MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao xung đột Nga - Ukraine khiến cả thế giới bận tâm: Nước được mệnh danh là 'ổ bánh mỳ của châu Âu', nước là 'trạm dầu mỏ khổng lồ'

22-02-2022 - 21:32 PM | Tài chính quốc tế

Vì sao xung đột Nga - Ukraine khiến cả thế giới bận tâm: Nước được mệnh danh là 'ổ bánh mỳ của châu Âu', nước là 'trạm dầu mỏ khổng lồ'

Ukraine vốn được mệnh danh là "ổ bánh mỳ của Châu Âu" vì sản lượng lúa mỳ.

Theo tờ New York Times (NYT), sau 2 năm quằn quại vì đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp tắc nghẽn còn giá các mặt hàng thì tăng phi mã. Giờ đây, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn vì căng thẳng Nga-Ukraine.

Kể từ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận quyền độc lập của khu vực tự trị miền đông Ukraine, căng thẳng giữa 2 nước đã leo thang. Việc Phương Tây can thiệp bằng các lệnh cấm vận lên Nga cũng như nguy cơ chiến tranh đã khiến thị trường chứng khoán "tắm máu" còn giá nhiên liệu điên cuồng đi lên.

Khủng hoảng?

Tờ NYT nhận định sự leo thang căng thẳng Nga-Ukraine chắc chắn sẽ tạo nên khủng hoảng giá năng lượng, lương thực khi các nhà đầu tư sợ hãi, qua đó đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá tác động này vẫn nhỏ hơn so với thời điểm hàng loạt quốc gia đóng cửa vì đại dịch năm 2020. Nguyên nhân chính của nhận định này là quốc gia 146 triệu người với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ không đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như Trung Quốc. Ngoài dầu mỏ và một số nguyên vật liệu sản xuất, nền kinh tế Nga chưa thể hiện được vai trò tương xứng với vị thế cường quốc quân sự của mình.

Ví dụ như Italy với dân số chỉ bằng một nửa Nga và ít tài nguyên hơn nhiều nhưng nền kinh tế lại cao gấp đôi xét về GDP. Ba Lan, một quốc gia nhỏ bé hơn Nga cũng xuất khẩu sang Châu Âu nhiều hơn.

"Nga ngày càng ít quan trọng với nền kinh tế toàn cầu ngoại trừ vấn đề dầu mỏ. Về cơ bản thì nền kinh tế này chẳng khác gì một trạm dầu mỏ lớn cho thế giới", chuyên gia kinh tế Jason Furman của trường đại học Harvard, từng làm cố vấn cho Cựu Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh.

Tất nhiên những rắc rối liên quan đến nguồn năng lượng dầu mỏ sẽ ảnh hưởng đến các nước phụ thuộc vào chúng, qua đó tổn thương nền kinh tế, các ngành sản xuất cũng như tăng trưởng.

Ví dự như Châu Âu hiện đang nhập khẩu gần 40% khí đốt và 25% dầu mỏ từ Nga. Giá nhiên liệu tăng chóng mặt đang đe dọa đến kinh tế, xã hội nơi đây trong mùa đông giá lạnh.

Dự trữ khí đốt của Châu Âu hiện chỉ còn chưa đến 1/3 trong khi mùa đông vẫn rất dài.

Vì sao xung đột Nga - Ukraine khiến cả thế giới bận tâm: Nước được mệnh danh là ổ bánh mỳ của châu Âu, nước là trạm dầu mỏ khổng lồ - Ảnh 1.

Thế rồi giá lương thực hiện nay cũng leo thang lên mức cao nhất hơn 10 năm qua vì đại dịch thì nay tiếp tục khủng hoảng vì Nga-Ukraine. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy Nga là nước sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới khi chiếm đến ¼ xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu.

Một số nước như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc đến hơn 70% lúa mỳ nhập khẩu từ Nga. Bởi vậy căng thẳng hiện nay sẽ khiến những nền kinh tế như Thổ Nhĩ Kỳ khủng hoảng nặng hơn khi lạm phát tại đây đã đạt đến 50%, giá cả lương thực, điện năng, xăng dầu đều phi mã.

Giáo sư Ian Goldin của trường đại học Oxford nhận định những người nghèo sẽ chịu thiệt hại nặng nhất khi phải tốn nhiều thu nhập hơn để mua lương thực, khí đốt.

Trong khi đó, Ukraine vốn được mệnh danh là "ổ bánh mỳ của Châu Âu" khi là nước cung ứng lúa mỳ lớn cho khu vực này. Thương mại của Ukraine đã có sự thay đổi rõ rệt khi trước năm 2012, gần 40% kim ngạch xuất khẩu là với những nước thuộc Liên Xô cũ thì từ năm 2015, 40% xuất khẩu của Ukraine là đến Châu Âu, còn khu vực Liên Xô cũ chỉ còn 15%.

Hiện Liên minh Châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine nhưng ngược lại, "ổ bánh mỳ Châu Âu" lại chỉ đứng thứ 18 xếp hạng thương mại với EU.

Nền kinh tế Ukraine cũng xuất khẩu hơn 40% lúa mỳ và ngô sang Trung Đông và Châu Phi. Do đó một cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mỳ nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các vùng chiến sự như Lebanon.

Ngoài ra, Ukraine cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về hạt dầu hướng dương và hạt cải dầu.

Leo thang

Ngay sau quyết định công nhận 2 khu tự trị miền đông Ukraine của Nga, phía Mỹ cũng đáp trả bằng kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận lên cả 2 miền này. Động thái này càng khiến tình hình trở nên phức tạp khi nền kinh tế đã quá yếu ớt với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, lạm phát phi mã còn các ngân hàng trung ương thì đang bối rối hậu đại dịch Covid-19.

Vì sao xung đột Nga - Ukraine khiến cả thế giới bận tâm: Nước được mệnh danh là ổ bánh mỳ của châu Âu, nước là trạm dầu mỏ khổng lồ - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đau đầu với bài toán Nga-Ukraine

Mặc dù cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể không gây tổn thương cho kinh tế thế giới mạnh như đại dịch năm 2020 nhưng chúng sẽ kìm hãm đà hồi phục.

Thậm chí tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, lạm phát cũng đã lên 7,5% trong tháng 1/2022, cao nhất 40 năm qua. Tình hình thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nếu xung đột leo thang bất chấp Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ nâng lãi suất trong thời gian tới.

"Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng lạm phát mới", chuyên gia Christopher Miller của Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI) và là phó giáo sư của trường đại học Tufts nhận định.

Bên cạnh dầu mỏ, hàng loạt nguyên liệu như Palladium, Aluminium hay Nickel cũng sẽ bị đứt gãy chuỗi cung ứng nếu chiến tranh nổ ra. Đây là thông tin tệ hại với các nhà sản xuất điện tử, xe điện khi giá nguyên vật liệu vốn đã tăng mạnh hậu đại dịch.

Xin được nhắc là Nga đang xuất khẩu nhiều nhất nhì thế giới về những khoáng sản, nguyên liệu trên.

"Đây là vấn đề cực kỳ, cực kỳ nghiêm trọng", giám đốc kỹ thuật Lars Stenqvist của hãng xe Volvo cảnh báo.

Hiện Mỹ đang hối thúc các nước sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng khí đốt, đồng thời đề nghị Qatar tăng sản lượng khai thác.

Hệ lụy

Theo NYT, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể thúc đẩy quá trình đàm phán hạt nhân Iran khi quốc gia này ước tính có đến 80 triệu thùng dầu dự trữ tích cóp được từ năm 2018 sau khi Cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt lệnh cấm vận.

Ngoài ra, quan hệ Nga-Trung Quốc được cho là sẽ nồng ấm hơn khi ký kết thỏa thuận đường ống cung ứng khí đốt mới kéo dài 30 năm.

"Nga có vẻ sẽ chuyển nguồn xuất khẩu năng lượng và hàng hóa của mình sang cho Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Carl Weinberg của Tổ chức HFE nhận định.

*Nguồn: NYT

https://cafebiz.vn/vi-sao-xung-dot-nga-ukraine-khien-ca-the-gioi-ban-tam-nuoc-duoc-menh-danh-la-o-banh-my-cua-chau-au-nuoc-la-tram-dau-mo-khong-lo-20220222105400941.chn

Theo Băng Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên