MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Việt Nam phải nhập khẩu cà phê?

31-12-2017 - 09:00 AM | Thị trường

Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới song cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô, chưa mang lại chuỗi giá trị, chưa xứng tầm với vị thế.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, niên vụ 2016-2017 xuất khẩu 26,55 triệu bao (60 kg/bao). Dự kiến niên vụ 2017-2018 xuất khẩu 26,65 triệu bao. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất nguyên liệu cà phê thô nên giá trị mang lại chưa cao (niên vụ 2016-2017 xuất 550.000 bao cà phê rang và 2 triệu bao cà phê hòa tan). Canh tác cà phê còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể còn 120.000 ha cà phê trong nước bị già cỗi cho năng suất thấp, trái nhỏ. Trong khâu sơ chế còn hạn chế như phơi ngoài trời cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng.

Nhập khẩu ngày càng nhiều

Công ty Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) vừa công bố một báo cáo cho thấy trong niên vụ 2016-2017, tổng lượng cà phê nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 1 triệu bao (khoảng 60.000 tấn cà phê các loại), tăng 360.000 bao so với niên vụ trước. Trong đó có 160.000 bao cà phê hòa tan, 340.000 bao cà phê rang và xay, 500.000 bao cà phê hạt. Đơn vị này dự báo tổng sản lượng cà phê Việt Nam sẽ nhập khẩu trong niên vụ 2017-2018 khoảng 1,06 triệu bao. Hiện Việt Nam nhập khẩu cả cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia…


Các chuỗi cà phê xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến lượng cà phê rang xay xuất khẩu cũng tăng đáng kể. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các chuỗi cà phê xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến lượng cà phê rang xay xuất khẩu cũng tăng đáng kể. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều công ty kinh doanh cà phê cho biết lâu nay Việt Nam vẫn nhập cà phê với số lượng ngày càng tăng qua các năm. Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty Cà phê CTC, cho biết hằng năm Lào sản xuất khoảng 30.000 tấn cà phê, chủ yếu là Arabica, trong đó có khoảng phân nửa là được thương lái đưa về Việt Nam tiêu thụ. Còn cà phê ở Campuchia mỗi năm sản xuất chỉ vài ngàn tấn cũng được đưa hết về Việt Nam vì nước này không có thị trường cà phê. Còn theo ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, sở dĩ cà phê ở Lào về Việt Nam là do giá bán của họ thấp hơn ở Việt Nam đến 30.000 đồng/kg nên được đưa về trộn với hàng trong nước. Cũng theo ông Thủy, cà phê Arabica trong nước chỉ có một số vùng trồng được nên số lượng hạn chế, trong khi loại này có chất lượng cao nên phải nhập khẩu về tiêu thụ.

Ngoài ra, giới chuyên môn cho biết sở dĩ Việt Nam nhập khẩu cà phê nhiều trong những năm gần đây là do các chuỗi cà phê trong nước đang rất phát triển, nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài có mặt và mở chuỗi khắp các thành phố lớn như Starbucks, McCafé, Dunkin Donuts, Gloria Jeans, Highlands… Chưa kể các chuỗi cà phê trong nước như Trung Nguyên, Phúc Long, My Life Coffee, Coffee House, Passio… mọc lên nhiều nên lượng cà phê rang xay được tiêu thụ ngày càng lớn. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố hồi đầu tháng 12 cho thấy tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam niên vụ 2017-2018 sẽ đạt khoảng 2,88 triệu bao, tăng 3,97% so với niên vụ trước đó.

Theo ông Nguyễn Quang Bình, phần lớn cà phê nhập khẩu là cà phê đã qua chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan) nhưng họ quy ra bao cho dễ tính. Chủ yếu hàng nhập khẩu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp, cà phê trong nước chưa đáp ứng được. Do nhu cầu ngày càng nhiều nên lượng nhập khẩu cũng tăng dần. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ngành cà phê mải tập trung xuất khẩu nguyên liệu mà bỏ quên sân nhà do yếu về chế biến. Chính vì thế, hạt cà phê Việt Nam đi qua nhiều nước, qua chế biến và nhập khẩu trở lại với giá cao gấp 2-3 lần ban đầu. Trước đây, cà phê trong nước chủ yếu được cung cấp bởi các cơ sở nhỏ lẻ bị pha trộn quá nhiều bắp, đậu nành, hương liệu; các quán cà phê cũng nhỏ lẻ chứ chưa hình thành các chuỗi cà phê lớn mạnh. Nguyên nhân là cũng như nhiều ngành nông sản khác, Việt Nam chưa chuẩn bị cho một nền công nghiệp thực phẩm mà chủ yếu vẫn bán sản phẩm thô.

Sản xuất, chế biến đều yếu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính trên 80% sản lượng cà phê được sơ chế khô tại các hộ gia đình với sân phơi tạm bợ như sân đất, sân đất kết hợp bạt hoặc xi măng. Do máy móc, thiết bị sơ chế của người dân còn lạc hậu, cộng với nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, tạp chất dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp. Đối với chế biến cà phê bột, các cơ sở chế biến chủ yếu quy mô nhỏ lẻ với máy móc, thiết bị chế tạo trong nước, một số máy móc thủ công, chưa bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc pha trộn nguyên liệu thay thế và các hóa chất chưa kiểm soát được dẫn đến những lo ngại về chất lượng cà phê bột.

Cũng theo cơ quan này, chất lượng cà phê nhân xô xuất khẩu còn thấp dẫn đến giá bán chưa cao với nhiều nguyên nhân khác nhau như: sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thu hái cà phê vẫn chủ yếu theo kiểu tuốt cành, nhiều quả xanh; hệ thống cung ứng cà phê còn phức tạp, nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, không theo phẩm cấp, chất lượng…

Thống kê cho thấy tổng công suất thực tế của cà phê chế biến sâu chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng và chủ yếu tiêu thụ trong nước. Đây là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn quy nhân nhưng cũng là mặt hàng có cơ cấu thấp nhất. Về thị trường cà phê hòa tan, do chất lượng nếm thử cà phê Việt Nam chưa phù hợp với thị trường thế giới, các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư chế biến cà phê hòa tan do vốn lớn. Công tác xúc tiến thương mại chưa được chú trọng và chưa phát huy hiệu quả. Tuy là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng ngành cà phê Việt Nam chưa chủ động được thị trường, giá cả, điều tiết lượng xuất khẩu.

Ý KIẾN

Ông ĐỖ HÀ NAM, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group:

Cần thêm thời gian

Nguyên tắc các chuỗi thực phẩm, đồ uống nước ngoài vào Việt Nam trước tiên phải kiểm soát chặt vấn đề an toàn thực phẩm nên thời gian đầu thường nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài vào sử dụng. Đối với cà phê, ngoài yếu tố an toàn thực phẩm còn có khẩu vị, công thức… nên việc sử dụng cà phê nhập khẩu mà không mua cà phê trong nước là hết sức bình thường. Trước đây, Starbucks vào Việt Nam cũng nhập hoàn toàn nguyên liệu từ nước ngoài nhưng sau đó dần thay thế cà phê nhập khẩu bằng cà phê trong nước. Những thương hiệu khác rồi cũng có thể làm vậy, vấn đề là cần có thời gian đủ lâu để họ tìm hiểu, lựa chọn vì so với nhập khẩu chịu thuế cao, sử dụng nguyên liệu trong nước thuận tiện và hiệu quả kinh tế cao hơn. Cà phê Việt Nam đủ chuẩn xuất khẩu đi khắp thế giới thì hoàn toàn đủ chất lượng để tiêu dùng trong nước.

Về giá trị hạt cà phê, các doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê để gia tăng giá trị nhưng mới đây, Bộ Tài chính lên kế hoạch đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng cà phê hòa tan có thể làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Ông NGUYỄN VIẾT VINH, Tổng Thư Ký Hiệp hội Cà phê Việt Nam:

Nhập khẩu cà phê là bình thường

Thông tin Việt Nam nhập khẩu 1 triệu bao cà phê nghe qua tưởng lớn nhưng so với mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng chục triệu bao thì con số trên cũng không nói lên được gì. Việc nhập khẩu cà phê cũng là bình thường vì nhiều nước xuất khẩu cà phê trên thế giới cũng nhập khẩu cà phê để chế biến, tiêu thụ. Nhiều khu vực có giá cà phê thấp với chất lượng bảo đảm thì doanh nghiệp họ nhập về cũng hợp lý. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cao thì mình xuất càng có lợi.

Ông PHẠM ĐÌNH NGUYÊN, người sáng lập Công ty Cà phê PhinDeli:

Không liên quan nhiều đến chất lượng

Các chuỗi cà phê, thức uống nước ngoài phát triển nhanh tại Việt Nam nên kéo theo đó sản lượng cà phê nhập khẩu vào Việt Nam tăng. Không phải cà phê của Việt Nam không ngon hay chất lượng kém nên không được sử dụng, cũng không nên đặt vấn đề các chuỗi cà phê trong nước như Trung Nguyên, Phúc Long… sử dụng cà phê trong nước và được ưa chuộng, tại sao chuỗi nước ngoài "chê" không sử dụng. Trên thực tế, các chuỗi này thường sử dụng cà phê Arabica trong khi Việt Nam chủ yếu trồng cà phê Robusta, sản lượng Arabica hạn chế. Không những vậy, cùng là Arabica nhưng giống trồng ở Việt Nam khác với những nơi khác trên thế giới, thổ nhưỡng, khí hậu khác cũng sẽ tạo nên những khác biệt về chất lượng, hương vị. Trong khi các chuỗi thức uống vận hành theo tiêu chuẩn chung, đòi hỏi sự thống nhất theo chuẩn chung về khẩu vị, công thức pha chế nên trong giai đoạn đầu khó có thể mạo hiểm sử dụng cà phê nguyên liệu tại chỗ. Nếu muốn thay đổi, điều chỉnh cũng cần có thời gian.

T.NHÂN ghi

Theo Nguyễn Hải - Cao Nguyên - Ngọc Ánh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên