Vì sao tỷ giá đột ngột tăng vọt?
Một lần nữa, tỷ giá cho thấy sự nhạy cảm khi cơ quan điều hành đã mở khóa cho vay ngoại tệ và lãi suất liên ngân hàng VND giảm sâu trong thời gian gần đây.
Thêm một lần nữa, cơ quan điều hành truyền tải đi thông điệp sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Độ nhạy cảm của tỷ giá
Tỷ giá đã liên tục leo thang trong những ngày gần đây. Giá USD bán ra cao nhất đã chính thức lập mốc 22.500 VND.
So với đầu tuần trước (23/5), tỷ giá mua bán VNĐ/USD niêm yết tại Vietcombank tăng từ mức 22.275-22.345 VNĐ/USD lên 22.425-22.495 VNĐ/USD vào thời điểm hiện tại, tăng 150 đồng cả hai chiều mua và bán, tương đương tăng 0,67% chỉ trong vòng 10 ngày.
Các ngoại tệ mạnh trên thế giới cũng có diễn biến tương tự sau khi người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố về khả năng đã đến lúc FED hành động trong cuộc họp giữa tháng 6-2016, tức nâng lãi suất đồng USD, điều mà thị trường tài chính quốc tế chờ đợi đã lâu.
Theo các dự báo, cường độ và biên độ nâng lãi suất sẽ được giãn ra, ở mức thấp hơn, tuy nhiên, việc tăng lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian khiến các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Điều này đang tạo áp lực lên tiền đồng và lãi suất khó có cơ hội giảm.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ mất giá liên tục khoảng thời gian gần đây. Theo các dự báo được đưa ra, khả năng áp lực phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục trong quý II/2016, kéo theo áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Ngoài ra, việc NHNN ban hành Thông tư 07, cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ được vay ngoại tệ trở lại sau hai tháng ngưng được cho là sẽ tác động làm tăng nhu cầu ngoại tệ trong thời gian tới, tạo áp lực cho tỷ giá trong những tháng cuối năm.
Rõ ràng, tỷ giá USD/VND phản ứng khá nhanh ngay sau khi có loạt chính sách tân thống đốc NHNN vừa ban hành. Một lần nữa, tỷ giá cho thấy sự nhạy cảm khi cơ quan điều hành đã mở khóa cho vay ngoại tệ và lãi suất liên ngân hàng VND giảm sâu trong thời gian gần đây.
Áp lực dồn lên lãi suất đồng "đô"
Sau khi áp trần 0% đối với lãi suất huy động USD, thực tế cho thấy, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi huy động, thậm chí đâu đó có hiện tượng một số ngân hàng tìm cách “lách trần".
Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nhận định huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay, chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên. Chính sách này đã không thực hiện được mục tiêu chống đô-la hóa.
Chứng tỏ phần nào chính sách cần có sự điều chỉnh và xem xét nâng lãi suất huy động đối với USD để ngân hàng có thể hút vốn và tạo điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, sắp tới FED có thể tăng lãi suất đồng USD, nếu giữ lãi suất huy động ở mức 0%, câu chuyện "chảy máu ngoại tệ" một lần nữa dấy lên nhiều lo ngại.
Do đó, phía NHNN cũng phải lường đoán các kịch bản để điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất hợp lý, đảm bảo mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng.
Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng cùng với việc mở cửa tín dụng ngoại tệ, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động USD lên mức như trước khi điều chỉnh là 0,25%/năm thay vì 0%/năm hiện nay.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 mà Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa công bố, chỉ trong 2 tháng vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72.000 tỷ (tính đến ngày 20/05/2016). Và tính chung từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.