MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Trung Quốc đưa Singapore vào kế hoạch Con đường tơ lụa

15-08-2016 - 21:15 PM | Tài chính quốc tế

Khai thác điểm tương đồng với Singapore giúp doanh nghiệp Trung Quốc tránh được căng thẳng chính trị cũng như tránh được rủi ro bị chỉ trích khai thác quá đà như tại châu Phi và Mỹ Latinh.

Là con trai trong một gia đình di cư từ Trung Quốc đến Singapore, cũng là người sáng lập công ty vận tải biển từ nửa thế kỷ trước, cuộc đời của của ông Teo Siong Seng gần như gắn với biển, một trong những tuyến đường của hệ thống giao dịch Con đường tơ lụa cổ đại.

Vì vậy, khi Trung Quốc có kế hoạch hồi sinh mạng lưới Con đường tơ lụa nối châu Á tới Trung Đông và Châu Âu, giám đốc điều hành của Pacific International Lines Group cũng đồng thời là chủ tịch của Liên đoàn kinh doanh Singapore đã không thể bỏ qua cơ hội. Ông đang thành lập một liên doanh với China Cosco Shipping Corporation với ý định hỗ trợ công ty vận tải biển lớn nhất Trung Quốc xây dựng tuyến đường kết nối trong trong khu vực Đông Nam Á cũng như bên ngoài.

Theo ông Teo, “các công ty Trung Quốc không đủ kinh nghiệm để thực hiện đầu tư ở các nước khác. Hợp tác với những doanh nghiệp như chúng tôi sẽ khiến công việc kinh doanh của họ thuận lợi hơn. Họ phải học cách chúng tôi thương lượng với người dân địa phương cũng như cách chúng tôi kinh doanh.”

Liên doanh nhấn mạnh đến tiềm năng của Singapore đối với Trung Quốc như một cửa ngõ vào Đông Nam Á trong khi Trung Quốc một mặt đang tìm cách tăng xuất khẩu do sản lượng công nghiệp vượt quá nhu cầu, mặt khác tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại nước ngoài. Bị thu hút bởi nét văn hoá tương đồng, hệ thống pháp lý chặt chẽ cùng hệ thống tài chính vững mạnh, số doanh nghiệp Trung Quốc tại Singapore đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua lên hơn 7.500 công ty.

Thành viên ban giám đốc hãng phân phối than Winsway cho biết “Sau những thất bại, người Trung Quốc đã nhận ra họ cần một nhà môi giới nội địa. Doanh nghiệp Trung Quốc tin rằng công ty Singapore dễ thương lượng hơn và họ biết cách để thương lượng với những thị trường khác.”

Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án hạ tầng phát triển đường biển ở Đông Nam Á như một phần trong kế hoạch hồi sinh Con đường tơ lụa. Cùng với tuyến đường trên đất liền xuyên Á Âu, dự án được biết đến với cái tên “Một vành đai, một con đường”.

Tuyến đường Một vành đai, một con đường xuyên Á Âu.
Tuyến đường "Một vành đai, một con đường" xuyên Á Âu.

Với Bắc Kinh, dự án là giải pháp khắc phục tình trạng sản lượng công nghiệp dư thừa ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là chiến lược mở rộng quyền lực của Trung Quốc tại châu Á cũng như thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này trong nhiều thập kỷ. Mở rộng đầu tư và thương mại sẽ vượt qua những e ngại về mở rộng quân sự và tham vọng lãnh thổ.

Một trong những tập toàn đầu tư lớn nhất châu Á, Fosun đã thành lập trụ sở Đông Nam Á vào năm ngoái nhận xét “Doanh nghiệp Trung Quốc phải chọn đúng nền tảng và bệ phóng trước khi tiến bước trên thị trường quốc tế, và Singapore là lựa chọn đúng đắn.”

Trung Quốc và Đông Nam Á có mối quan hệ sâu sắc trong lịch sử cũng như trao đổi văn hoá. Một số người Singapore gốc Hoa như cha ông Teo đã di cư từ những tỉnh như Phúc Kiến vào những năm 1930. Những nhà buôn Trung Quốc cũng liên tiếp tạo nên những tuyến đường buôn bán trong khu vực từ nhiều thế kỷ trước.

Trước đó, Trung Quốc đã để mắt đến Singapore: cuối năm 2015 quốc gia này chủ trì hội nghị lần đầu tiên giữa Đài Loan và Trung Quốc trong 7 thập kỷ, trong đó cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu được nhìn nhận như một cố vấn đối với các vấn đề về quan hệ Trung Quốc. Hàng năm, các quan chức Trung Quốc đều có những chuyến tham quan và học tập về mô hình chính trị của Singapore ở đảo quốc sư tử.

Theo Natixis, Singapore cũng là nước có đông dân số người Hoa nhất trong khu vực với gần 75% cũng có nhà đầu tư nước ngoài là người Hoa lớn nhất. Hơn 20% GDP của nước này có liên quan đến Trung Quốc. Dòng vốn từ doanh nghiệp Trung Quốc chảy khắp Singapore có thể giúp nền kinh tế nước này chống đỡ với năm tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, vì lý do thương mại sụt giảm, giá hàng hoá đi xuống và cắt giảm việc làm trong ngành ngân hàng. Tuy vậy, trong lúc nhiều nước Đông Nam Á vẫn đang thiếu các quỹ hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khi dân số tăng, Trung Quốc dự kiến sẽ không mở cửa vô điều kiện.

Quan hệ thương mại Trung Quốc với Đông Nam Á.
Quan hệ thương mại Trung Quốc với Đông Nam Á.

“Thận trọng”

“Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang trở nên thận trọng hơn khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đã có thông lệ không chơi đẹp khi thực hiện các thoả thuận trong thập kỷ qua. Hơn nữa, với những căng thẳng ngày càng tăng về vấn đề Biển Đông, doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí còn cẩn trọng hơn khi ký kết những giao dịch. Chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng tiêu cực”, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc với các vấn đề quốc tế nhận định.

Mặc dù vẫn còn những căng thẳng chính trị, nhưng ở phía doanh nghiệp đã có những bước tiến nhất định. Ascendas-Singbridge Group của Singaproe đã thành lập liên doanh với China Machinery Engineering Corporation vào năm ngoái để đầu tư vào khu công nghệ tại châu Á. Dự kiến liên doanh sẽ thông báo về dự án đầu tiên trong 6 tháng tới.

Tuy nhiên, theo chủ tịch của công ty đầu tư Asia Financial, khó khăn vẫn ở phía trước. Hệ thống pháp luật và hệ thống báo cáo tài chính của nhiều nước trong khu vực vẫn còn phức tạp và không rõ ràng, điều này sẽ là trở ngại với những nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng chưa có định hướng rõ ràng. Điều này có vẻ lặp lại những gì xảy ra 20 năm trước đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Hy vọng là doanh nghiệp Trung Quốc rút ra bài học từ đó để tránh phạm phải sai lầm.

Theo Nhật Linh

Người đồng hành

Trở lên trên