Vì sao tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng đột ngột giảm mạnh?
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã tăng từ 1,69% cuối 2020 lên 1,9% vào cuối tháng 9/2021 (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đột ngột giảm mạnh tại nhiều ngân hàng thương mại chỉ trong quý 3 vừa qua.
- 24-11-2021Nợ xấu nội bảng cuối tháng 9/2021 đã trở lại ngang mức năm 2017, thành quả 5 năm có nguy cơ bị xoá bởi Covid-19
- 12-11-2021Mua bán nợ xấu "bít đường", ngân hàng và VAMC ráo riết tìm lối thoát
- 10-11-2021Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nới lỏng điều kiện cấp tín dụng có thể làm tăng nợ xấu, bài học từ khủng hoảng năm 2007 của Mỹ
Ngày 24/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức hội thảo trực tuyến về nợ xấu và khung khổ pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Như đã thể hiện ở báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM), chỉ tiêu LLR cho thấy sự sụt giảm đột ngột chỉ trong quý 3 so với quý liền trước, theo dữ liệu tại một tham luận của hội thảo.
Điển hình như tại Techcombank giảm từ 259% cuối quý 2/2021 xuống còn 185% quý 3/2021, tương tự tại Vietcombank giảm từ 352% xuống 243%, tại TPBank từ 145% xuống 116%.
Một số thành viên khác cũng giảm đáng kể như tương ứng kỳ so sánh trên tại ACB từ 208% xuống 198%, VietinBank từ 129% xuống 119%...
Ở bình diện tổng thể toàn hệ thống (hiện còn một cấu phần các NHTM chưa niêm yết và chưa cập nhật báo cáo tài chính định kỳ như các thành viên niêm yết) để nhận diện sát hơn mức độ của tỷ lệ LLR hiện nay.
Nhưng có thể tham khảo một báo cáo của Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cập nhật gần đây, cho thấy: tính đến cuối tháng 6/2021, toàn hệ thống đã có gần 200.000 tỷ đồng nguồn lực dự phòng rủi ro tín dụng, ứng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR gần 90% tổng thể.
LOẠT NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN KHIẾN NỢ XẤU TĂNG CAO
Tham luận tại hội thảo trên, dữ liệu mà đại diện BIDV đưa ra cho thấy hầu hết tại những thành viên trên đều có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại Vietcombank và VietinBank.
Ở bình diện chung, như thông tin mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cập nhật tại một số thời điểm gần đây, nợ xấu và vùng nhận diện nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay, và thậm chí đưa cả hệ thống trở lại mức độ như giai đoạn 2016-2017.
Cập nhật mới nhất, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết tại hội thảo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã tăng từ 1,69% cuối 2020 lên 1,9% vào cuối tháng 9/2021.
Nguyên nhân chính là tác động tiêu cực và rộng lớn của COVID-19 . Quý 3 vừa qua cũng là quãng cao điểm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, khi mà nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng bị đứt gãy…
Như vậy mẫu số nợ xấu tăng mạnh lên trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR bị giảm xuống khi mức độ trích lập dự phòng rủi ro không tăng tương ứng.
Mặt khác, về số tuyệt đối, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro chỉ ở mức thấp so với nợ xấu tăng thêm, như mức trích 5%, 20%, 50% theo các nhóm nợ thuộc nợ xấu, chỉ riêng nợ có khả năng mất vốn mới trích lập 100% (ngoài ra có tỷ lệ trích lập dự phòng chung 0,75% cho nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4).
Mức sụt giảm của LLR trong quý 3 như trên cũng phản ánh sức tác động tiêu cực rất lớn của COVID-19 đối với nợ xấu.
Tác động đó không chỉ một chiều đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền trả nợ của khách hàng vay vốn, dẫn đến nợ xấu, mà còn tác động ở chiều quan trọng nữa là việc xử lý của các NHTM.
Như BizLIVE từng có bài viết đề cập đến trở ngại của các NHTM trong việc xử lý cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng vừa qua, thực hiện phòng chống dịch và quy định cách ly, giao thông hạn chế và nhất là hàng không, nhiều cán bộ xử lý nợ không thể đến trực tiếp các địa bàn để thẩm định, xử lý nợ (nhất là những khoản lớn được phân cấp thẩm định, phê duyệt cấp hội sở…).
Tại hội thảo trên, đại diện BIDV cũng nêu một loạt nguyên nhân khách quan khiến việc xử lý nợ xấu thời gian qua khó khăn và có kết quả không cao như thông thường.
"Trong 8 tháng đầu năm 2021 toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý thu hồi được 90,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương ứng chỉ đạt 63% so với bình quân giai đoạn 2016-2020", đại diện BIDV dẫn chứng.
Và theo đại diện này, loạt nguyên nhân khách quan đó tập trung ở 4 khâu bị "giãn cách" bởi COVID-19.
Một là, việc hạn chế di chuyển, cách ly xã hội, quy định cách ly y tế.
Hai là, các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ bị tạm dừng.
Ba là, các dịch vụ công hỗ trợ cho công tác xử lý nợ cũng tạm dừng.
Bốn là, công tác khởi kiện, thi hành án tạm dừng.
Từ tháng 10 vừa qua, một yêu cầu mới đối với hệ thống là phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro ngay hàng tháng, theo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước. Cũng từ tháng 10, nhiều địa phương trên cả nước đã lần lượt nới lỏng giãn cách, hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại dần phục hồi theo "bình thường mới". Những trở ngại trên dần tháo gỡ để các NHTM có thể đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, tại hội thảo, yêu cầu lớn và chung nhất là cần có một khung khổ pháp lý mới thay thế Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết này sắp hết hiệu lực vào năm tới, và các NHTM kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm xây dựng và có được một luật riêng về xử lý nợ xấu.
Tính thời điểm đã gần kề khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, bối cảnh càng nóng bỏng khi nợ xấu tăng lên bởi COVID-19, nên yêu cầu trên đang trở nên cấp bách.
BizLIVE