Vỉa hè Hà Nội: Điệp khúc lát, đào, chỉnh trang
Chi cả nghìn tỷ đồng để thay gạch mới rồi lại thay đổi cùng các dự án chỉnh trang, thoát nước, hạ ngầm cáp điện… thi công trên vỉa hè, hàng chục năm qua vỉa hè Hà Nội chưa ngày nào ngưng đào bới.
- 13-05-2016Hộ giàu mới lấn chiếm vỉa hè nhiều nhất
- 27-03-2016TP.HCM: Cần 1.000 tỷ đồng lát đá granite toàn bộ vỉa hè quận 1
- 09-04-2015Căn nhà “kỳ lạ” chiếm vỉa hè của người đi bộ
Dùng chưa lâu đã hỏng
Từ nền gạch truyền thống, dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), nền vỉa hè hàng chục tuyến phố được lát mới bằng gạch hình lục giác. Tuy nhiên, sử dụng chưa được bao lâu, vỉa hè các tuyến phố trên lại bị đào bới lên để hạ ngầm cáp điện, xây đường ống nước. Đặc biệt, hơn 5 năm nay, vỉa hè Hà Nội đang phải oằn mình cõng nhiều hạng mục của hai đại dự án là thoát nước và hạ ngầm cáp điện. Hai dự án này khiến vỉa hè Hà Nội luôn trong tình trạng sửa vá, rồi lại bị đào lên.
Các tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Khâm Thiên, Chùa Bộc – Thái Hà, Tràng Thi, Giảng Võ - Láng Hạ… là một trong rất ít tuyến phố dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được chỉnh trang đồng bộ cả hạ cáp ngầm và lát lại vỉa hè. Người dân sống trên các tuyến phố này tưởng rằng, sau sự kiện Đại lễ họ sẽ được sử dụng vỉa hè lâu dài. Tuy nhiên trong hai năm qua, dù cho nền gạch còn tốt, mới nhưng vỉa hè lần lượt bị đào lên lát lại. Với vỉa hè tuyến phố Khâm Thiên, Chùa Bộc - Thái Hà, trong hơn năm qua đã được lát mới bằng gạch có hình lục giác, gạch terrazzo.
Vỉa hè tuyến đường Hoàng Quốc Việt lẽ ra cũng không phải lát lại, tuy nhiên chính quyền quận Cầu Giấy cho biết, do cách đây không lâu đường ống nước bên dưới bị trục trặc nên các đơn vị liên quan đã phải đào vỉa hè ra để sửa chữa. Riêng các tuyến đường Tràng Thi, Giảng Võ – Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng được lát lại bằng đá hoặc gạch giả đá hình vuông bản to. Ngày 12/9, ghi nhận của PV Tiền Phong chỉ sau gần 1 năm được lát lại, vỉa hè và bó vỉa được lát bằng đá và gạch giả đá trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng nhiều đoạn đã bị vỡ vụn.
Do sụt lún và nền gạch giả đá bị vỡ, lún nên vỉa hè đường Trần Duy Hưng đoạn trước trung tâm thương mại Grand Plaza hình thành những hố sâu, người dân không thể qua lại. Dọc hai bên vỉa hè đường Trần Duy Hưng, hầu hết nền gạch giả đá bị nứt, rất ít viên còn lành lặn. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với đường Nguyễn Chí Thanh và Giảng Võ - Láng Hạ.
Tại vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh đoạn từ số 87 đến 91 nền gạch giả đá bị vỡ, bong tróc trơ nền đất. Vỉa hè phố Láng Hạ, đoạn từ số nhà 8 - 12 để đề phòng tai nạn, người dân dùng những viên gạch giả đá bị bong dựng vào gốc cây.
Sau một năm được chỉnh trang, vỉa hè phố Trần Duy Hưng nhiều đoạn bị sụt lún thế này. Ảnh: Anh Trọng.
Hạ tầng chưa đồng bộ, chưa nên lát đá
Chiều qua, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, tuyến phố Trần Duy Hưng là một trong những tuyến phố vừa được chỉnh trang lại vỉa hè nhằm từng bước đồng bộ hạ tầng tại đây. Về nền gạch và đá bó vỉa nhiều đoạn lát nứt, lún sâu, ông Hà cho biết, tuy được phân cấp quản lý vỉa hè nhưng việc thi công lát lại nền gạch và đá bó vỉa vừa qua lại do Sở GTVT Hà Nội thực hiện.
Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, sau khi hiện tượng trên xảy ra, các đơn vị quản lý đô thị của quận đã phản ánh tới Sở GTVT. Cũng theo ông Hà, trên địa bàn quận Cầu Giấy thời gian qua đã có nhiều tuyến phố vỉa hè được lát đá.
Về việc lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa có chủ trương nhân rộng lát đá vỉa hè trên nhiều tuyến phố, nhiều kiến trúc sư, chuyên gia đô thị cho rằng, với tình trạng vỉa hè cứ lát rồi lại bị đào bới lên như hiện nay, cần cân nhắc kỹ.
"Lát đá là một cách để có sự bền đẹp và văn vinh, tuy nhiên để thực hiện được, các tuyến phố phải đạt chuẩn về hạ tầng. Hiện trên một con phố nhưng có đến ít nhất 5 cơ quan cùng quản lý (giao thông, điện, nước, chiếu sáng, quận huyện), do vậy mới có chuyện vỉa hè vừa được Sở GTVT quận huyện lát xong, điện - nước, cáp lại đến đào. Như vậy làm sao có bền vững, văn minh. Nếu như lãnh đạo Hà Nội chưa thống nhất được việc quản lý đô thị thì không những lát đá mà nhiều việc khác cũng khó khả thi", đại diện Viện Quy hoạch đô thị nhấn mạnh.
KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội nêu thực tế, với các tuyến phố ở khu vực Ba Đình hoặc Hoàn Kiếm, hạ tầng cơ bản hoàn thiện, ít phải đào bới sửa chữa nên có thể lát đá để tạo cảnh quan, bền vững. Hạ tầng các tuyến phố bên ngoài các khu vực trên đang có nhiều việc phải làm hơn là làm đẹp, nên cần phải cần tính toán kỹ khi lát đá.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2010 đến nay toàn thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 130 danh mục dự án chỉnh trang, trong đó có 34 danh mục dự án hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang các tuyến phố. Có 96 dự án chỉnh trang vườn hoa, cây xanh, vườn thú, chiếu sáng và các nội dung khác.
Tiền phong