MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao tỉ lệ thanh niên thất nghiệp luôn ở mức cao?

Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên giảm, song tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo lại tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, so với quý trước, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) trong quý III-2024 giảm, song tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo lại tăng.

Trong quý III-2024, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức 7,75%, thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu, nhưng vẫn duy trì mức cao. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỉ lệ này có giảm.

Đáng chú ý, trong quý III, cả nước vẫn có khoảng 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,7% tổng số thanh niên), tăng 75.300 người so với quý trước, giảm 156.300 người so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng Cục thống kê, quý III thường là giai đoạn mà tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo tăng lên. Do đây là thời điểm nhiều thanh niên vừa tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, đang trong quá trình chuyển đổi từ môi trường giáo dục sang thị trường lao động.

Trước một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề thất nghiệp trong thanh niên, tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 4-11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết chỉ số thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở nước ta hiện nay là 7,92%, trong khi mức bình quân khu vực Đông Nam Á là 9,5%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng "7,92% là con số có thể chấp nhận được. Nhìn chung, tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế vẫn ở ngưỡng cho phép".

Về nguyên nhân gia tăng tỉ lệ thanh niên thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam chịu tác động những yếu tố bất ổn khiến sản xuất kinh doanh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. Do đó, lao động trẻ có phần khó khăn để thích ứng.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ, gia tăng cạnh tranh với nhóm lao động trẻ.

Nêu giải pháp đối với vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vì sao tỉ lệ thanh niên thất nghiệp luôn ở mức cao?- Ảnh 1.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên để phát triển việc làm bền vững

Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên.

Tiếp nữa là chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo. Triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vay giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để thích ứng vấn đề này.

Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đây là một căn cứ và một giải pháp làm "bà đỡ", không để thanh niên thất nghiệp kéo dài.

Một giải pháp nữa cũng được tính đến là hài hòa giữa lao động trẻ, lao động trong nước với việc tạo điều kiện để thanh niên và lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài, vừa là tạo điều kiện để tăng thu ngoại tệ và tạo việc làm trong tạm thời.

Theo G.Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên