MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung?

17,3 tỷ USD là tổng số vốn Samsung đã đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ chi phí nhân công thấp, Việt Nam còn tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 16 FTA song phương và đa phương, cùng với đó là những ưu đãi lớn về thuế của Chính phủ. Những điều này đã thuyết phục Samsung liên tục tăng vốn đầu tư trong 10 năm qua.

Tháng 3/2008, Samsung chính thức nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh. Trước đó, doanh nghiệp này đã thiết lập nhà máy sản xuất sản phẩm gia dụng, TV, màn hình máy tính,… tại TP.HCM vào năm 1995. Samsung đã mất tới 13 năm cân nhắc để đưa ra quyết định đầu tư mạnh vào Việt Nam.  

Ông Ha Chan Ho, cựu Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam hơn nữa vì họ đều nhận thấy môi trường đầu tư tại Việt nam ổn định hơn các nơi khác. Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ (5/2013), ông Ha Chan Ho đã trở lại Việt Nam trong vai trò cố vấn chiến lược của Tập đoàn Samsung. Thời điểm này, Samsung đang triển khai xây dựng nhà máy tại Thái Nguyên và tuyên bố đầu tư thêm 1 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh.

Quyết định đầu tư lớn vào Việt Nam của Samsung diễn ra sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007). Một khoản đầu tư khác, trị giá 3 tỷ USD của Samsung Display, cũng chỉ được công bố khi Việt Nam và Hàn Quốc ký kết Hiệp định thương mại tự do (VKFTA). Điều đó cho thấy, sự tham gia của Việt Nam vào các FTA cũng là một điểm hấp dẫn Samsung đầu tư.

Tính tới đầu năm 2018, tổng số vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam đã lên đến 17,3 tỷ USD, tăng 26 lần so với năm 2008.

Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, nguồn lao động của Việt Nam cũng là một tiêu chí được Samsung quan tâm khi tiến hành đầu tư. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 70% số người nằm trong độ tuổi lao động. Chi phí nhân công Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 Hàn Quốc, nhưng năng suất lao động tương đương.  

"Năng suất lao động của người Việt Nam không hề thấp. Khi so sánh với người Hàn Quốc cũng đạt tầm 98-99%, gần như tương đương. Ở công ty khác thì chúng tôi không biết nhưng ở Samsung thì là như vậy" – ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, Công ty Samsung Việt Nam khẳng định.

Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung? - Ảnh 2.

Không chỉ có hai yếu tố trên, Chính phủ Việt Nam còn ban hành những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Hiện tại, Samsung đã nhận được nhiều ưu đãi đầu tư từ Chính phủ: miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo, hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong 30 năm,…

Đối với dự án tại Khu công nghiệp Yên Phong, Samsung Display được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp theo sau giai đoạn 9 năm đó. Sau khi được công nhận là "Doanh nghiệp công nghệ cao" vào tháng 8/2017, Samsung còn được hưởng thêm nhưng ưu đãi cao nhất về đất đai và thuế, theo Luật Công nghệ cao.  


Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung? - Ảnh 3.

Trong năm 2017, Thủ tướng đã có 4 cuộc tiếp đại diện Samsung (vào tháng 2, 5, 7, 10). Con số này chưa bao gồm những lần tiếp xúc ở hội nghị, hội thảo. Khẳng định sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư là những điều luôn được Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồi tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, cơ quan này đã làm việc với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thúc đẩy đầu tư 3 trạm biến áp trong 1 năm, nhằm cung ứng điện cho nhà máy Samsung Display. Đó cũng là ví dụ cho thấy sự quan tâm của tỉnh với những dự án mang tên Samsung.

Samsung Việt Nam và những con số.

Trước khi chọn địa điểm đầu tư, Samsung đã từng cân nhắc giữa nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia,… Nhưng những yếu tố kể trên phần nào giải đáp cho câu hỏi: "Vì sao Việt Nam được chọn là nơi đầu tư lớn của tập đoàn Hàn Quốc?".

Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung? - Ảnh 5.

Khu công nghiệp Kaesong (Triều Tiên).

Mặc dù Triều Tiên có những cơ hội lớn nếu quốc gia này mở cửa nền kinh tế, nhưng trong thời gian ngắn, sẽ thật khó để Triều Tiên có thể đàm phán và ký kết được nhiều FTA với các tối tác lớn như Việt Nam. Hiện tại, Triều Tiên đang phải chịu các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc. Nhiều Nghị quyết trừng phạt khác còn được đưa ra từ phía Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Hạ tầng giao thông cũng là một vấn đề của Triều Tiên. Theo bản tin ngày 27/4/2018  của hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), Chủ tịch Triều Tiên đã mời Tổng thống Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng (thủ đô của Triều Tiên). Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, sẽ tốt hơn nếu sử dụng máy bay vì hạ tầng giao thông của Triều Tiên còn bất tiện và cần được cải thiện hơn nữa. Việc xây dựng tuyến đường sắt Seoul (thủ đô Hàn Quốc) - Simuiju (một thành phố ở Triều Tiên, giáp biên giới với Trung Quốc) cũng được ghi nhận trong Tuyên bố chung Panmunjom (ngày 27/4/2018).

Thực tế, Hàn Quốc chỉ thực hiện một dự án chung với Triều Tiên trong lĩnh vực khoáng sản. Tháng 7/2003, Tập đoàn Tài nguyên Hàn Quốc (Korea Resources Corporation) đã ký kết thỏa thuận liên doanh với phía Triều Tiên để khai thác mỏ than chì Geomdeok (Triều Tiên). Nhưng kế hoạch sản xuất 3.000 tấn than chì/năm đã bị dừng lại sau vụ chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc vào năm 2010.

Khu công nghiệp Kaesong (Triều Tiên) cũng từng có tới 123 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 53.000 người lao động Triều Tiên và 800 người lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp tại đây đã ghi nhận khoản lỗ tổng cộng lên đến 944 triệu USD, khi hoạt động của khu công nghiệp bị gián đoạn trong 5 tháng, sau các vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên năm 2013. Sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào năm 2016, khu công nghiệp Kaesong tạm đóng cửa cho tới ngày nay.

Vì sao Triều Tiên có chi phí nhân công thấp hơn, nhưng còn lâu mới cạnh tranh được với Việt Nam trở thành nơi đầu tư lâu dài của Samsung? - Ảnh 6.

Trở ngại đối với những doanh nghiệp Hàn Quốc tại Triều Tiên là sự gián đoạn hoạt động sau mỗi căng thẳng chính trị. Đây cũng là nỗi lo rất lớn của tất cả các doanh nghiệp khi đầu tư vào một quốc gia chứ không riêng Samsung. 

Môi trường ổn định, những dỡ bỏ trừng phạt về kinh tế cũng là nội dung được kỳ vọng trước thềm cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Hoa Kỳ (dự kiến vào ngày 12/6/2018). Tuy nhiên, để đạt được sự an tâm của những nhà đầu tư lớn về một môi trường chính trị ổn định, an toàn trong dài hạn sẽ là bài toán cần thời gian dài tại Triều Tiên và trong thời gian đó, họ chưa thể trở thành một cứ điểm mới về đầu tư của người láng giềng.  

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên