Vicostone và chiến lược xoay chuyển về nội lực sau khi hết độc quyền với Breton
Từ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu và phụ thuộc gần như toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, Vicostone hiện tự chủ 90% nguyên liệu đầu vào và hướng đến mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu nội địa lên 15%. Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Vicostone cũng là doanh nghiệp trong tâm bão có thể được đón nhận cả cơ hội lẫn thách thức đan xen.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên cách đây 4 năm, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone, thừa nhận tự công ty biết rằng thị trường nội địa không phải là thế mạnh tiêu thụ. Vậy nhưng, sản phẩm của Vicostone đã len lỏi tới lượng lớn các cửa hàng nội thất tủ bếp hiện nay. Chủ một hộ kinh doanh tư vấn thiết kế tủ bếp trên con phố chuyên kinh doanh đồ nội thất ở quận Đống Đa cho biết giá bán mặt đá của Vicostone dao động trong khoảng 6-10 triệu đồng/mét dài, thường gấp 4-7 lần giá các loại đá granite tự nhiên và cũng cao vượt so với các mẫu đá nhân tạo khác.
Sự xuất hiện các sản phẩm của hãng đá nhân tạo Việt Nam ở chính thị trường Việt là một thay đổi đáng kể của Vicostone. Trong cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua, ông Năng cho biết số tiền chi làm thương hiệu năm 2018 khoảng 46 tỷ đồng thông qua các hoạt động quảng cáo truyền hình, radio hay các sự kiện hướng đến các kiến trúc sư, người làm việc trong lĩnh vực xây dựng để đào tạo, thay đổi thói quen người dùng. Doanh thu nội địa tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và đặt mục tiêu sẽ chiếm trên 15% tổng doanh thu năm 2019.
Trong khi sự xâm nhập thị trường nội địa được coi là một thành công, Vicostone lại không hoàn thành kế hoạch doanh thu vì các thị trường xuất khẩu. Trong một báo cáo mới đây, FPTS đánh giá thị trường xây dựng dân dụng nói chung hay nhu cầu đối với mặt bàn, bệ bếp nói riêng tại Mỹ, Úc, Canada đang có xu hướng chững lại. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, sản lượng nhập từ Trung Quốc tăng mạnh 8 tháng đầu năm để chạy trước chính sách khi mặt hàng này nằm trong nhóm Mỹ đánh thuế 10%, thậm chí có thể đánh thêm thuế trợ cấp và thuế chống bán phá giá sau vụ kiện của một công ty sản xuất đá thạch anh nhân tạo Mỹ. Với việc chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, VCS bước đầu được hưởng lợi từ những sự kiện này trong nửa cuối năm 2018.
Sản lượng xuất vào Mỹ của một số nước trong top 7 xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này – Nguồn: FPTS
Nhìn nhận về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lãnh đạo Vicostone xác định việc giá thành của các sản phẩm Trung Quốc không còn lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ sau khi bị áp thuế là một cơ hội với sản phẩm của Việt Nam. Nhưng vẫn sẽ có những thách thức và Vicostone luôn cần ý thức để không trở thành đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá.
"Sự kiện trên có thể tạo ra ít nhiều lợi thế cho Vicostone ở thời điểm hiện tại nhưng Vicostone coi yếu tố cốt lõi để cạnh tranh bền vững là việc áp dụng và cải tiến công nghệ. Cùng đó, công ty hướng đến việc sáng tạo các mẫu mã độc đáo, khác biệt, đảm bảo chất lượng, dịch vụ trong toàn diện hành trình trải nghiệm của khách hàng và năng lực linh hoạt thích ứng với thị trường", lãnh đạo Vicostone cho hay.
Vicostone hậu hết hạn độc quyền với Breton
Thực tế, công nghệ từng là yếu tố sinh tử đối với Vicostone. Cách đây 5 năm, bản hợp đồng độc quyền công nghệ với Breton trở thành nguyên nhân trực tiếp cho quá trình tái cấu trúc Vicostone, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ đặc biệt trong cơ cấu cổ đông của công ty. "Vicostone không còn quyền đầu tư thiết bị" khi Phenikaa đã có trong tay hợp đồng độc quyền sử dụng công nghệ này. Phenikaa sau đó được phép mua chi phối cổ phần của Vicostone. Ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch của doanh nghiệp bị thâu tóm, đã mua 90% cổ phần doanh nghiệp thâu tóm và hiện là chủ tịch của cả hai doanh nghiệp.
Hợp đồng độc quyền trên mới đây đã hết hạn nhưng Vicostone đã không ký tiếp. Nguyên nhân là bởi bên cạnh yếu tố quan trọng là công nghệ thì năng lực vận hành, khai thác và tối ưu công nghệ mới là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh. Theo lãnh đạo Vicostone, bí quyết công nghệ riêng mang lại lợi thế cạnh tranh đặc biệt, tạo ra sản phẩm mà các đối thủ cạnh tranh khó có thể sao chép.
Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, nhiều kế hoạch cải tiến công nghệ được Vicostone vạch ra như tìm cách để đá ốp lát nhân tạo ra ngoài trời có thể giảm cong vênh và ít bị bạc màu, ứng dụng khoa học công nghệ AI, Robot … vào sản xuất đá tấm và chế tác đá hay các định hướng nhằm bảo vệ môi trường như giảm chất thải công nghiệp, sử dụng chất kết dính bằng bioresin thân thiện với môi trường.
Hướng tới tự chủ nguyên liệu đầu vào
Nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào lên 95% là một định hướng chiến lược mà Vicostone đề ra và đã có những bước đi chính thức đầu tiên. Tháng 5 vừa qua, Vicostone đã hoàn tất mua lại 100% vốn Công ty TNHH MTV Đầu tư và chế biến khoáng sản Phenikaa Huế từ công ty mẹ Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) với giá mua 50 tỷ đồng tương đương vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Phenikaa Huế đặt nhà máy tại khu vực dồi dào cát trắng nguyên liệu, sử dụng công nghệ từ Đức để sản xuất cristobalite với công suất thiết kế 72.000 tấn/năm. Riêng việc nhận chuyển nhượng 100% Phenikaa Huế từ công ty mẹ giúp VCS chủ động 90% nguồn nguyên vật liệu và tiết kiệm khoảng 25% chi phí so với nhập khẩu hạt thạch anh.
Nước cờ quan trọng trên thực tế đã được chuẩn bị từ 2 năm trước. Theo báo cáo mới đây của FPTS, Phenikaa Huế bắt đầu được đầu tư từ năm 2017 và bắt đầu đi vào sản xuất từ quý I/2019. Vicostone cũng lên kế hoạch triển khai Dự án sản xuất sản phẩm nhựa Polyester không no, nguyên liệu quan trọng thứ hai trong sản xuất đá nhân tạo.
Chi phí nguyên vật liệu hiện chiếm tỷ trọng 80 - 90% trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh. Theo công ty chứng khoán FPTS, biên lợi nhuận gộp dự phóng của Vicostone trong năm 2019 sẽ tăng lên 34,3% từ mức 33,1% năm trước.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu sau đầu tư, Vicostone cũng sẽ đối mặt với sự gia tăng đáng kể của chi phí lãi vay, chi phí khấu hao tại các nhà máy mới. Đến cuối tháng 2/2019, nợ phải trả của Phenikaa Huế đạt 572 tỷ đồng trong đó có 306 tỷ đồng nợ vay ngân hàng và 219 tỷ đồng là vốn vay từ Phenikaa. Toàn bộ hơn 200 tỷ đồng vay Phenikaa, Phenikaa Huế phải hoàn trả và đi vay lại từ Vicostone, theo điều khoản chuyển nhượng. Trên báo cáo hợp nhất hai năm gần đây, Vicostone không ghi nhận khoản nợ vay dài hạn nào, nhờ đó chi phí lãi vay của doanh nghiệp này cũng khá khiêm tốn.
Trong tương lai, Vicostone cũng sẽ là đầu mối duy nhất sản xuất đá tấm trong hệ thống của Phenikaa. Với việc cấu trúc lại như trên, ngoài việc tăng thêm nguồn thu các năm, công ty sẽ cần bỏ một khoản tiền để mua lại các dây chuyền sản xuất từ công ty anh em Style Stone và công ty mẹ Phenikaa.
Cùng với việc mở rộng hoạt động đầu tư, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này cũng đã tăng nhanh thời gian qua. Vốn điều lệ tăng gấp đôi trong năm 2018 lên 1.600 tỷ đồng sau đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1. EPS cả năm 2018 của Vicostone đạt hơn 6.520 đồng/cp, giảm một nửa so với con số hơn 13.000 đồng năm trước đó. Năm 2019, Vicostone đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 5.310 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.565 tỷ đồng với mức tăng trưởng lần lượt 16,3% và 18,7% so với thực hiện 2018.
Chia sẻ với chúng tôi về giải pháp đảm bảo sự phát triển ổn định khi quy mô công ty ngày càng mở rộng, lãnh đạo Vicostone khẳng định luôn theo định hướng phát triển bền vững. Trong đó, việc xây dựng và vận hành công ty được thực hiện trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa 3 nền tảng: Con người – Công nghệ - Khoa học. Ông Năng khẳng định hạnh phúc của người lao động và lợi ích bền vững của các cổ đông liên quan đến Vicostone là hai trong những mục tiêu quan trọng của Vicostone. Để đạt được điều này, khai thác hiệu quả và sáng tạo hai khía cạnh Công nghệ và Khoa học là điều Vicostone hướng tới. Công nghệ ở đây theo giải thích của lãnh đạo Vicostone bao gồm cả Công nghệ quản trị và Công nghệ trong vận hành sản xuất kinh doanh.
Từ tháng 4/2018, cùng nhịp với sự vận động của thị trường chung, VCS là một trong những cổ phiếu giảm mạnh với giá sau điều chỉnh đã giảm gần 26% từ đỉnh thiết lập hôm 5/4/2018.
Mức giá hiện tại đã về ngang vùng giá hồi giữa năm 2017. Trước câu hỏi của các cổ đông về sự sụt giảm của giá cổ phiếu, Chủ tịch Hồ Xuân Năng khẳng định công ty vẫn hoạt động tốt và hiệu quả, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư thận trọng, chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trí Thức Trẻ