MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Thủ tướng Italy từ chức?

05-12-2016 - 09:38 AM | Tài chính quốc tế

Kết quả này một lần nữa đã chứng minh được sức mạnh đang lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu – thứ mà cách đây 5 tháng đã khiến cả thế giới sửng sốt khi Anh chọn rời khỏi EU.

Sáng sớm 5/12, trong buổi họp báo đầy cảm xúc tại Palazzo Chigi, nơi làm việc của Chính phủ Italy, Thủ tướng Matteo Renzi vừa tuyên bố từ chức sau một ngày Chủ nhật căng thẳng dõi theo cuộc trưng cầu dân ý mà ông đã đặt cược cả vận mệnh chính trị của mình vào đó.

Là nền kinh tế lớn thứ 3 eurozone, đất nước hình chiếc ủng đang đối mặt với một nền kinh tế trì trệ, hệ thống ngân hàng đang ở bên bờ vực khủng hoảng. Điều mà ông Renzi muốn là một cuộc cải cách hiến pháp nhằm loại bỏ quyền lực của Thượng viện, giúp quá trình ra quyết định của toàn bộ hệ thống chính trị dễ dàng và trơn tru hơn. Ông cho rằng có như vậy thì Italy mới có thể thực hiện cải cách và vượt qua những khó khăn về kinh tế.

Tuy nhiên, người dân Italy lại không cho là như vậy khi nói “không” với những cải cách về Hiến pháp. Theo kết quả thăm dò sơ bộ, 59% không đồng ý tước bỏ quyền của Thượng viện, so với con số 41% đồng ý.

Kết quả này một lần nữa đã chứng minh được sức mạnh đang lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu – thứ mà cách đây 5 tháng đã khiến cả thế giới sửng sốt khi Anh chọn rời khỏi EU. Nền kinh tế lớn thứ 3 ở eurozone đang đứng trước một cuộc khủng hoảng chính trị trong khi giới đầu tư lo sợ về một cuộc khủng hoảng có thể nhấn chìm hệ thống ngân hàng nước này trước khi lan ra toàn châu Âu.

Đứng sau làn sóng phản đối kế hoạch cải cách của ông Renzi chính là Phong trào 5 sao – một phong trào đấu tranh chống lại những quan điểm, nguyên tắc kinh tế, xã hội chính thống. Đứng đầu phong trào này là Beppe Grillo (một diễn viên hài kịch), Matteo Salvini (nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn miền Bắc có quan điểm chống nhập cư) và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (ông này cũng là một ông trùm truyền thông).

Tuy nhiên không phải những người nói “không” đều là các nhà hoạt động chính trị đi theo chủ nghĩa dân túy. Bên cạnh đó còn có các cựu Thủ tướng như Mario Monti và Massimo d’Alema hay nhiều luật sư nổi tiếng tin rằng kế hoạch cải cách của ông Renzi quá sơ sài.

Như vậy sự nghiệp chính trị của người đàn ông 41 tuổi đi lên từ vị trí Thị trưởng thành phố Florence đã khép lại. Ông nhậm chức Thủ tướng từ tháng 2/2014, với sứ mệnh cải cách đất nước.

Hồi đầu năm nay, ông Renzi vẫn được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý lần này. Tuy nhiên, có quá nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện như nền kinh tế èo uột, châu Âu rơi vào khủng hoảng nhập cư và sức khỏe của hệ thống ngân hàng của Italy ngày càng tồi tệ. Tất cả khiến uy tín của ông sụt giảm nghiêm trọng.

Thêm vào đó, cam kết sẽ từ chức nếu thua cuộc càng khiến các phe đối lập quyết tâm đoàn kết để lật ngược tình hình. Những lời kêu gọi cải cách của Renzi bị phe đối lập cho là không đáng tin bởi nó xuất phát từ một chính trị thèm khát quyền lực và quá thân cận với tầng lớp tinh hoa ở châu Âu cũng như giới tài chính quốc tế.

“Tôi không thích Chính phủ của ông Renzi, tôi không thích những gì họ đang làm, không thích cả cách mà Italy phải lệ thuộc vào châu Âu. Tôi ủng hộ liên minh châu Âu nhưng đó phải là châu Âu của những người dân thường”, một người đàn ông 68 tuổi đi bỏ phiếu ở Rome nói với Financial Times.

Thủ tướng từ chức, Italy sẽ có một Chính phủ tạm thời cho đến khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào đầu năm 2018. Tuy nhiên nếu không thể nhất trí về một Chính phủ mới, nước này sẽ bước vào cuộc bầu cử sớm và kịch bản này nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Kết quả trưng cầu là một chiến thắng lớn dành cho phong trào 5 sao – đảng đã theo sát đảng cầm quyền trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện từ đầu năm đến nay.

Đảng này cũng đang kêu gọi thực hiện một cuộc trưng cầu khác (lần này là về việc rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu). Tuy nhiên để có thể tổ chức trưng cầu, phong trào 5 sao phải có thêm quyền lực trong các cuộc bầu cử Quốc hội.

Thu Hương

FT

Trở lên trên