VIB: Lợi nhuận năm 2022 tăng 32%, ROE liên tục đạt trên 30%
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Hiệu suất Lợi nhuận trên Vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục đạt trên 30%.
Kết quả kinh doanh vượt trội, dẫn đầu ngành về an toàn và hiệu quả
Kết thúc năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng. Biên lãi ròng (NIM) đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kể so với mức 8% của Ngân hàng Nhà nước. Với nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh, VIB kiểm soát nợ xấu ở mức thấp 1,79%.
Vừa qua, VIB đã công bố Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 là 10% trên vốn điều lệ. Dựa trên kết quả lợi nhuận năm 2022, VIB có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VIB sẽ trình kế hoạch chia cổ tức tiếp theo để lấy ý kiến phê duyệt của cổ đông và triển khai thực hiện sớm trong năm.
Dẫn đầu xu hướng sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ
Năm 2022, chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm tiếp tục được VIB triển khai thông qua các sản phẩm, dịch vụ đón đầu thị hiếu, nâng tầm trải nghiệm người dùng.
MyVIB 2.0 là Ngân hàng số đầu tiên cung cấp trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và là ứng dụng Mobile Banking Cloud Native đầu tiên do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kể từ ngày 07/4/2022. Đây là hai trong nhiều dấu ấn tích cực của VIB trong vai trò là một trong những nhà băng dẫn dắt xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam. Là công cụ tài chính được thiết kế trên nền tảng điện thoại di động vốn đã, đang và sẽ tiếp tục được ưa chuộng bởi người dùng Việt, ứng dụng MyVIB 2.0 hội tụ các công nghệ mới nhất, đáp ứng hầu hết nhu cầu giao dịch với tính bảo mật cao và mang đến trải nghiệm sinh động, thú vị cho hàng triệu khách hàng.
Đi cùng chiến lược "Dẫn đầu xu thế thẻ" với các dòng thẻ cá nhân hóa, mang hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu chi tiêu đa dạng của từng nhóm khách hàng, VIB đã và đang định vị ở top đầu thị trường thanh toán không tiền mặt. Tính đến 31/12/2022, VIB đã phát hành hơn 2,4 triệu thẻ, trong đó riêng thẻ tín dụng đạt hơn 600.000 thẻ. Thị phần chi tiêu thẻ của VIB chiếm gần 35% tổng doanh số chi tiêu của Mastercard tại Việt Nam (theo Mastercard). Kết quả này đạt được nhờ các chương trình ưu đãi vượt trội dành cho khách hàng sử dụng thẻ, qua đó thúc đẩy tổng chi tiêu thẻ hơn 3,1 tỷ đô la trong cả năm 2022.
VIB đã thiết kế và cho ra mắt các gói tài khoản gồm nhiều dịch vụ kèm theo dành riêng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như: gói tài khoản Sapphire dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu giao dịch, thanh toán thường xuyên; gói tài khoản Diamond dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu tận hưởng các đặc quyền ưu tiên; gói tài khoản Reserved miễn phí mọi phí giao dịch cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ. Việc đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng đã giúp VIB có thêm hơn 1 triệu khách hàng chất lượng mới, đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành trước kế hoạch mục tiêu 4 triệu khách hàng năm 2022.
Ngoài ra, VIB đã dành 150 triệu đô-la giải ngân từ IFC để đẩy mạnh phân khúc cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở, đồng thời phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ các nữ lãnh đạo phát triển kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sáng tạo trong cách tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách hàng
Năm 2022 chứng kiến sự thay đổi đáng kể của nền kinh tế toàn cầu hậu Covid-19, dẫn đến nhu cầu và thói quen giao dịch tài chính hàng ngày của hầu hết khách hàng cá nhân thay đổi so với trước. Với lợi thế về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và máy học (Machine Learning), VIB vượt trội thị trường về độ am hiểu khách hàng, từ đó mang đến các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế riêng theo từng phân khúc người dùng. Bên cạnh đó, nền tảng điện toán đám mây (multi-cloud) giúp nhà băng liên tục cập nhật các tính năng nhằm bám sát sự thay đổi về nhu cầu dù là nhỏ nhất của 4 triệu khách hàng hiện nay.
Nhờ đó, tính đến cuối năm 2022, VIB ghi nhận số lượng khách hàng mới đăng ký qua kênh số đạt 40% trên tổng số, tỷ lệ tăng trưởng đạt 65% so với năm 2021. Số lượng và giá trị giao dịch trên các kênh số của VIB luôn tăng gần gấp đôi qua các năm.
Mô hình 3-first gồm Mobile-first, Cloud-first và AI-first được VIB ứng dụng hiệu quả khi xây dựng thành công không gian trải nghiệm tương tác số thu hút hơn 93% tổng lượng giao dịch, đưa Ngân hàng vào top đầu ngành về tỷ trọng hoạt động trên các nền tảng trực tuyến.
Trong năm 2022, VIB tạo dấu ấn với các hoạt động tiếp thị, truyền thông sáng tạo trên nhiều nền tảng. Xuất hiện với hình ảnh trẻ trung, năng động tại chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc The Masked Singer với hơn 1 tỷ lượt xem đã giúp VIB liên tục dẫn đầu ngành ngân hàng tại bảng xếp hạng thương hiệu nổi bật trên mạng xã hội.
Nhịp sống thị trường