Vì sao vợ chồng tổng giám đốc CII muốn bán sạch cổ phiếu?
Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM - bán toàn bộ 6.047.747 cổ phiếu và vợ là bà Phạm Thị Thúy Hằng bán hết 4 triệu cổ phiếu CII để đầu tư trái phiếu chuyển đổi do công ty phát hành.
Tuần này, có 19 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 15 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 2 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu.
Phát hành hơn 1.600 tỷ trái phiếu
Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) - đăng ký thoái toàn bộ 6.047.747 cổ phiếu CII để giảm sở hữu từ 2,13% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 đến 8/11.
Ngoài ra, bà Phạm Thị Thúy Hằng (vợ ông Lê Quốc Bình) cũng đăng ký bán toàn bộ 4 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1,41% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 đến 8/11.
Lý do được ông Lê Quốc Bình và vợ đưa ra là để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi mã CII42301 do công ty phát hành. Ước tính, ông Lê quốc Bình và vợ có thể thu về khoảng 187 tỷ đồng.
Vào ngày 16/10, CII sẽ chốt danh sách cổ tức thực hiện quyền mua trái phiếu, tỷ lệ 10:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng và thời gian đặt mua, nộp tiền là từ ngày 26/10 đến 15/11. Đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 10%/năm trong 4 kỳ đầu tiên và sẽ thả nổi với mức lãi suất bằng 2,5%/năm cộng với lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại Vietinbank và Vietcombank. Tổng số tiền CII huy động dự kiến 2.840 tỷ đồng.
Số tiền huy động, công ty CII dùng 1.640 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội phát hành, còn lại 1.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận phát hành. Cả hai doanh nghiệp trên đều là công ty con của CII. CII sở hữu lần lượt 51% và 100% vốn điều lệ tại 2 đơn vị này.
Sau khi đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 không thành công, CII lên kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 17/10 tại TPHCM.
Từ ngày 12/10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chuyển cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An sang diện bị kiểm soát. Lý do: Trung An chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Trước đó, cổ phiếu TAR đã bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/9.
Vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng liên tục bán cổ phiếu
Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Apec - mã chứng khoán: APS) vừa thông qua quyết định đầu tư cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Cotana (mã chứng khoán: CSC) với tổng hạn mức tối đa 64 tỷ đồng.
Theo đó, APS quyết định đầu tư 2 triệu cổ phiếu CSC với giá tối đa 32.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7% so với thị giá 30.000 đồng/cổ phiếu khi kết phiên giao dịch hôm 6/10, tương ứng với tổng hạn mức đầu tư tối đa là 64 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện trong quý IV.
Chiều ngược lại, từ ngày 4/10 đến 2/11, bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CSC) tiếp tục đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC để giảm sở hữu xuống còn 4,12 triệu cổ phiếu. Trước đó, bà Dung cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC từ ngày 28/8 đến 26/9 nhưng do điều kiện thị trường chưa phù hợp nên chỉ bán ra 39.000 cổ phiếu CSC.
Cuối tháng 6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy tại APS, Công ty Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ). Trong đó,
Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015, trong đó có vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng.
Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã chứng khoán: VOC) cho biết, ngày 10/10, Vocarimex sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.000 đồng. Với 121,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vocarimex dự chi 365 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ là Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đang sở hữu 87,3% vốn điều lệ tại VOC sẽ nhận về 319 tỷ đồng tiền cổ tức.
Ngày 10/10, Công ty CP Bột giặt NET (mã chứng khoán: NET) sẽ chốt danh sách cổ đông đăng ký nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 35%. Thời gian thanh toán dự kiến là vào ngày 19/10. Với 22,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NET dự kiến sẽ chi hơn 78 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này. Trong đó, Masan HPC – công ty mẹ nắm giữ 52,25% cổ phần tại NET sẽ thu về gần 41 tỷ đồng. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cũng thu về hơn 28 tỷ đồng nhờ sở hữu 36% vốn tại doanh nghiệp này.
Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services - mã chứng khoán: DXS) thông báo, 16/10 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, DXS dự kiến phát hành tối đa 121 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 1.000:267, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 267 cổ phiếu mới.
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là 1.210 tỷ đồng. Sau khi phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của Dat Xanh Services dự kiến sẽ tăng từ 4.531 tỷ đồng lên 5.741 tỷ đồng.
Ngoài phương án trên, năm nay, Dat Xanh Services cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP, tăng vốn điều lệ lên 5.791 tỷ đồng.
Tiền Phong