MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao TPHCM cứ mưa là ngập?

22-05-2018 - 08:12 AM | Bất động sản

Mới bước vào đầu mùa mưa nhưng những ngày qua, người dân TPHCM liên tục phải chịu cảnh “bơi” trên đường về nhà. Có nơi nước ngập đến yên xe dù mới được đầu tư kinh phí lớn để chống ngập, trong khi những điểm vừa được công bố xoá ngập thì nước vẫn lênh láng từ đường vào hẻm khiến người dân khốn đốn.

Vừa xóa đã ngập

Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM (Trung tâm chống ngập), trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Trong đó, có đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú). Tuy nhiên, thực tế từ đầu mùa mưa đến nay, các tuyến đường này vẫn liên tục ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Có nơi nước ngập hơn nửa mét, từ ngoài đường vào hẻm, tràn vào nhà dân.

Mới đây nhất, trận mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng tối 19/5 khiến hàng loạt tuyến đường ở nhiều quận, huyện như Phan Huy Ích quận Tân Bình, Nguyễn Văn Quá quận 12, Huỳnh Tấn Phát quận 7, Cây Trâm, Lê Văn Thọ quận Gò Vấp, An Dương Vương, Hồ Học Lãm quận Bình Tân… bị ngập nặng. Các tuyến đường vừa được công bố xoá ngập như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Tân Hương cũng chung cảnh ngộ. Đặc biệt, đường Nguyễn Xí đoạn từ chân cầu Đỏ đến giao lộ Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, nước ngập lút bánh xe khiến hàng loạt phương tiện lưu thông qua đây chết máy, trong khi nhiều người đi xe máy bị ô tô chạy qua tạo sóng xô ngã nhào.

Không chỉ ngoài đường, các con hẻm, nhà dân trên hai tuyến này cũng bị nước tràn vào ngập sâu gần nửa mét gây hư hỏng nhiều tài sản, làm cho kinh doanh ngưng trệ. Người dân cho hay, tình trạng ngập diễn ra nhiều năm nay cho dù lực lượng chức năng triển khai các dự án chống ngập...  Hì hục tát nước từ trong nhà ra ngoài, ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, ngụ đường Nguyễn Xí) ngao ngán, năm nào cũng như vậy, cứ mưa là ngập. “Gia đình tôi và hàng xóm xây thềm ngăn nước nhưng hôm nào mưa to là nước vẫn tràn vào nhà. Thời gian qua thấy rào đường, làm cống tưởng đợt này hết ngập. Ai ngờ lại ngập nặng hơn”, ông Thành nói.

Chị Lê Thị Dung (31 tuổi, chủ một cửa hàng trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh) cho biết, những ngày qua, tuyến đường này xảy ra hai đợt ngập nặng khiến cuộc sống người dân đảo lộn, hàng quán ế ẩm. “Ngồi trong nhà mà cứ tưởng ngoài sông. Nước ngập lút nửa chiếc ghế nhựa cao nên tủ lạnh, quạt điện bị nước ngấm vào nên hỏng cả. Cứ mưa lớn nước lại tràn từ dưới cống lên, chảy vào nhà bốc mùi hôi nồng. Mấy quán cơm, quán nước bình thường đông khách nhưng khi mưa, nước tràn vào nhà là không ai dám ghé vào ăn uống”, chị Dung nói.

Chống ngập kiểu “chữa cháy”

Những năm qua, cơ quan chức năng TPHCM đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các công trình chống ngập trên nhiều tuyến đường, nhưng tình trạng ngập vẫn không giảm. Thậm chí có nơi càng chống càng ngập khiến người dân đặt câu hỏi về hiệu quả của các công trình nâng đường, thay cống... khi đầu tư chống ngập nửa vời.

Tiêu biểu cho các dự án “càng chống càng ngập” là đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) với kinh phí nâng đường, thay cống 163 tỷ đồng và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) với 136 tỷ đồng. Dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng đường, thay cống hộp nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Mới đây, quận 12 tiếp tục đề xuất làm hồ điều tiết tại sân bóng đá Cây Sộp, sát bên vỉa hè đường Nguyễn Văn Quá để chống ngập.

Trong khi đó, theo ghi nhận, hồ điều tiết được xây dựng thí điểm trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức với dung tích chỉ hơn 100m3 nên mỗi khi trời đổ mưa lớn, đoạn đường Võ Văn Ngân ngay vị trí hồ điều tiết vẫn bị ngập nặng. Nước từ đường này chảy vào các con hẻm, đường nhỏ... như thác.

Trong trận mưa tối 19/5, ở TPHCM có ít nhất 30 điểm ngập. Người dân ngụ hai bên đường Nguyễn Văn Quá, Đỗ Xuân Hợp hay đoạn trước hồ điều tiết cũng không thoát cảnh bì bõm lội nước, thức trắng đêm tát nước, lau nhà khi nước từ ngoài đường tràn vào.

“Mất gần 2 năm kinh doanh ế ẩm, sống chung với mưa lầy, nắng bụi để lực lượng chức năng nâng đường, thay cống. Cứ tưởng xong rồi thì sẽ thoát cảnh ngập, làm ăn buôn bán thuận lợi hơn. Thế nhưng, giờ công trình đã xong 2 năm nhưng cứ mưa là ngập bất kể ngoài đường hay trong hẻm”, bà Lê Thị Thu (53 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Quá) bức xúc.

Theo các chuyên gia, việc các công trình chống ngập không phát huy hiệu quả, cũng là một phần nguyên nhân làm cho tình trạng ngập thêm nặng nề hiện nay. Đó là chưa kể, việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, chống ngập chạy theo hiện trạng “ngập đâu chống đó” khiến các công trình không được đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng, việc quy hoạch chống ngập ở TPHCM không đúng bản chất. Quy hoạch chống ngập không được lấy ý kiến rộng rãi, không đúng về chuyên môn kỹ thuật cũng như không áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào việc chống ngập, vì vậy đã sai lầm ngay từ đầu.

Vì sao TPHCM cứ mưa là ngập? - Ảnh 1.

Người dân bất lực trước đường ngập. Ảnh: Ngô Bình.

 “Việc quy hoạch sai lầm dẫn đến tình trạng chống ngập theo kiểu “chữa cháy”, ngập đâu chữa đấy, không có chiến lược rõ ràng. Bên cạnh đó, các công trình chống ngập đã làm còn có nhiều hạn chế, không hoàn chỉnh dẫn đến phản tác dụng hay từ chưa ngập thành ngập nặng. Một số công trình thi công chưa hoàn thiện dẫn đến việc không đánh giá chính xác được hiệu quả như hồ điều tiết, cống ngăn triều…”, ông Bá nói.

Ngoài ra, theo ông Bá, hiện có nhiều công trình chống ngập mang tính chất cục bộ, chống ngập theo từng tuyến đường là không hợp lý mà phải theo từng lưu vực. Xét theo từng lưu vực và đặt mốc về cốt nền cho phù hợp mới xác định được nơi nào nên nâng, chỗ nào không. Người dân cũng dựa theo tiêu chuẩn đó làm nhà… Còn hiện nay, việc quy hoạch vẫn còn lộn xộn.

Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc chống ngập hiện nay không chỉ TPHCM mà nhiều tỉnh thành trên cả nước còn mắc sai lầm khi chạy theo hiện trạng, việc nâng đường, thay cống vô tội vạ khiến tình trạng ngập càng thêm phức tạp. Ngoài ra, địa hình TPHCM không có độ dốc, các đường cống quá dài dẫn đến việc nước không thể thoát ra ngoài. Khi đó, việc nâng đường, thay cống lớn chỉ để chứa nước chứ không thoát nước.

Theo ông Sanh, việc chống ngập cần có sự tư vấn, giám sát của chuyên gia nước ngoài bởi việc quy hoạch, xây dựng và giám sát ở các nước tiên tiến đều có sự hỗ trợ của thiết bị, công nghệ hiện đại và được theo dõi chặt chẽ. “TPHCM nên mời tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu để và làm theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tại sao Paris không ngập, các thành phố lớn không ngập? Với các thành phố lớn, việc quy hoạch, tiêu chuẩn chống ngập lên đến cả trăm năm như Tokyo, Malaysia… Bên cạnh hệ thống cống còn có những hồ điều tiết lớn để trữ nước”, ông Sanh nói.


Theo Ngô Bình

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên