Vì sao tư vấn BHNT thường "chết non" với nghề?
Sau thời gian đầu háo hức, nhiều tư vấn viên BHNT lại ít gắn bó được với nghề. Theo một thống kê chưa đầy đủ, thông thường đâu đó chỉ trên dưới 10% những người đã từng học cấp chứng chỉ đại lý BHNT có thể gắn bó lâu dài. Vậy nguyên nhân do đâu?
- 17-03-2022Gửi tiền ngân hàng hay mua bảo hiểm nhân thọ sẽ có lợi hơn?
- 14-03-2022“Chấp” tất cả khó khăn do Covid, bảo hiểm phi nhân thọ lãi lớn
- 07-03-2022Lạm phát y tế và vai trò của ngành bảo hiểm nhân thọ
Thứ nhất, phần lớn tư vấn viên đến với nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ (BHNT) chưa thật sự nghiêm túc ngay từ ban đầu. Cụ thể, nhiều người đi học làm đại lý BHNT chỉ vì "học cho vui" hoặc chỉ vì "giúp" người leader của mình. Hoặc cũng có người đi học chỉ vì được "thuê mướn". Chính từ những lý do đó, tư vấn viên không cảm nhận được giá trị nghề nghiệp cũng như không thể có một tình yêu đủ lớn cho công việc.
Thứ hai, nghề tư vấn viên BHNT không phải là một nghề dễ như người leader chia sẻ khi tuyển dụng bạn. Nghề tư vấn viên BHNT đòi hỏi ứng viên hội đủ các yếu tố về trình độ, kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ngoại hình, tác phong công nghiệp, mối quan hệ rộng, lòng yêu nghề và sự kiên trì bền bỉ. Chính bởi không được trang bị đủ các hành tranh cần thiết như trên, nên sau một thời gian ngắn, khi khai thác hết các mối quan hệ người thân, bạn bè…thì tư vấn viên gần như bị cạn nguồn và thấy không phù hợp với nghề này nữa. Và đây cũng là kịch bản chung của rất nhiều người khi chóng vánh rời khỏi ngành sau thời gian đầu rất quyết tâm và máu lửa.
Thứ ba, vai trò quản lý yếu kém của người leader cũng là nguyên nhân làm cho nhiều tư vấn viên thấy "nản" với nghề. Lúc đầu, leader thường đon đả chăm sóc, vỗ về, vẽ ra các viễn cảnh về thu nhập, về tương lai phát triển,… Tuy nhiên, sau khi khai thác hết các mối quan hệ, khi tư vấn viên không còn "giá trị lợi dụng" nữa thì sớm bị bỏ rơi. Thậm chí, có một số leader còn tìm cách khiêu khích, kích và dí sale làm người tư vấn viên thêm áp lực và thất vọng.
Ở đây, điều mà người tư vấn viên cần ở leader của mình chính là sự đào tạo chuyên sâu, bài bản; sự động viên, chia sẻ, đồng hành và cùng xông pha ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn leader ngành BHNT lại hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ, không biết đào tạo và lo chạy sale cá nhân nhiều hơn là dành thời gian cho đội nhóm của mình. Từ đó cứ tạo nên cái vòng lẩn quẩn: tuyển dụng – khai thác cạn kiệt – rồi lại tuyển dụng mới như kiểu "đốt rừng trồng nương rẫy". Thời đại 4,0, ngành BHNT không thể mãi tiếp tục tư duy "săn bắt hái lượm" mà phải tập trung công tác gieo trồng, đào tạo thế hệ tinh hoa cho tương lai.
Thứ tư, một nguyên nhân nữa chính là ở lãnh đạo các Công ty BHNT và các văn Phòng Tổng đại lý. Chính đặc thù của ngành BHNT, nơi mà "con số luận anh hùng", nghĩa là tất cả đều được đánh giá qua con số. Điều này cũng có nhiều mặt tích cực, tuy nhiên cũng tạo nên nhiều hệ lụy.Ở ngành BHNT, do đặc tính cố hữu là sự hơn thua, tranh giành danh hiệu, thành tích, khách hàng…dẫn đến tình trạng sự thiếu đoàn kết giữa những người đồng nghiệp với nhau. Bởi thế mới có việc, tư vấn viên cùng văn phòng ít thân thiết với nhau…mà thường đi kết nghĩa, gắn bó với tư vấn viên ở văn phòng xa thì nhiều. Thêm nữa, vì đánh giá con người qua thành tích hiện tại, nên tư vấn viên ngôi sao, tư vấn viên mới thường được ưu ái hơn tư vấn viên khác (dù đã đóng góp lâu năm và đóng góp rất nhiều trong quá khứ) nên tạo sự đối xử không bình đẳng là chuyện không phải hiếm. Chính vì lẽ đó, nhiều tư vấn viên thêm ngán ngẫm với nghề.
Thứ năm, những năm gần đây kênh bancasurance phát triển mạnh mẽ cũng là một trong những yếu tố làm cho các tư vấn viên không đủ kỹ năng và kiến thức sớm rời khỏi ngành. Người ra đã nói nhiều về kênh bancasurance và kênh đại lý. Nhưng nói gì thì nói, kênh đại lý vì nhiều lý do, chất lượng tư vấn viên vẫn chưa đồng đều, số lượng tư vấn viên "chất" vẫn nhỏ bé so với số lượng tư vấn viên "dưới chuẩn". Kênh đại ý và kênh banca không đối lập nhau, nó tương hỗ cho nhau. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của kênh banca cũng là nguyên nhân làm nhiều tư vấn viên kênh đại lý yếu kém sớm từ bỏ cuộc chơi.
Thứ sáu, sau một thời gian "tịt ngòi", không có hợp đồng. Vì mưu sinh, không ít tư vấn viên tự chọn cho mình lối rẽ sang bán thực phẩm chức năng, môi giới bất động sản, bán hàng online, tìm công việc văn phòng, thậm chí làm công nhân hay một việc chân tay khác để sinh sống. Còn đâu ước vọng lấp lánh thưở ban đầu trong ánh mắt người tư vấn viên? Nếu như trước đây, phần lớn mọi người đến với BHNT với khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời với "thu nhập không giới hạn". Thì giờ đây, không ít người lại không đủ sự kiên trì để tiếp tục xây dựng ước mơ đó?
Sau cùng, trên tất cả vẫn là yếu tố nội sinh tồn tại ngay trong chính mỗi người tư vấn viên mới vào nghề. Đó là họ không có đủ một tình yêu công việc, một khát khao đủ lớn để vượt qua những khó khăn, thất bại, vượt qua dư luận, áp lực từ gia đình và xã hội. Mà nói theo cách nói của làng nghề bảo hiểm là "không vượt qua được chính mình". Vẫn biết là vậy, ngành nghề nào cũng cần sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ kiên định con đường mình đã chọn. Nhưng trong thời khắc ngành BHNT còn nhiều nhá nhem giữa cái tốt và cái xấu, sự thiếu kiên quyết của các công ty BHNT trong việc rà soát, thanh lọc chất lượng nhân sự thì tình trạng tư vấn viên "chết non" với nghề BHNT cũng là chuyện bình thường thôi.