Lao động Việt Nam trở về từ Lybia đối mặt thất nghiệp và vỡ nợ
Vui vì đã thoát khỏi vùng chiến sự Libya nhưng xen lẫn với đó là nỗi buồn của ngày trở về khi phải đối mặt với những nỗi lo trước mắt.
- 05-08-2014Khẩn trương đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước
- 29-07-2014Tình hình người Việt Nam tại Libya cuối tháng 7/2014
- 03-02-2014Ra đời hội đồng tiền lương: Cải cách để hội nhập
- 23-12-2013Lao động đi Hàn Quốc được vay vốn không thế chấp tới 100 triệu đồng
Phải về nước sau một thời gian ngắn, nhiều lao động khi vừa đặt chân xuống sân bay đã bắt đầu lo lắng với món nợ sau chuyến đi xuất khẩu lao động dang dở và băn khoăn với việc những ngày tiếp sẽ làm gì để sống. Anh Phí Văn Hiếu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, anh vừa mới sang Libya làm việc được 6 tháng thì có lệnh triệu tập về nước do tình hình chiến sự tại Libya leo thang.
Theo kế hoạch, ngày 11-8 sẽ có thêm 254 lao động Việt Nam được Vietnam Airlines đón tại Cairo (Ai Cập). Hiện Ban quản lý lao động, Đại sứ quán, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực đảm bảo an toàn và đưa người lao động Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất. |
“Khi chiến sự xảy ra, tôi cùng hàng trăm lao động khác rất lo lắng. Chúng tôi lo nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ không an toàn tính mạng, rồi đây ai sẽ làm trụ cột để chăm lo cho cả gia đình... Nhưng giờ về đến quê nhà, tôi không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao khi cả nhà đã mất đi nguồn thu nhập chính lại gánh thêm một món nợ gần 50 triệu. Bởi trước khi đi, để đủ tiền cho tôi làm thủ tục, gia đình đã phải “cắm” sổ đỏ, nay vừa đi làm được 6 tháng, tôi còn chưa tích góp đủ để trả nợ”, anh Hiếu chia sẻ.
Không giấu nổi cảm xúc, bác Đỗ Văn Khanh (Thạch Thất, Hà Nội) có con trai là Đỗ Mạnh Cường đang làm việc tại Lybia cho biết, anh Cường đi XK sang Lybia đến nay được 8 tháng. Trước khi anh Cường đi, gia đình bác Khanh thuộc dạng hộ cận nghèo, để lo được thủ tục, phí gia đình bác đã phải vay ngân hàng tổng cộng 47 triệu đồng. Cả gia đình coi anh là niềm hy vọng duy nhất, nay con phải về trước thời hạn cả gia đình lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn. Đi nước ngoài để mong thay đổi cuộc sống, ai ngờ đã nghèo giờ còn nghèo thêm.
Không may mắn như những anh em đi cùng chuyến bay, anh Hoàng Thanh Lệnh (Quảng Nam) cho biết, đây là lần thứ 2 anh sang làm việc tại Libya, lần trước mới đi được 3 tháng thì anh đã phải trở về. Nợ còn chưa kịp trả hết anh lại vay tiếp để được đi XK lần này. Nhưng cũng chỉ được 4 tháng đã lại phải di tản về nước. Lúc đi mất 50 triệu tiền phí, lương chỉ được 380 USD/tháng nên làm 4 tháng rồi nhưng anh vẫn chưa hoàn vốn ban đầu. Đứng ở sảnh sân bay, anh thẫn thờ khi nghĩ đến số nợ sau 2 lần đi XK lao động bất thành của mình.
Là người đầu tiên đặt chân xuống từ máy bay, anh Nguyễn Vĩnh Thành quê ở Thạch Thất chia sẻ: “Thực sự khi bước chân về đến đất nước mình, tôi thấy rất vui, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng rất trăn trở không biết sắp tới sẽ như thế nào. Tôi mới làm việc được 8 tháng rưỡi trong khi hợp đồng là 2 năm. Lương tháng cuối của chúng tôi cũng chưa được lấy, cả 2 phía công ty đưa chúng tôi sang là công ty Vinamex (đơn vị cung ứng lao động) và Công ty chủ đầu tư là Công ty Hyundai Engineering đều chưa cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin nào”.
Nhà nước sẽ hỗ trợ
Mong muốn chung của các gia đình có con em về nước đợt này là Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ cho người lao động sau khi về nước. Trao đổi với phóng viên, Trưởng đại diện Hyundai Engineerning tại Việt Nam (đơn vị sử dụng số lao động vừa đưa về), ông Jung Byung Hun cho biết, trước mắt Hyundai sẽ tập trung cố gắng hết sức để đưa lao động Việt Nam về nước. Đồng thời, Hyundai Engineering cũng bảo đảm sẽ trả lương cho người lao động đến ngày làm việc cuối cùng tại Libya. Đồng thời, phía công ty cũng sẽ tạo điều kiện và ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam từ Lybia cho những dự án khác của công ty trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Việt Hải- Giám đốc Công ty Vinamex, trước mắt Vinamex sẽ hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng và có ô tô đưa lao động ra bến xe về quê. Trong thời gian tới, nếu lao động tiếp tục có nhu cầu, Vinamex sẽ miễn phí hoàn toàn cho các lao động có thời gian làm việc ngắn tại Libya vừa về nước để sang Ả rập Xê út, Quarta, Dubai... làm việc.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, theo chính sách chung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có hỗ trợ đối với các lao động như: cho vay vốn, hỗ trợ việc làm cho người lao động sau khi về nước.
Được biết, đối với những lao động Việt Nam phải về nước trong dịp này, Quỹ hỗ trợ việc làm sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời. Việc hỗ trợ cho người lao động thế nào sẽ căn cứ vào thời gian lao động, phí môi giới.
Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất là 5 triệu đồng, tuy nhiên, tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể của từng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng cho phép những mức hỗ trợ cao hơn.
Cụ thể, đối với những lao động ký hợp đồng đi lao động Lybia với công ty môi giới trong thời hạn 3 năm, căn cứ vào thời gian cụ thể làm việc của từng lao động mà công ty mối giới sẽ phải trả lại số tiền đó. Đối với những lao động đi chưa đến một năm nhưng đã phải về nước dịp này sẽ được hỗ trợ mức cao hơn để bù lại chi phí của người lao động bỏ ra.
>> Thị trường xuất khẩu lao động: Tương lai mờ mịt
Theo Xuân Thảo