao thị trường dầu mỏ không thể để mất nguồn cung cấp từ Nga?

19-02-2022 - 06:25 AM | Thị trường

Vì sao thị trường dầu mỏ không thể để mất nguồn cung cấp từ Nga?

Nguy cơ xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraina khiến thị trường dầu mỏ đang biến động rất mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung vốn đang khan hiếm, bất cứ sự giấn đoạn nguồn cung nào đều có thể khiến giá tăng lên trên 100 USD/thùng. Nhà Trắng – vốn rất lo ngại về giá năng lượng cao – dường như sẽ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào xuất khẩu dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Những thông tin dưới đây sẽ giải đáp toàn bộ những thắc mắc liên quan đến mối liên quan giữa thị trường dầu mỏ toàn cầu và nước Nga.

Nga có vai trò như thế nào trong thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Nga là một trong ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cùng với Mỹ và Saudi Arabia, đồng thời đóng vai trò là trung tâm của nhóm OPEC + (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất đồng minh).

Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 12/2021 vào khoảng 10 triệu thùng/ngày và tổng sản lượng các sản phẩm dầu lỏng của nước này (bao gồm cả khí ngưng tụ (condensate), được miễn hạn ngạch của OPEC) là gần 10,9 triệu thùng/ngày. Nga đã xuất khẩu khoảng 4,3 triệu thùng dầu thô/ngày trong năm ngoái, tương đương 4,5% nhu cầu toàn cầu, bao gồm 2,6 triệu thùng/ngày sang châu Âu thông qua đường ống và đường biển. Nước này cũng xuất khẩu khoảng 1,6 triệu thùng/ngày các sản phẩm tinh chế sang châu Âu. Đường ống Druzhba vận chuyển dầu thô đến Belarus, Ba Lan và Đức thông qua một nhánh ở phía Bắc nước Nga và Slovakia, đến Hungary và Cộng hòa Séc thông qua nhánh phía Nam quá cảnh Ukraine.

Trong năm 2021, Nga cũng xuất khẩu khoảng 1,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày sang châu Á thông qua hệ thống đường ống Thái Bình Dương ở Đông Siberia (ESPO) và xuất khẩu qua đường thủy. Xuất khẩu của Nga sang Mỹ đã tăng trưởng trong ba năm qua, với xuất khẩu dầu thô và sản phẩm đạt mức trung bình hàng tháng là 705.000 thùng/ngày trong 10 tháng đầu năm 2021. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ nhập khẩu dầu thô của Nga bao gồm cả hỗn hợp Ural và ESPO cũng như nhiên liệu dầu và nguyên liệu thô cho để pha trộn với các loại khác.

Vì sao thị trường dầu mỏ không thể để mất nguồn cung cấp từ Nga? - Ảnh 1.

Xuất khẩu dầu thô của Nga sang các thị trường.

Theo thỏa thuận OPEC +, Nga dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm khoảng 100.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến khi đạt 10,5 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2022, tương đương với sản lượng trước Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng sản lượng của Nga có vẻ cũng đang mất đà. Vào tháng 12, nước này đã sản xuất dưới mục tiêu OPEC + lần đầu tiên kể từ mùa xuân năm ngoái, và thị trường bắt đầu nghi ngờ không biết liệu Nga có thể nâng sản lượng lên tới 10,5 triệu thùng/ngày hay không. Được biết, hạn ngạch OPEC + phân bổ cho Nga trong tháng 2 là 10,23 triệu thùng/ngày.

Thị trường phản ứng thế nào với căng thẳng Nga-Ukraine?

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga đang thúc đẩy tâm lý lạc quan về giá dầu, mặc dù điều này rất khó xảy ra.

Sự hồi phục nhu cầu dầu thế giới sau đại dịch Covid-19 mạnh mẽ hơn so với đa số các dự đoán. Nguồn cung dầu toàn cầu đã không theo kịp nhu cầu bởi OPEC + vẫn đang tiếp tục cắt giảm sản lượng và các công ty dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục giữ thái độ đầu tư một cách thận trọng. Thị trường đang tập trung vào những lo ngại về công suất dự phòng và lượng tồn trữ thấp, cũng như việc ngành dầu khí toàn cầu đã giảm dần đầu tư kể từ năm 2015. Thị trường cũng đang trong đà suy thoái, với giá cả giao ngay tăng vượt xa so với giá kỳ hạn tương lai, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ từ các các nhà máy lọc dầu và thôi thúc họ rút dầu thô từ các kho dự trữ của mình để chế biến.

Giá dầu Brent đã vượt mức 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, và nhiều ngân hàng và thương nhân tin rằng mức giá 100 USD/thùng sẽ đến không xa. OPEC + tiếp tục không đạt mục tiêu sản xuất, với các nước như Nigeria, Angola và Malaysia đều sản xuất dưới mức phân bổ hàng tháng. Thay vì bổ sung thêm tổng cộng 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng, mức tăng sản lượng của OPEC + gần đây chỉ nằm trong khoảng 250.000 thùng/ngày. Thị trường lo ngại rằng ít quốc gia - bao gồm cả Nga - có năng lực dự phòng có thể giúp chống lại các cú sốc về nguồn cung. Trên thực tế, luôn rất khó khăn để tách tín hiệu về rủi ro địa chính trị khỏi mớ thông tin gây nhiễu đối với thị trường dầu mỏ. Giá khí đốt và điện tăng mạnh ở châu Âu trong những tháng gần đây, trong khi đã xảy ra sự cố ngừng hoạt động gần đây của một số cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya và Kazakhstan.

Mặc dù thị trường đang bàn rất nhiều đến nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Ukraine hoặc các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga. Có ít khả năng sẽ xảy ra những vấn đề này, nhưng nếu xảy ra thì sẽ có tác động cực kỳ lớn do thị trường đang rất eo hẹp nguồn cung.

Liệu thị trường dầu mỏ có thể điều chỉnh nếu xảy ra sự gián đoạn nguồn cung lớn từ phía Nga?

Bất kỳ sự gián đoạn lớn nào cũng sẽ có tác động nghiêm trọng. Khối lượng dầu vận chuyển qua Ukraine đã giảm từ 585.000 thùng/ngày vào năm 2009 xuống chỉ còn 255.000 thùng/ngày vào năm ngoái, sau khi xây dựng một số đường ống mới và bỏ qua các đường ống dẫn cũ, khiến lượng dầu xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ ít hơn trước. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn cung bị ngắt đứt, phá hoại hoặc các lệnh trừng phạt hạn chế xuất khẩu, các nhà lọc dầu châu Âu sẽ phải tranh giành các lựa chọn thay thế cho dầu Urals - một hỗn hợp dầu thô chua vừa.

Các nhà xuất khẩu dầu thô ở Trung Đông như Saudi Arabia, Iraq và Kuwait có thể gia tăng khối lượng xuất, song cho đến nay hầu hết công suất của họ đều bị giới hạn. Một số nhà máy lọc dầu có thể thay thế bằng việc mua loại dầu nhẹ hơn từ Na Uy, Mỹ hoặc Tây Phi để pha trộn với dầu thô chua. Các nhà tinh chế ở Châu Á đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho hỗn hợp ESPO cũng có thể hướng đến Trung Đông để tìm mua dầu chua vừa hoặc chua nhẹ. Nhưng điểm mấu chốt là các lựa chọn thay thế rất khan hiếm vì thị trường đang rất eo hẹp, và giá sẽ phải tăng lên. OPEC + hàng tháng vẫn tổ chức họp chính sách, nhưng hiện tại nhóm dường như không thể thay đổi kế hoạch tiếp tục bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng.

Các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga có được đưa ra không?

Trong một cuộc họp báo mới đây, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã gợi ý rằng trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine, "hiện tượng giá tăng từ từ sẽ không còn nữa, mà chúng ta sẽ bắt đầu từ mức giá đỉnh cao và dừng lại ở đó." Tuy nhiên, họ vẫn tập trung vào các biện pháp trừng phạt khu vực tài chính nếu có và kiểm soát xuất khẩu, đề cập đến trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử, cũng như công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ.

Có thể các lệnh trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu trong tương lai sẽ nhằm vào lĩnh vực dịch vụ mỏ dầu ở Nga, ngăn cản các nhà sản xuất trong nước và các đối tác liên doanh của họ tiếp cận thiết bị và dịch vụ. Nhà Trắng cũng có thể cố gắng đóng băng tài sản quốc tế của các công ty dầu mỏ hoặc các giám đốc điều hành của họ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có vẻ như các lệnh trừng phạt sẽ không nhắm trực tiếp vào xuất khẩu dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ vì những rủi ro đối với an ninh năng lượng của châu Âu và nền kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, các biện pháp liên quan đến năng lượng có nhiều khả năng nhằm vào các dự án khí đốt trong tương lai và các lĩnh vực tăng trưởng cũng như ưu tiên đầu tư dài hạn hơn. Chiến lược này sẽ có một số điểm tương tự như đợt trừng phạt mạnh vào lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga vào năm 2014, vốn để tìm cách ngăn cản Nga phát triển các nguồn tài nguyên dầu đá phiến, dầu Bắc Cực và dầu nước sâu.

Trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn lớn, Mỹ có thể làm gì?

Mỹ có khả năng sẽ đáp trả bằng cách giải phóng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), có lẽ sẽ khẩn cấp phối hợp với các nước khác. Tháng 11 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Biden thông báo họ sẽ cung cấp 50 triệu thùng SPR thông qua các sàn giao dịch (32 triệu thùng) và tăng tốc bán dầu dự trữ (18 triệu thùng). Mỹ đã xuất kho gần 40 triệu thùng thông qua một đợt bán vào tháng 12.

Các thông tin về việc Mỹ bán dầu SPR vào mùa thu năm ngoái được cho là đã giúp hạ nhiệt thị trường sau khi giá tăng nhanh chóng, nhưng tác động của việc bán hoặc trao đổi SPR trong tương lai có thể bị hạn chế. Nhà Trắng có thể sẽ tiếp tục thúc giục các nhà sản xuất dầu khác tối đa hóa sản lượng, bao gồm cả OPEC +. Nhưng bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào từ Nga cũng sẽ thúc đẩy việc gia tăng đầu tư vào việc thăm dò và sản xuất dầu ở Mỹ. Những lo ngại mới về an ninh năng lượng cho thấy đã đến lúc phải hiệu chỉnh lại thông điệp của Nhà Trắng để cân bằng tốt hơn các mục tiêu về khí hậu và năng lượng dài hạn với các nhu cầu trong ngắn hạn.

Tham khảo: CSIS

https://cafef.vn/vi-sao-thi-truong-dau-mo-khong-the-de-mat-nguon-cung-cap-tu-nga-20220218174354759.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên