MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao vẫn chưa bỏ được sổ hộ khẩu?

26-01-2018 - 10:33 AM | Xã hội

Nếu thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể bãi bỏ được hộ khẩu, quản lý theo “di dịch cư” như nước ngoài vẫn làm.

Sáng 25-1, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về quản lý dân cư ( Đề án 896 ). Sau năm năm có Đề án 896, đến nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một CSDLQG về dân cư dùng chung cho mọi ngành, mọi cấp. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn thực hiện đề án này…

Có cơ sở dữ liệu chung, sẽ bớt phiền dân

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 896, hiện các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 896 theo đúng tiến độ đề ra. Trong đó có việc tổ chức thí điểm thu thập thông tin dân cư và thí điểm triển khai phần mềm đăng ký, quản lý cư trú; tổ chức có hiệu quả việc cung cấp số định danh cá nhân thông qua cấp căn cước công dân và đăng ký khai sinh… “Tuy nhiên, do những khó khăn về nguồn vốn nên tiến độ triển khai dự án CSDLQG về dân cư còn chậm so với kế hoạch đề ra. Do vậy, việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn chưa được thực hiện theo lộ trình đề ra…” - báo cáo nêu.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định hiện tiến độ xây dựng CSDLQG về dân cư còn chậm và điều này ảnh hưởng đến nhiều thứ. “Đây là dữ liệu quan trọng nhất của một quốc gia. Đường cao tốc quan trọng thế nào đối với phát triển kinh tế thì CSDLQG về dân cư cũng quan trọng như vậy đối với nền hành chính. Nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực cải cách hành chính. Nếu hai năm tới chúng ta không quyết liệt, không có cách làm cụ thể mà vẫn tranh cãi về kinh phí thì công tác cải cách hành chính sẽ chậm theo” - ông Hưng nói.

Các ý kiến khác cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng CSDLQG về dân cư vì đây chính là giải quyết “vấn đề lõi của thủ tục hành chính”. Đặc biệt là đỡ gây phiền hà đến người dân và doanh nghiệp. Người dân đi lại cũng không phải “kè kè một bộ giấy tờ”, các thủ tục về dân cư, đất đai, y tế, viễn thông… cũng được thông suốt.

Vì sao vẫn chưa bỏ được sổ hộ khẩu? - Ảnh 1.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết nếu thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể bãi bỏ được hộ khẩu . Ảnh: TRỌNG PHÚ

Bỏ hộ khẩu, quản lý theo “di dịch cư”

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay để xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư dùng chung, hiện Bộ Công an đã làm các bước như triển khai cấp số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành; thực hiện cấp thẻ căn cước công dân để dần thay thế cho CMND ở một số tỉnh, thành và chuẩn bị xây dựng CSDLQG về dân cư.

“Nếu thiết lập được hệ thống CSDLQG về dân cư thì có thể bãi bỏ được hộ khẩu, quản lý theo “di dịch cư” như nước ngoài vẫn làm, đồng thời giải quyết được vấn đề kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương…” - ông Vương nói.

Tuy nhiên, theo ông Vương, hiện nguồn vốn thực hiện đang thiếu, trước mắt mới xin được 230 tỉ đồng ứng trước để thực hiện. “Chúng ta loay hoay mất mấy năm để lựa chọn nhà thầu, rồi chuẩn bị nguồn vốn. Ban đầu dự định ứng vốn để làm nhưng sau lại vướng Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công” - ông Vương chia sẻ và cho biết: “Nếu giải quyết được nguồn vốn thực hiện đề án thì đến năm 2020 chúng tôi sẽ quyết tâm cao ứng dụng được cái này vào thực tế”.

Năm 2019 cấp thẻ căn cước trên cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình , Trưởng ban chỉ đạo Đề án 896, nhấn mạnh mục tiêu lớn của đề án là làm tốt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cũng phục vụ cho nhiều mục tiêu quản lý khác như phát triển kinh tế-xã hội, quản lý đô thị, dân số, an ninh trật tự theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, không để tình trạng thủ tục rườm rà, đi đâu cũng kè kè giấy tờ không cần thiết. Hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, hiện đại, chuyên nghiệp, từ đó góp phần xây dựng chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phải nghiêm túc nhìn nhận những loại giấy tờ, thủ tục cần thiết đã được đơn giản thế nào, đã đúng chưa, chứ không chỉ nói về số lượng bao nhiêu thủ tục được đơn giản hóa. “Xem những thủ tục cần đơn giản đã trúng, đã đúng chưa? Đã thực sự bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp chưa?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Về nguồn kinh phí xây dựng CSDLQG về dân cư, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung dự án xây dựng CSDLQG về dân cư vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần phối hợp chặt với Bộ Công an trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin để tránh sự chồng chéo, lãng phí. Các địa phương phối hợp với Bộ Công an thực hiện hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ việc cấp số định danh cá nhân cho công dân theo kế hoạch đã đề ra, bảo đảm đến năm 2019 63 tỉnh, thành đều được cấp số định danh cá nhân theo quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và chỉ đạo của Chính phủ.

Sao không làm kiểu BOT?

Tại cuộc họp, có đại biểu đặt câu hỏi: CSDLQG về dân cư quan trọng, mang lại lợi ích cho người dân nhiều như vậy sao không kêu gọi xã hội hóa, giống như làm BOT?

Về việc này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết không thể kêu gọi xã hội hóa theo kiểu BOT vì luật không cho phép. Dữ liệu dân cư phải được đầu tư từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, muốn lấy ngân sách đầu tư thì phải theo Luật Đầu tư công, có nghĩa là phải vào kế hoạch đầu tư công và nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết.

Theo Trọng Phú

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên