Vì sao VinSmart lại sản xuất smartphone cho nhà mạng thay vì đưa thương hiệu riêng đến Mỹ?
Người tiêu dùng Mỹ sắp được đón nhận 2 triệu chiếc smartphone do VinSmart sản xuất. Nhưng tất cả đều sẽ không mang thương hiệu Vsmart.
Nhiều tháng sau khi được hé lộ bởi chính Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, cuối cùng tham vọng đưa điện thoại tới Mỹ của VinSmart cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Thông báo mới của VinSmart cho biết lô hàng đầu tiên từ Việt Nam đã xuất khẩu đến Mỹ cách đây một tháng. Tổng số lượng smartphone được đặt hàng đi Mỹ là 2 triệu chiếc.
Tuy vậy, theo khẳng định của bà tổng giám đốc Lê Thị Thu Thủy, lô hàng smartphone đầu tiên đặt chân tới Mỹ sẽ chỉ được VinSmart thực hiện dưới vai trò OEM. Điều này có nghĩa rằng VinSmart sẽ đóng vai trò sản xuất cho khách hàng là một nhà mạng Mỹ. Thậm chí, Vsmart cũng không được phép tiết lộ tên đối tác hay danh sách các model do công ty sản xuất.
2 triệu smartphone do VinSmart sản xuất đang/sắp cập bến nước Mỹ. Nhưng không ai biết chúng sẽ mang thương hiệu nào...
Tất cả những người dõi theo VinSmart đều hiểu rõ quyết tâm của VinGroup trên thị trường công nghệ: không chỉ liên tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy và chuỗi cung ứng, VinGroup còn bán cả chuỗi bán lẻ lớn nhất nhì Việt Nam để dồn lực cho smartphone (và xe hơi). Vậy đâu là lý do trong lần đầu tiên đến Mỹ, VinSmart lại chấp nhận là "nhân vật phụ" đứng sau kẻ khác thay vì tự dùng thương hiệu riêng?
Quyền lực nhà mạng
Chắc chắn, nhiều người đã nhận ra rằng bước đi của VinSmart có ý nghĩa chuẩn bị cho tương lai lâu dài của điện thoại Vsmart sau này. Để smartphone Vsmart có tương lai tốt nhất tại Mỹ, VinSmart trước tiên cần xây dựng mối quan hệ với các nhà mạng.
Bởi tại nền kinh tế số 1 thế giới, phần đông người tiêu dùng vẫn có thói quen mua điện thoại kèm với gói cước thuê bao trả hàng tháng. Ví dụ, iPhone 11 có giá bản unlock là 700 USD nhưng khi mua kèm hợp đồng nhà mạng sẽ chỉ tốn của người dùng khoảng 30 USD/tháng, đi kèm với dung lượng kết nối và số cuộc gọi/tin nhắn nhất định. Khoản tiền này chỉ tương đương với khoảng 3 bữa ăn trưa, và vì thế cũng là phương pháp mua sắm được nhiều người dùng lựa chọn nhất.
Quyền lực nhà mạng lớn tới mức Samsung còn từng phải tạo ra nhiều phiên bản Galaxy S II khác nhau cho riêng từng nhà mạng.
Vsmart không phải là kẻ đầu tiên cần xây dựng quan hệ với nhà mạng. Ngay chính cả Steve Jobs khi đang trong quá trình thiết kế/thực hiện chiếc iPhone đầu tiên cũng phải mang bản mẫu đi gõ cửa các nhà mạng. Chiếc smartphone Android đầu tiên ra đời dưới bàn tay của Google và HTC nhưng lại mang tên của nhà mạng T-Mobile. Samsung khi mở bán những thế hệ Galaxy S hay S II cũng phải tạo ra nhiều bản riêng cho từng nhà mạng tại Mỹ. Muốn tới Mỹ thì phải làm ăn với nhà mạng - đây là nguyên tắc mà VinSmart bắt buộc phải theo nếu muốn tìm kiếm tương lai cho Vsmart tại Mỹ.
Cơ hội OEM
Nhiều người vẫn mang quan điểm rằng OEM là mô hình kinh doanh kém "vẻ vang" hơn so với những chiếc điện thoại tự thiết kế, tự sản xuất, tự làm chủ công nghệ. Nhưng sự thật không thể chối cãi là trong kinh doanh, chẳng có gì "vẻ vang" hơn lợi nhuận. Ngay lúc này đây, Vsmart nói riêng và Việt Nam nói chung đang có cơ hội lớn trong mảng sản xuất phần cứng.
Bởi trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa nước Mỹ và công xưởng lớn nhất của ngành hi-tech nước này (cũng như trên toàn cầu) - Trung Quốc đã ngày một xấu hơn. Chính quyền tổng thống Trump thể hiện rõ quan điểm cần giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc và cũng đã nhiều lần đưa ra các chính sách thuế nặng nề với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ. Đến cả Apple là công ty số 1 của Mỹ cũng nhiều lần bị đe dọa tăng thuế iPhone sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến các nhà máy Trung Quốc bị tê liệt trong một thời gian. Nhu cầu phân hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất lại càng trở nên gay gắt hơn.
Tuyên bố đơn hàng OEM quy mô 2 triệu máy cho nước Mỹ cho thấy VinSmart đã sẵn sàng để đón nhận các khách hàng tiếp theo đến với dây chuyền tại Hòa Lạc, Hà Nội.
VinSmart hiển nhiên đã nhìn thấy cơ hội OEM từ trước khi Covid-19 bùng phát. Đầu năm nay, công ty con của VinGroup tuyên bố đưa vào hoạt động tổ hợp sản xuất có công suất tối đa 125 triệu máy/năm, tương đương với 1/12 doanh số smartphone toàn cầu. Tuyên bố xuất khẩu 2 triệu điện thoại tới Mỹ chẳng khác gì một lời mời gọi: VinSmart muốn "ngầm" gửi lời tới các đối tác quốc tế rằng Việt Nam có đủ năng lực để sản xuất điện thoại cho thị trường khó tính nhất thế giới. Nếu có thể tiếp tục nâng quy mô sản xuất lên đến vài chục triệu máy, VinSmart có thể mơ về một nguồn thu mới, ngang ngửa hoặc thậm chí là cao hơn smartphone mang thương hiệu Vsmart - vốn có doanh số chỉ 1,2 triệu máy sau 1,5 năm mở bán tại "quê nhà".
Mục đích tối thượng
Một lần nữa, mục đích tối thượng của VinSmart vẫn là mang smartphone Vsmart tới Mỹ và các thị trường quốc tế khác. Nhìn nhận một cách thực tế nhất có thể, nhiệm vụ đưa Vsmart đến Mỹ vào lúc này là bất khả thi... Quy mô của VinGroup dù lớn tại Việt Nam nhưng vẫn quá nhỏ bé khi so sánh cùng các "siêu tập đoàn" như Apple hay Samsung. Nhu cầu của người dùng Mỹ cũng khác với người dùng Việt Nam, yêu cầu của chính các đối tác cũng vậy.
Kinh nghiệm từ mảng sản xuất phần cứng sẽ giúp những chiếc Vsmart ngày một hoàn thiện hơn.
Muốn biến điều bất khả thi thành khả thi, Vsmart cần có thời gian để học hỏi và thích ứng. Tổng giám đốc Lê Thị Thu Thủy đã không hề giấu diếm mục đích này: "[Xuất khẩu với vai trò OEM] là bước tiến quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ thị trường Mỹ, cách làm việc cũng như nhu cầu sản phẩm của họ, để tương lai đem điện thoại thương hiệu Vsmart đến đây". Nhà lãnh đạo VinSmart cũng một vài chi tiết về sự kiểm tra kỹ lưỡng được các đối tác Mỹ thực hiện - chắc chắn, Vsmart sẽ học được nhiều bài học đáng giá khi "được" theo dõi sát sao bởi những đối tác khó tính bậc nhất thế giới.
Ít người nhớ được rằng Vsmart những ngày đầu ra mắt đã từng khá mờ nhạt. Phải mất một thời gian đáng kể, Vsmart mới tạo ra được những sản phẩm thành công như Live hay Joy 3, mới làm được điều kỳ diệu mà Vivo, Huawei, Xiaomi không làm được: bứt phá vào top 3 với thị phần đe dọa Samsung và OPPO. Sẽ có một ngày Aris hay Lux được ra mắt tại Mỹ với vai trò là những sản phẩm "Designed in Vietnam" và "Made in Vietnam". Ngay lúc này đây, OEM cho thị trường khó tính bậc nhất thế giới là bước đệm cần thiết để biến giấc mơ bất khả thi ấy thành hiện thực.
Trí thức trẻ