VIB kỳ vọng bứt phá tăng trưởng trong quý 4
Chiều ngày 4/11/2021, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (mã cổ phiếu trên HOSE: VIB) đã tổ chức buổi trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư, giới chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhằm chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 3 và chiến lược bứt phá ngay từ quý 4 năm 2021.
Cuộc trao đổi trực tuyến thu hút hơn 250 đại diện từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các công ty chứng khoán và các nhà phân tích độc lập. Nội dung trao đổi xoay quanh 3 chủ đề chính: (1) Kết quả kinh doanh của VIB trong quý 3, do ông Hoàng Linh – Phó Giám đốc Tài Chính chia sẻ; (2) Phục hồi qua làn sóng Covid thứ tư do ông Hà Hoàng Dũng – Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro và Tuân thủ chia sẻ, và (3) Cơ hội tăng trưởng bứt phá trong tương lai, do bà Trần Thu Hương – Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ chia sẻ.
NIM phục hồi mạnh mẽ trong quý 4
Tại buổi gặp gỡ, ông Hoàng Linh – Phó Giám đốc Tài chính VIB đã có những chia sẻ về kết quả kinh doanh của ngân hàng với những chỉ số tài chính nổi bật: ROE đạt 29,3%, đưa VIB liên tiếp thuộc top ngân hàng hiệu quả đầu ngành; tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ 33%, vượt 5.300 tỷ đồng với động lực đến từ các nguồn thu nhập bền vững.
Những hoạt động hỗ trợ khách hàng vượt qua thách thức của dịch bệnh như giảm lãi suất đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, miễn/giảm các loại phí giao dịch, cơ cấu lại thời gian trả nợ để cùng khách hàng vượt qua các ảnh hưởng của dịch bệnh đã phần nào phản ánh vào thu nhập lãi thuần (NII) và biên độ lãi ròng (NIM) quý 3 của ngân hàng, khi các chỉ số này giảm nhẹ so với quý 2. Tuy nhiên, NII và NIM của VIB dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong quý 4 khi phần lớn các khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Bên cạnh đó các khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế với giá trị lớn, lãi suất và kỳ hạn hấp dẫn sẽ là nguồn lực quan trọng giúp VIB sẵn sàng hỗ trợ mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa biên lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng tiềm năng.
Nền tảng quản trị tiên phong theo chuẩn mực quốc tế giúp VIB vững vàng vượt qua đại dịch
Bước qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, các nhà đầu tư và phân tích quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng danh mục tài sản của VIB. Liên quan đến nội dung này, ông Hà Hoàng Dũng – Giám đốc Quản trị Rủi ro và Tuân thủ VIB cho biết, với khẩu vị rủi ro thận trọng, VIB luôn cân bằng giữa yếu tố tăng trưởng và chất lượng danh mục, đảm bảo chất lượng tín dụng từ đầu nguồn. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng trong quý 3 ở mức 1,57% tăng nhẹ so với quý 2, nhưng vẫn thấp hơn mức 1,76% cùng kỳ năm trước. Đây là nhờ danh mục tập trung đến 90% vào bán lẻ, giúp rủi ro được phân tán, trong đó tỷ trọng danh mục có tài sản đảm bảo lên đến gần 95%, đặc biệt danh mục của VIB không bị ảnh hưởng nặng bởi các ngành chịu tác động nặng nề từ Covid như hàng không, bất động sản dự án.
Lợi thế số hóa là chìa khóa tăng trưởng của VIB
Chia sẻ về bí quyết tăng trưởng ngay cả trong giai đoạn giãn cách, bà Trần Thu Hương – Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ của VIB cho biết lợi thế từ tiên phong số hóa sản phẩm dịch vụ và áp dụng các công nghệ mới đã giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng tích cực.
Hiện tại người dùng có thể giao dịch trực tuyến với VIB từ bất cứ đâu để mở thẻ, mở tài khoản, gửi tiết kiệm hay thực hiện các khoản vay. Vượt qua đại dịch, cho vay mua, sửa chữa nhà và cho vay mua ô tô của VIB duy trì đà tăng trưởng ổn định. CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 3 với tỷ lệ gần 20%. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của kênh số trong tăng trưởng CASA tăng mạnh qua từng quý.
Với thẻ tín dụng, VIB đã tiên phong áp dụng công nghệ thẻ hàng đầu như Big Data, AI để số hóa dịch vụ thẻ và phân tích sâu để mang đến các sản phẩm thẻ với lợi ích vượt trội, đáp ứng tối đa mọi nhu cầu của người dùng. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ đăng ký thẻ tín dụng thông qua kênh trực tuyến của VIB bùng nổ với tỷ trọng đóng góp của kênh này so với kênh truyền thống tăng từ 9% quý 1 năm 2020 lên 48% quý 2 và đạt 55% trong quý 3 năm nay. Về hiệu quả, tăng trưởng chi tiêu trên thẻ VIB và tăng trưởng số lượt chi tiêu trên thẻ VIB gấp lần lượt 3 và 5 lần mức bình quân chung thị trường (theo Mastercard). Tổng chi tiêu qua thẻ tín dụng của VIB trong tháng 10 vừa qua đạt kỷ lục trong 25 năm của ngân hàng, và chiếm ưu thế gần 30% tổng chi tiêu qua thẻ Mastercard của toàn thị trường trong quý 3/2021, theo số liệu của Mastercard. Riêng Family Link, dòng thẻ dành cho chi tiêu gắn kết gia đình vừa ra mắt tháng 8 vừa qua đánh dấu hợp tác chiến lược của VIB và Visa đã nhanh chóng tăng trưởng 200%/tháng về tốc độ mở thẻ, và đạt mức chi tiêu bình quân thẻ Visa gấp đôi thị trường (theo Visa). Hàng loạt các chỉ số về thẻ tín dụng của VIB đều tăng trưởng gấp 3-4, thậm chí 9-15 lần trung bình thị trường, như số lượng giao dịch, giá trị giao dịch trực tuyến, tỷ lệ thẻ kích hoạt, chi tiêu trong nước, chi tiêu tại nước ngoài... "Đây là những con số đáng mơ ước của bất kỳ mảng kinh doanh thẻ nào tại thị trường, và một lần nữa chứng minh sự đầu tư bài bản, chiến lược của VIB cho các dự án công nghệ, số hóa và trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về thẻ tín dụng tại Việt Nam", bà Hương nhấn mạnh.
VIB cũng đẩy mạnh số hóa quy trình bán bảo hiểm qua ngân hàng, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với các giải pháp bảo vệ tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua. Điều này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thị trường, giúp VIB giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường banca tính đến tháng 10 vừa qua, và tiếp tục là ngân hàng có năng suất phân phối bảo hiểm trên 1 chi nhánh lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, thị phần bán bảo hiểm của VIB tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng qua bất chấp những khó khăn do đợt giãn cách kéo dài, cao hơn quý 1 và quý 2 năm 2021.
Bứt phá tăng trưởng trong bình thường mới
Nền tảng quản trị vững mạnh, đà tăng trưởng cao và ổn định đã thiết lập trong nhiều năm qua cùng sự linh hoạt thích ứng tốt với Covid 19 đã đưa VIB vào top 5 ngân hàng TMCP bán lẻ hàng đầu và trong nhóm Top 5 này, VIB có tỷ trọng danh mục bán lẻ và mức tăng trưởng bán lẻ cao nhất hiện nay.
Trả lời câu hỏi về các cơ hội cho sự tăng trưởng trong tương lai, bà Trần Thu Hương chia sẻ: "Trong hơn 5 năm qua và trong tương lai, ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là động lực chính cho hoạt động kinh doanh của VIB, và là đóng góp then chốt của VIB cho thị trường tài chính Việt Nam. Chúng tôi đã vượt qua những thách thức từ đại dịch và đã có chiến lược tận dụng các cơ hội từ điều kiện bình thường mới để tạo bứt phá tăng trưởng ngay trong quý 4 này, với lợi nhuận dự kiến quý 4 của ngân hàng đạt mức kỷ lục. Mục tiêu của chúng tôi tiếp tục là ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng, tiếp tục nằm trong top các ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam".
Tường thuật trực tiếp về buổi gặp gỡ với nhà đầu tư quý 3 2021 được đăng tải tại đây.
Nhịp sống kinh tế