Vì sao vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở 6,5%?
Câu hỏi đặt ra khi một số đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về mục tiêu tăng GDP năm tới, bối cảnh và phía trước cũng nhiều thách thức.
- 08-11-2022Thêm một quốc gia ASEAN công bố tăng trưởng GDP quý 3, cao hay thấp so với Việt Nam và Singapore?
- 23-10-2022VNDirect Research dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,9%
- 03-10-2022Tăng trưởng GDP khả quan, NHNN có mạnh tay hơn với lãi suất?
Mức tăng trưởng GDP 6,5% đề ra cho năm 2023 dự kiến sẽ được chốt lại, trên nền cao của năm nay nhưng phía trước tiềm ẩn nhiều rủi ro cả từ bên trong lẫn bên ngoài.
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vào chiều nay (10/11), báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các vị đại biểu.
Theo đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% là khá cao, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn; nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%-5,5%.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng mức 6,5% là thấp so với mức 8,83% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thêm về việc chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, việc để trong khoảng 5-6% là quá rộng và nếu chỉ đạt mức "cận dưới" là 5% thì tương đương với số ước năm 2022 theo Báo cáo của Chính phủ; trường hợp đạt mức 6% thì cũng không hoàn toàn gắn với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi âm rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2023, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao và dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát, suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế, đối tác lớn, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2023, do đó, xin giữ ở mức 6,5%.
Về năng suất lao động xã hội, báo cáo hồi âm từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đây là chỉ tiêu mang tính tổng hợp phụ thuộc vào quy mô GDP và lực lượng lao động đang hoạt động trong nền kinh tế.
Năm 2023, dự báo bối cảnh kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, đồng thời, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục diễn ra sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm do một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi.
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo đạt khoảng 6,5%; tăng trưởng lao động dự báo chỉ từ 0,5%- 1%, quay trở lại như các năm bình thường trước dịch. Trên cơ sở số liệu dự báo, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2023 khoảng 5% - 6% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023, vì vậy, xin giữ như dự thảo.
Có đề xuất tăng CPI bình quân 6-8%
Quá trình xin ý kiến, có đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp; việc thắt chặt chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn; kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái...; đề xuất tăng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân lên khoảng 6-8%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi âm, việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, UBTVQH, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng.
Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% để thực hiện mục tiêu tổng quát tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế, vì vậy, xin giữ như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trình Quốc hội xem xét, thông qua:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%
2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD)
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 - 6,0%
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%
8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%
9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%
10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ
11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh
12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số
13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%
14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%
15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%
BizLive