MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao TP.HCM đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ?

UBND TP.HCM, chính thức có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với công suất thông quan 10 - 15 triệu TEU, và tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

UBND TP.HCM, chính thức có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với công suất thông quan 10 - 15 triệu TEU, và tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ sẽ giúp cho TP tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM cũng như cả nước.

Đó là nội dung văn bản của UBND TP.HCM, gửi Thủ tướng với đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển…

Mới đây, UBND TP.HCM, chính thức có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với công suất thông quan 10 - 15 triệu TEU, và tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Vê quy mô, dự án sẽ được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư mong muốn được triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào 2024 và đưa vào khai thác vào 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác vào 2040.

Nhà đầu tư của cảng này là liên danh Tập đoàn Vận tải biển MSC - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Khu cảng Cù lao Phú Lợi. Với quy mô 7,2 km cầu cảng, cảng có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo UBND TP.HCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.

Cũng theo UBND TP.HCM, hiện sản lượng thông qua cảng biển trên địa bàn liên tục tăng trưởng qua các giai đoạn 2015-2020, 2021-2025. Đặc biệt trong năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40% so với quy hoạch năm 2020 là 116,9 triệu tấn và vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030 là gần 160 triệu tấn.

Do đó, về lợi ích, TP.HCM đánh giá việc sớm triển khai các cảng container của cảng biển TP.HCM giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu loại hình này ở hiện tại lẫn tương lai cho TP.HCM và cả nước.

Vì vậy, để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan đánh giá lợi thế, khả năng đáp ứng các điều kiện... để hình thành khu cảng. TPHCM cũng kiến nghị Trung ương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển khu bến Cần Giờ.

Đáng chu ý, trước đó, tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam" vào tháng 4/2022, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), cho biết: "Nhà đầu tư (Tập đoàn vận tải biển MSC) đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore - là cảng trung chuyển quốc tế sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP.HCM, với mức đầu tư rất lớn". Bà đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với TP.HCM khi lượng hàng trước đây trung chuyển tại Singapore sẽ chuyển sang trung chuyển tại Việt Nam.

Và theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, việc sớm xây dựng các cảng container của cảng biển TP.HCM trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP HCM nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung – bà Hạnh chia sẻ.

Cũng theo bà Hạnh, khu bến Cần Giờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000DWT (24.000 TEU) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Ngoài ra, khu vực Cần Giờ nằm tại vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió nên sẽ tạo điều kiện tốt cho các tàu biển cập bến.

Ở vị trí cửa biển thuận lợi, cảng sẽ có tiền phương tốt khi kết nối với các cảng lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và trung tâm logistics ngay tại cảng cũng như các vùng lân cận cũng cần được chú trọng đầu tư để có thể cạnh tranh và thu hút các tàu lớn đi qua cảng – bà Hạnh nhấn mạnh.

… và tạo thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa…

Trước đó, UBND TP.HCM cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị mở tuyến đường chuyên dụng kết nối cảng Cát Lái-Phú Hữu với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để giải quyết bài toán kẹt xe triền miên cho tuyến giao thông huyết mạch độc đạo hiện hữu từ trước tới nay.

Vì sao TP.HCM đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ? - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu đông bắc của TP.HCM là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM.

Cụ thể, tuyến đường mới này dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, qua đường Nguyễn Thị Tư rồi đi qua rạch Bà Cua, Ông Nhiêu và kết thúc tại nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Lý giải về kiến nghị mở thêm tuyến đường này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu đông bắc của TP.HCM là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM.

Hiện nay, sản lượng hàng container của cảng Cát Lái chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu gần đó đang rất khó khăn, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, gây mất an toàn giao thông trong khu vực.

Trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch chung TP.Thủ Đức, TP.HCM thấy cần thiết nghiên cứu bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái-Phú Hữu với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai 3 TP.HCM.

Các phương tiện trên tuyến đường này được tổ chức đi từ khu vực cảng vào đường Vành đai 3, vào cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây và ngược lại. Để làm tuyến đường này sẽ phải giải toả khoảng 59 ha đất và cần điều chỉnh một số quy hoạch hiện nay. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với các phương án xây dựng tuyến đường, để có cơ sở triển khai các đầu việc tiếp theo.

Theo Ngân Giang

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên