MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị thế riêng của Việt Nam sau đại dịch

25-06-2020 - 14:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia của HSBC, tuy câu chuyện Việt Nam là một điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi không còn mới, nhưng việc xử lý tốt đại dịch COVID-19 giờ đây đã đưa đất nước đến một vị thế khác.

"Việt Nam - vị thế riêng sau đại dịch COVID-19" - là tiêu đề của bài viết do bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN - Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu Ngân hàng HSBC vừa thực hiện.

Bài viết cho biết, trên nhiều khía cạnh, Việt Nam đang viết nên câu chuyện đặc biệt của chính mình. Chính phủ đã thành công trong việc làm phẳng đường cong dịch bệnh COVID-19, gần như loại bỏ được dịch bệnh bằng các nỗ lực chủ động ngăn chặn cùng những phản ứng chính sách kịp thời. Cách xử lý đại dịch hiệu quả đã giúp nền kinh tế hồi phục. Thị trường tiêu dùng trong nước đang bật tăng trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa, và thậm chí hoạt động du lịch quốc tế có lợi thế phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Hơn thế nữa, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài ấn tượng và việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EU) gần đây sẽ giúp tăng cường thương mại với thị trường xuất khẩu lớn thứ hai này của đất nước. 

"Tuy câu chuyện Việt Nam là một điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi không còn mới, nhưng việc xử lý tốt đại dịch COVID-19 giờ đây đã đưa đất nước đến một vị thế khác" - bà Yun Liu nhận xét.

Và theo bà, dù không phải là một nền kinh tế lớn, sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam đem lại những bài học giá trị cho một thế giới đang chật vật tìm cách thúc đẩy tăng trưởng một cách khẩn thiết. 

Hãy xem lại những yếu tố đã tạo nên câu chuyện Việt Nam tích cực.

Tất cả bắt đầu với các biện pháp nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh lây lan. Chính phủ đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 1/2/2020 khi lúc này tổng số ca nhiễm trên cả nước chưa tới 10 trường hợp. Việt Nam cũng thắt chặt kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại khi virus bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. Trong khi đó, cả nước thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và sử dụng các ứng dụng để khai báo y tế. Khi các ca nhiễm mới tăng nhanh mỗi ngày vào cuối tháng Ba, Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu cả nước thực hiện cách ly xã hội trong ba tuần. Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được thực hiện và những nỗ lực chủ động đã được đền đáp. Với việc chỉ ghi nhận hơn 300 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong cho đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở châu Á.

Chi phí kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Xuất khẩu đã sụt giảm với tốc độ hai chữ số trong hai tháng liên tiếp do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của các lô hàng dệt may và điện thoại thông minh. Hơn nữa, nhu cầu trong nước cũng bị tác động nặng nề bởi giãn cách xã hội, doanh số bán lẻ giảm mạnh so với mức tăng trưởng nhanh chóng đạt được trong vài năm qua.

Tuy nhiên, thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho phép Việt Nam có thời gian để phục hồi trước những quốc gia khác. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên dỡ bỏ các cách ly xã hội và dần khôi phục hoạt động kinh tế. Và gần đây, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đứng đầu về độ tín nhiệm của công chúng trong công tác ứng phó dịch COVID-19 trên YouGov. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy niềm tin của người tiêu dùng đã truyền đến những dấu hiệu mới của sự phục hồi trong nước. Với khả năng thích ứng khéo léo, Việt Nam gần như đã trở lại trạng thái bình thường, hỗ trợ doanh số bán lẻ phục hồi nhanh chóng trong tháng trước. Cùng với đó, tất cả các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines đã được nối lại, gần như tương đương với năm 2019.

Trong khi các lệnh kiểm soát biên giới của Việt Nam vẫn còn được áp dụng cho khách du lịch nước ngoài, việc xử lý đại dịch thành công có thể mang lại lợi thế của người đi trước cho Việt Nam khi biên giới mở cửa trở lại. Ngành du lịch đang kêu gọi quảng bá cho chiến dịch "Du lịch an toàn" để thu hút du khách quốc tế. Đồng thời, Chính phủ đang thảo luận với các nước láng giềng như Nhật Bản về các bước tiếp theo. Từ ngày 1/7/2020, công dân của 80 quốc gia sẽ được cấp thị thực điện tử khi xuất nhập cảnh tại Việt Nam, mặc dù còn cần khai báo nhiều thông tin được yêu cầu bởi các biện pháp kiểm soát biên giới hiện có. Sau cùng thì 80% du khách quốc tế đến Việt Nam là từ châu Á nên việc phục hồi du lịch trong khu vực sẽ là một cú hích lớn trong tình hình ảm đạm hiện nay.

Ngoài ra, mặt trận thương mại gần đây cũng đón nhận nhiều tin tích cực. Vào ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) – một sự kiện được mong chờ từ lâu, và dự kiến ​​sẽ sớm có hiệu lực. Thỏa thuận đến đúng lúc khi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. EVFTA sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại với EU khi gỡ bỏ hầu hết các loại thuế quan hiện hành mà còn giúp thu hút nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao hơn vào Việt Nam. Và nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, một hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới nếu được thực hiện, có thể được ký kết trong năm nay sẽ là một tin hấp dẫn hơn nữa.

Bất chấp nguy cơ mất cân bằng, một quốc gia thiên về xuất khẩu như Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của một nền kinh tế toàn cầu gắn bó chặt chẽ và do đó đang làm mọi cách để tạo điều kiện cho thương mại mở. Trong những năm gần đây, thặng dư thương mại luôn tăng trưởng bền vững đã hỗ trợ cho cán cân thanh toán của Việt Nam và tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài. Điều này trang bị cho Việt Nam sự phòng vệ tốt hơn về mặt ổn định tỷ giá và tạo sự linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Dẫu vậy theo chuyên gia của HSBC, vẫn còn những vấn đề tồn đọng cần được khắc phục. Việt Nam không nên bỏ quên việc cải cách. Chẳng hạn như các lỗ hổng trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được giải quyết, với bộ đệm vốn còn yếu và đòn bẩy tiêu dùng đang tăng. Trong khi đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được mong đợi có những sửa đổi cần thiết để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Cuối cùng bà viết, "Nhìn chung, đây là một câu chuyện tích cực khi cái tên Việt Nam đang được chú ý giữa các nền kinh tế mới nổi. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục tiến hành chương trình cải cách của mình. Làm thế nào để vượt qua COVID-19 và quản lý sự phục hồi nhanh chóng là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nhà hoạch định chính sách".

Hoài Ly

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên