MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm nhân sự là để… đuổi người!

28-11-2012 - 08:10 AM |

Khi nhận việc, giám đốc nói ngắn gọn: “Nhiệm vụ của nhân sự là làm sao cho nhân viên không thưa kiện”.

“Tôi không muốn thấy mặt ông Minh nữa, cô làm cách nào đó thì làm, chỉ biết là từ đầu tháng sau, trong danh sách nhân viên của công ty không có tên Nguyễn Văn Minh”. Giám đốc gọi tôi, chỉ nói đúng bấy nhiêu. Từ giờ đến cuối tháng còn chưa tới 10 ngày. Cách gì thì công ty cũng sẽ vi phạm pháp luật lao động nếu anh nhân viên tên Minh ấy nhất định không tự nguyện nghỉ việc.

Không đuổi người, tôi phải ra đi!
 
Tôi ứng tuyển vào chức danh trưởng phòng nhân sự của Công ty Q.M (một doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại quận Bình Tân - TPHCM) vào tháng 1-2012. Với kinh nghiệm làm công tác nhân sự hơn 10 năm ở các loại hình doanh nghiệp, nắm khá vững các quy định của pháp luật lao động, tôi được chọn ngay từ vòng sơ tuyển. 

Khi nhận việc, giám đốc nói ngắn gọn: “Nhiệm vụ của nhân sự là làm sao cho nhân viên không thưa kiện”. Trước tôi, đã từng có 4-5 trưởng phòng nhân sự phải ra đi. Người làm lâu nhất là 1 năm, người nhanh nhất là 4 tháng. Tôi hy vọng mình sẽ làm được lâu hơn bởi tôi hiểu luật và không đến nỗi “ác” với người lao động

Thời gian đầu, mọi việc khá suôn sẻ vì người tiền nhiệm đã làm đâu vào đó. Người lao động được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm đầy đủ. Thế nhưng đến tháng thứ 4 thì bắt đầu nảy sinh rắc rối khi có người lao động đề nghị tăng lương vì giá cả tăng quá nhanh. Tôi nhờ người kiểm tra lại thông tin mà Công đoàn cung cấp và thấy đúng như vậy nên thống nhất đề xuất tăng 10% lương cho nhân viên. 

Văn bản kiến nghị vừa gởi đi thì ngay trong buổi chiều hôm đó, giám đốc gọi tôi lên: “Coi chừng người ta chưa được tăng lương thì cô đã bị đuổi. Ai đời trưởng phòng nhân sự lại về hùa với Công đoàn đòi tăng lương cho người lao động là sao?”. Tôi trình bày lý do mình đồng ý với kiến nghị của Công đoàn: Chăm lo cho người lao động là cái gốc để giữ nhân lực. Nếu họ không đủ sống thì làm sao an tâm làm việc, chưa nói đến làm việc với năng suất, chất lượng cao?

Từ hôm đó, nhất cử nhất động gì của tôi cũng bị giám đốc để ý. Tất cả các đề xuất của tôi về việc thay đổi, bố trí lại một số vị trí trong công ty cũng bị gạt đi. Khi “không ưa ai” thì giám đốc ra lệnh ngắn gọn: “Làm sao đó thì làm để tháng tới không còn thấy người đó trong danh sách lao động”. Trường hợp của nhân viên Nguyễn Văn Minh là giọt nước tràn ly. Do không thể ngụy tạo lý do để đuổi anh ta nên người phải ra đi là tôi.

“Tôi cũng chỉ cần cô làm đến vậy…”

Câu chuyện thứ hai tôi muốn kể là thời gian tôi làm trưởng phòng nhân sự cho Công ty K.Đ, một doanh nghiệp chế biến thực phẩm 100% vốn trong nước. Công ty này giám đốc là chồng, phó giám đốc là vợ, các bộ phận còn lại ít nhiều đều có dây mơ rễ má với lãnh đạo công ty. Đây là nơi tôi gắn bó lâu nhất: 3 năm.

Trước khi tôi vào, công ty không có bộ phận nhân sự mà chỉ có lao động tiền lương. Hồ sơ của người lao động thì thiếu đủ không ai biết; số người được ký hợp đồng, được đóng BHXH là bao nhiêu cũng không ai hay. Đặc biệt, nhiều bộ phận dư lao động nên mọi người tự ý bố trí thay nhau nghỉ luân phiên mà lãnh đạo không hề biết; lại có bộ phận rất cần người như các nhân viên kiểm soát chất lượng, an toàn lao động, kỹ sư hóa thực phẩm… thì lại không có.

Tôi nhận ra những chỗ khiếm khuyết này nên đề xuất chấn chỉnh, bổ sung. Giám đốc phấn chấn: “Cô đúng là người sinh ra để làm công tác nhân sự. Từ ngày có cô, mọi thứ không còn lộn xộn như trước, không thấy công nhân thưa kiện nữa”. Ông bảo hồi trước, suốt ngày chỉ lo giải quyết chuyện thắc mắc, khiếu nại của công nhân đến “điên cái đầu”, chẳng còn tâm trí đâu để lo sản xuất kinh doanh. 

Tôi nghe ông khen cũng rất mừng. Nào ngờ, sau đó ít lâu thì phó giám đốc gọi tôi lên: “Tôi cũng chỉ cần cô làm đến vậy. Bây giờ tôi đền bù cho cô một khoản tiền để cô đi tìm việc nơi khác”. Tôi rất bất ngờ trước đề nghị này nhưng tìm hiểu kỹ thì biết lý do chủ yếu là vì bà phó giám đốc… ghen bởi suốt ngày cứ nghe chồng nhắc “cô Phương, phòng nhân sự”.
 

Chỉ cần người “giỏi lách luật”

Tính ra, từ năm 2000 đến nay, tôi đã làm việc ở 5 doanh nghiệp. Tôi nghiệm ra rằng dù làm tốt hay không tốt gì rồi cũng phải ra đi. Bạn bè tôi nhiều người làm công tác nhân sự ở các công ty cũng đúc kết: “Ở nước mình bây giờ, nói đến nghề nhân sự cho mỹ miều chứ thật ra các doanh nghiệp chỉ cần những người “giỏi lách luật”.

 
Theo Bùi Ái Phương
Người Lao động

tanhoa

Trở lên trên