Vị tỷ phú không tiền tài, không bằng cấp vẫn có thể thành ông trùm thống lĩnh Gucci, YSL: Sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thành công
Là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong thế giới thời trang Pháp, sức ảnh hưởng của François Pinault còn lan rộng sang cả thế giới nghệ thuật.
- 20-06-2022Đẳng cấp cầu thủ kiếm tiền hàng đầu thế giới Cristiano Ronaldo: Sở hữu loạt bất động sản trải dài từ nước này qua nước khác, căn đắt nhất lên tới 480 tỷ đồng
- 13-06-2022Không chỉ là tài tử đắt giá của Hollywood, Tom Cruise còn là ông trùm bất động sản cực mát tay: Có dự án qua tay lên giá gấp đôi là chuyện bình thường
- 02-06-2022Ông trùm của tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới: "Kẻ hủy diệt" sa thải 9.000 nhân viên sau khi nắm quyền, thành công nhờ tham vọng vươn tầm quốc tế
Mới 16 tuổi, François Pinault đã bỏ ngang việc học ở trường College Saint-Martin ở thành phố Rennes. Khi đó, cậu trai trẻ xuất thân nông thôn liên tục bị bạn bè trêu chọc vì chất giọng của mình.
Không ai ngờ rằng, hơn nửa thế kỷ sau, ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Pháp. Forbes ước tính tài sản ròng của François Pinault và gia đình trị giá 35,4 tỷ USD (hơn 824 nghìn tỷ đồng). Con số này giúp ông đứng vị trí người giàu thứ 31 thế giới.
Còn tại Pháp, François Pinault và gia đình ông đứng ở vị trí thứ 4, sau ông trùm tập đoàn xa xỉ LVMH Bernard Arnault và gia đình, Françoise Bettencourt Meyers (người thừa kế của tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal) và gia đình, Rodolphe Saadé (ông chủ tập đoàn vận tải CMA CGM Group) và gia đình.
Phần lớn sự giàu có của François Pinault đến từ 41% cổ phần của gia đình ông ở tập đoàn xa xỉ Kering.
Vị tỷ phú không bằng cấp hay tiền bạc
François Pinault sinh năm 1936 trong gia đình nông thôn ở làng Les Champs-Geraux thuộc vùng Brittany, Tây Bắc nước Pháp. Cha ông là người buôn gỗ xuất thân nông dân.
Sau một thời gian nhập ngũ, ông trở về quê nhà và tiếp quản công việc buôn bán gỗ của gia đình. Đến khi cha ông qua đời, Pinault sang nhượng công việc kinh doanh gia đình và bắt đầu tự xây "đế chế" của riêng mình.
Với sự giúp đỡ từ người thân và vay tiền ngân hàng, vào đầu những năm 1960, Pinault mở một công ty gỗ nhỏ có tên là Établissements Pinault. Nhờ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, công ty của Pinault có thể mua một số công ty đang phải đối mặt với phá sản, đặc biệt là Chapelle Darblay, và khởi động lại chúng.
Một trong những thương vụ mua lại của Pinault là nhà sản xuất tấm gỗ Isoroy với giá tượng trưng 1 franc vào năm 1986. Theo cây viết của The Guardian, Pinault đã thể hiện sự tàn nhẫn khi cắt giảm số lượng nhân viên văn phòng chính từ 700 xuống còn 25 trong vòng hai tháng.
Một cựu giám đốc điều hành của Pinault cho biết: "Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo cách của Pinault. Nhưng vì ông ấy có xuất phát điểm từ số 0, Pinault sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thành công. Ông ấy loại bỏ kẻ thù, sau đó là nhân chứng cho sự thành công của ông. Ông ấy không muốn mắc nợ ai cả".
Pinault thường xuyên đưa ra những quyết định táo bạo. Năm 1973, nhận thấy sự suy thoái của thị trường và cuộc khủng hoảng dầu đang đến gần, Pinault đã bán 80% công việc kinh doanh gỗ của mình cho công ty Venesta của Anh, với giá trị gấp 10 lần dòng tiền - 30 triệu franc. Sau đó 18 tháng, ông mua lại nó với giá chỉ 5 triệu franc.
Tháng 10/1988, Pinault SA được niêm yết trên thị trường chứng khoán Paris. Pinault bắt đầu chuyển chiến lược đầu tư sang các doanh nghiệp bán lẻ. Ông đã mua phần lớn cổ phần của CFAO (chuyên phân phối ở châu Phi), Conforama (nhà bán lẻ đồ nội thất), Printemps (cửa hàng bách hóa), La Redoute (đặt hàng qua thư) và Fnac (nhà bán lẻ sách và điện tử). Năm 1993, công ty của ông được đổi tên thành Pinault-Printemps-Redoute (PPR).
Tiến công vào lĩnh vực xa xỉ, thâu tóm nhiều nhà mốt sang trọng
Năm 1992, Pinault thành lập công ty mẹ Groupe Artémis để quản lý các khoản đầu tư của gia đình Pinault. Công ty được cai quản 100% bởi Pinault và gia đình ông. Cái tên Artémis được đặt theo tên của nữ thần săn bắn Hy Lạp. Thông qua Groupe Artémis, Pinault sở hữu đội bóng đá Bretagne Stade Rennais cùng nhiều thương hiệu rượu vang.
Triều đại xa xỉ của PPR bắt đầu bằng thương vụ năm 1999, khi Pinault bước vào cuộc chiến với ông chủ tập đoàn xa xỉ LVMH Bernard Arnault để giành quyền kiểm soát nhà mốt Gucci. Trong khi Arnault muốn thêm thương hiệu Italy vào danh mục đầu tư xa xỉ vốn đã phong phú của mình, Pinault đang tìm kiếm "tấm vé" nhằm nâng cao khả năng tăng trưởng.
Cuộc đấu được ghi lại rộng rãi trên truyền thông Pháp vì nó liên quan đến 2 người đàn ông giàu nhất đất nước lúc bấy giờ. Cuối cùng, PPR giành chiến thắng mua 42% cổ phần với giá 3 tỷ USD và trở thành công ty hàng xa xỉ lớn thứ ba trên thế giới. Tập đoàn PPR đã nâng lượng cổ phần này lên 67,6% vào năm 2003 và tiếp tục lên 99,4% vào năm 2004.
Cùng năm 1999, PPR còn thâu tóm thương hiệu Yves Saint Laurent. Trong những năm sau, công ty tiếp tục mua lại công ty trang sức Pháp Boucheron, nhà mốt xa xỉ Tây Ban Nha Balenciaga và hãng thời trang Anh Alexander McQueen cùng nhiều thương hiệu khác.
2 ông trùm thời trang xa xỉ François Pinault (trái) và Bernard Arnault.
Sau khi thống lĩnh các thương hiệu cao cấp, François Pinault thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực cho con trai Francois-Henri Pinault từ giữa năm 2000. PPR được đổi tên thành Kering vào tháng 6/2013 và được dẫn dắt bởi Francois-Henri Pinault.
Xuất phát điểm là công ty kinh doanh gỗ, Kering ngày càng phát triển, chuyển trọng tâm sang đồ sang trọng. Cách phát âm từ "Kering" giống từ "caring" (tạm dịch: Chăm sóc) trong tiếng Anh. Cái tên mới này có liên quan đến nguồn gốc xuất xứ gia đình Pinault, vùng Brittany. Trong đó, "kêr" có nghĩa là "nhà".
Bên cạnh đó, tập đoàn sử dụng hình ảnh nhận dạng là con chim cú - biểu tượng của trí tuệ, sự bảo vệ và tầm nhìn xa. Logo cũng truyền tải cách tiếp cận củạ tập đoàn: Sức mạnh trí tưởng tượng.
Hiện Kering là tập đoàn xa xỉ lớn thứ hai trên thế giới. Cuối tháng 2, trang Professional Jeweller cho biết doanh số bán hàng xa xỉ của Kering kém xa người dẫn đầu là LVMH với 15 tỷ USD. Tuy nhiên, tập đoàn của Pinault tự hào có tỷ suất lợi nhuận ròng lớn hơn là 16,6% trong năm 2020.
François Pinault và con trai François-Henri Pinault. Ảnh: ARTnews.
Bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật khổng lồ, trị giá tỷ USD
Chưa thoả mãn với các thương hiệu xa xỉ, François Pinault bắt đầu theo đuổi nghệ thuật đương đại và hiện đại như một con đường kinh doanh mới. Điều này phù hợp với tư duy linh hoạt, luôn tìm ra những cách khác nhau để kiếm tiền. Pinault đã mua lại nhà đấu giá Christie's International mà ông đã đầu tư vào năm 1998 với giá 1,2 tỷ USD.
Vợ ông, Maryvonne Pinault, là nhà kinh doanh đồ cổ ở Rennes và là người đã giới thiệu François Pinault với thế giới nghệ thuật. Ông mua tác phẩm đầu tiên vào năm 1970, cùng năm kết hôn với Maryvonne Pinault.
Đáng chú ý, François Pinault là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới nghệ thuật. Ngày nay, "kho tàng" nghệ thuật đương đại của ông được công nhận là một trong những bộ sưu tập lớn nhất thế giới.
Sau khi chuyển giao quyền lực cho con trai, François Pinault có nhiều thời gian hơn cho nghệ thuật. "Bạn có thể là kẻ lạnh lùng trong kinh doanh, bởi vì bạn không cần cảm xúc. Nhưng trong nghệ thuật, mọi thứ đều phải liên quan đến cảm xúc", François Pinault từng tuyên bố.
Với sự giúp đỡ của các cố vấn nghệ thuật, ông đã xây dựng bộ sưu tập của mình. François Pinault sưu tầm nghệ thuật của thế kỷ 20 (Mondrian, Picasso, Man Ray...) trước khi theo đuổi nghệ thuật và nghệ sĩ đương đại (David Hammons, Rudolf Stingel, Damien Hirst...).
Bộ sưu tập bao gồm khoảng 5.000 tác phẩm, tổng giá trị được Bloomberg ước tính là hơn 1,2 tỷ euro (tương đương 1,25 tỷ USD). Với số lượng tác phẩm đồ sộ, François Pinault có 4 bảo tàng tại các thành phố Venice (Italy) và Paris (Pháp) để lưu trữ và trưng bày.
Tổng hợp