MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao với 10 triệu đồng, nhà đầu tư có thể thu về số tiền gấp 10 lần trong 1 năm, nhưng với 10 tỷ đồng lại 'bất khả thi'?

© Reuters

© Reuters

Thực tế, với số vốn bỏ ra là 10 tỷ đồng, thì chỉ bằng việc "mua" đã khiến giá chứng khoán tăng vọt, và chỉ bằng việc "bán" (để sinh lãi) đã đủ làm giá chứng khoán tụt dốc.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng: "Việc có nhiều tiền luôn tỷ lệ thuận với những nỗi lo lắng về kinh tế". Theo ông Yuichiro Itakura, doanh nhân gạo cội của Nhật Bản, suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm về bản chất.

Vì sao?

Bởi vì, họ đã quên mất rằng "tiền" chỉ đơn giản là một hình thức trao đổi các giá trị. Điều quan trọng là với số tiền đó, đổi lại nhận được lượng giá trị như thế nào. Đáng chú ý, cần phân biệt được sự khác nhau giữa "tiền" (giá thành) và "thứ nhận được sau khi trả tiền" (giá trị).

Trên thực tế, vị chuyên gia nhấn mạnh, rất nhiều câu chuyện về những người trúng một số tiền lớn khi mua xổ số, hay cá cược đua ngựa, nhưng lại không có kiến thức về đồng tiền nên chỉ trong nháy mắt đã phải khuynh gia bại sản.

Và không chỉ xảy ra với những người bình thường, ngay cả các công ty lớn cũng vậy. Việc không phân biệt được giá thành và giá trị cũng đã khiến hoạt động kinh doanh của rất nhiều công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Mỗi lần mở cửa hàng đều phải đầu tư những số tiền khổng lồ để mua đất, cuối cùng tập đoàn Daiei do Nakauchi Isao sáng lập đã liên tiếp thất bại trong kinh doanh trong 10 năm kể từ sau thời kỳ hoàng kim. Giờ đây, Daiei đã bị mua lại và trở thành một chi nhánh của tập đoàn Aeon.

Một ví dụ khác chính là tập đoàn đường sắt Seibu của Tsutsumi Yoshiaki - doanh nhân từng được mệnh danh là giàu có nhất thế giới. Thế nhưng, giá trị tài sản của tập đoàn đột ngột giảm mạnh, đến mức công ty rơi vào nguy cơ giải thể, cuối cùng dẫn đến cả sự việc ông Tsutsumi bị bắt giữ.

Đây chỉ là ví dụ điển hình của 2 nhà kinh doanh thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai bỗng chốc bị phá sản, phải gánh trên vai nợ nần khủng khiếp, còn doanh nghiệp của họ thì ngụp lặn trong khủng hoảng không hồi kết.

Vì vậy, một lần nữa cần phải quay lại điều cơ bản nhất, ở đâu cũng vậy, quan trọng là phải lý giải được mối quan hệ giữa giá thành và giá trị.

Ví dụ, một người làm việc chăm chỉ trong vài năm và tích lũy được một số tiền. Ông Yuichiro cho hay, như một lẽ tự nhiên, con người sẽ luôn lo lắng làm thế nào để số tiền này không bị giảm đi. Bởi vì một khi đã có tài sản trong tay và bị mất đi dù chỉ một chút, sẽ đau khổ hơn nhiều so với lúc vẫn còn ở vạch xuất phát với hai bàn tay trắng.

Thế nhưng, ngày nay đây là một vấn đề nan giải vì việc tiêu tiền sao cho tiền kiếm được không bị hao hụt còn khó hơn cả việc làm ra tiền từ con số 0.

Hãy thử nghĩ về việc khiến số tiền một nhà đầu tư có trong tay tăng lên nhờ đầu tư cổ phiếu. Nếu may mắn, từ 10 triệu đồng vốn ban đầu, sau 1 năm sẽ tăng lên con số 100 triệu, việc họ thu về số tiền gấp hàng chục lần số tiền bỏ ra hoàn toàn có thể xảy ra.

Đối với các khoản vốn đến hàng trăm triệu, người ta sẽ đầu tư vào cổ phiếu "có vẻ sẽ tăng", một khi giá đã tăng thì liên tục bán ra. Cứ lặp đi lặp lại quá trình này, tiền vốn sẽ được quay vòng nhanh chóng. Đây có thể gọi là đầu tư cổ phiếu ngắn hạn.

Với số tiền 10 triệu đồng, còn phải xem nhà đầu tư này có may mắn hay không, nhưng cũng không hiếm những người đã thu được số tiền gấp 10 lần số vốn này trong 1 năm.

Đây có thể là ví dụ khó tin, nhưng khi con số lên đến 10 tỷ đồng thì việc làm cho số vốn này biến thành hàng trăm tỷ đồng chỉ trong 1 năm là hoàn toàn bất khả thi.

Tại sao ư?

Đơn giản bởi vì 10 tỷ đồng là con số khổng lồ, không thể bán rồi mua trong khoảng thời gian ngắn mà có thể quay vòng vốn được. Với lượng tiền lớn như vậy, thì chỉ bằng việc "mua" đã khiến giá chứng khoán tăng vọt, và chỉ bằng việc "bán" (để sinh lãi) đã đủ làm giá chứng khoán tụt dốc. Tóm lại, nếu số tiền trong tay quá lớn, thì mọi hành vi của nhà đầu tư sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Vì thế, ông Yuichiro khẳng định, càng giàu có, thì càng khó khăn để làm số tiền trong tay tăng lên.

Cũng có rất nhiều người muốn đầu tư để trở nên giàu có và thoát ra khỏi cuộc sống với những lo toan về tiền bạc. Thế nhưng, suy nghĩ này về cơ bản cũng là sai lầm. Theo ông Yuichiro, nếu không ghi nhớ rằng "Nhất định phải có được giá trị nhiều hơn số tiền (giá thành) bỏ ra", thì sẽ không bao giờ dư dả được.

Giá thành của sản phẩm luôn luôn biến động.

Lấy ví dụ về việc mua sắm ở siêu thị. Đồ ăn nấu sẵn ở siêu thị được bán với giá 100 nghìn vào buổi trưa, nhưng quá 5 giờ chiều thì sẽ được giảm 20 nghìn, còn 80 nghìn. Trên thực tế, đằng nào cũng mua rồi ăn vào 7 giờ tối, vậy dù người mua chọn mua giá với 80 nghìn hay 100 nghìn, thì "gía trị" của đồ ăn nấu sẵn cũng không hề thay đổi.

Mặt khác, cho dù giá thành có giảm xuống, nhưng người mua mua thứ không hề cần thiết, hay mua thứ mình cần nhưng nó được bán với giá quá đắt, thì đều là lãng phí.

Còn nếu đó là sản phẩm có giá thành hợp lý, nói cách khác, trường hợp dù đó là sản phẩm đối với người mua có giá trị cao hơn giá thành, nhưng ngay từ đầu nếu biết sản phẩm này có thể sẽ có giá rẻ hơn, thì việc chờ đợi cũng là một cách.

Kể cả khi mua cà rốt, nhà cửa hay xe cộ, nếu không xem xét giá trị của những thứ này đối với bản thân, hay không thử nghĩ sản phẩm có xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay không, thì đó chưa phải là cách tiêu tiền và đầu tư khôn ngoan.

Nguyên nhân của thói quen chỉ nhìn vào giá thành đã vội đưa ra kết luận đắt hay rẻ bắt nguồn từ suy nghĩ "Chỉ cần có tiền là không phải lo lắng gì về tiền", ông kết luận.

https://cafef.vn/vi-sao-voi-10-trieu-dong-nha-dau-tu-co-the-thu-ve-so-tien-gap-10-lan-trong-1-nam-nhung-voi-10-ty-dong-lai-bat-kha-thi-2022041200005253.chn

Anh Vũ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên