[Video] Toàn cảnh khu đất vàng 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng: Từ dự án khách sạn 6 sao đến Sài Gòn Mê Linh Tower, nhưng vẫn là khu đất trống
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và 4 cán bộ khác có liên quan về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Toàn cảnh khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng
Đây là kết quả của công tác điều tra, tiến hành xác minh giải quyết tin báo về tội phạm liên quan đến khu "đất vàng" tại số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM (Khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng) của Công ty CP Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã CK: SAB).
Khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, có diện tích 6.080,2 m2, được biết đến với vị trí đắc địa tại trung tâm Quận 1 và có tới 4 mặt tiền giáp với đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ). Cũng chính vì vậy, Khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng được ví như là khu "đất vàng" hiếm hoi còn sót lại giữa trung tâm của thành phố phát triển bậc nhất cả nước.
Được biết, khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng là một trong 5 khu đất được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đồng ý đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2006 khi Sabeco thực hiện cổ phần hóa.
Các khu đất này đều chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh. Do đó, Sabeco không được tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp quyền sử dụng đất.
Khu đất có tổng diện tích khoảng 6.000 m2, có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du, xung quanh là các cao ốc văn phòng, khách sạn hạng sang, cách phố đi bộ Nguyễn Huệ vài trăm mét.
Theo tìm hiểu, vào năm 2015, để thực hiện dự án, Sabeco đã “bắt tay” với một số doanh nghiệp khác, lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 4 cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (sở hữu 25,5%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty Cổ phần Attland (23%) và Sabeco (26%).
Đến tháng 10/2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Vốn điều lệ được nâng lên gần 1.020 tỷ đồng.
Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 6/3/2017, ba cổ đông tổ chức đã thoái vốn tại Sabeco Pearl, cơ cấu cổ đông mới chưa được tiết lộ chi tiết. Tới ngày 12/6/2018, ông Thái Bảo Anh (sinh năm 1974) – Tổng giám đốc, đã trở thành người đại diện theo pháp luật thay cho ông Ngô Văn An (sinh năm 1977) – Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sau một thời gian, khu đất cũng bị biến thành nơi cho thuê giữ xe như nhiều khu đất vàng khác trên địa bàn quận 1.
Theo tìm hiểu của Báo Tuổi Trẻ, trong biên bản họp đại hội cổ đông mới nhất thể hiện vào ngày 11/6/2018, ba cổ đông còn lại sau khi Sabeco thoái vốn cũng đã thoát sạch vốn tại đây.
Thay vào đó, ông Ngô Văn An ( sinh năm 1977) chiếm 98,53% vốn điều lệ, ông Trần Quang Huy giữ 0,49% và bà Nghiêm Thị Hương sở hữu 0,98% vốn điều lệ.
Hồi đầu tháng 2, Kiểm toán Nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Sabeco. Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai sót hàng chục tỷ đồng liên quan đến việc thoái vốn của Sabeco tại Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl (chủ đầu tư dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng) hồi tháng 6/2016.