Trải qua bao năm tháng, từ ngày Đại đội hình cảnh Bắc bộ lập bản doanh tại ngôi nhà này, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những chiến công vang dội trong đấu tranh trấn áp tội phạm không ngừng được các thế hệ "hình cảnh" nơi đây viết tiếp.
Uy danh sau mỗi trận đánh từ lúc nào không rõ đã gắn chặt với tên phố, số nhà nơi đơn vị đóng quân.
Có người đã gọi nơi đây là "thương hiệu của niềm tin". Nhưng, ít ai biết bên lề những cuộc phá án sôi động lại là những khoảng lặng bình yên, những chi tiết rất "đời" mà chỉ có ở đây thật lâu, mới cảm nhận được.
Cái tên “số 7”Nghe nói, rất nhiều lần người ta dự tính đánh lại số nhà trên phố Thiền Quang, bởi phố hiện đang "nhảy cóc" về số thứ tự. Dãy bên lẻ bắt đầu từ số 5, cả phố tìm mỏi mắt không thấy nhà số 1 và 3 đâu. Bàn soạn chán, cuối cùng số nhà trên phố được giữ nguyên, chấp nhận sự "khập khiễng". Chỉ bởi, nằm giữa con phố ngắn có một ngôi nhà được mặc định phải mang con số 7.
Chẳng rõ có phải do thế đất phong thủy vượng hay không, mà ngay từ khi được chọn làm bản doanh của Đại đội hình cảnh Bắc bộ tới nay, địa chỉ này chưa bao giờ thôi ám ảnh những tên lưu manh, giang hồ "số má" nhất, chưa bao giờ thôi là nơi gửi gắm hy vọng của người dân Thủ đô.
Xuống ga tàu hay bến xe, chỉ một cái ngoắc tay: "cho về Số 7", thậm chí chỉ là: "cho anh về Số", trừ dân xế tỉnh ngoài mới về Hà Nội, còn đâu đa phần lái xe sẽ gật đầu rồi vít ga chạy thẳng, lát sau trước mắt đã là Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội. Việc này chính tôi mới đầu nghe không tin, nhưng qua vài lần "thử" mới biết đó là sự thật.
Rồi mỗi lần ra chợ Giời phố Huế, chợ xe Dịch Vọng, chợ rau Long Biên… nghe cánh buôn bán tiểu thương xì xào: "Có vụ gì dưới này mà trên Số về đông thế", hay: "Thành Số, Hải Số, Tuấn Số… hôm qua bắt thằng nào trong chợ?".
Theo chân trinh sát xem bắt bạc, sau bước chân chạy rầm rập, một cái đạp cửa kèm tiếng quát: "Sự số 7 đây, ngồi im!", là các con bạc rúm ró, giơ tay chịu trói…
Những tiếng lóng của dân "giang hồ" ám chỉ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội đã được dùng phổ biến lâu nay, trở thành "mật ngữ" trong giới. Rồi thì chính lính hình sự số 7 cũng "khoái" nhận những biệt danh mà "khách" đặt cho họ.
Khi nghe nói về một cán bộ Công an nào đó mà có từ "Số" phía sau tên, phải hiểu ngay đó là một "hình cảnh" ở nhà số 7 phố Thiền Quang. Với đặc thù công việc "ăn xong là đấu với lưu manh", nên so với xã hội đen, họ cũng có những cái "nick" chẳng kém gì về "độ khủng".
Nào thì S. "Cồng kềnh", S. "Quạt trần", Q. "Sọ não", Tr. "Xê sủi", T. "Tay to", H. "Cao tinh"…v.v… Cũng bởi môi trường đến 95% là cán bộ nam, việc trùng tên trong một đội là quá phổ biến. Ban đầu, chỉ huy xếp những anh trùng tên theo thứ tự vần A,B,C, ai đến đơn vị trước thì được đặt là A. Nhưng sau thấy rối tinh, vì cả đơn vị hơn 400 quân có quá nhiều những Hùng A, Tuấn A, Sơn A...
Thành thử, họ bắt đầu quan sát "chất" của từng anh, rồi "cười cười" gắn cho họ vào sau tên thật những cái "nick" khá ngộ nghĩnh, đậm chất hài hước. Lâu ngày, những cái "nick" trở thành "thương hiệu" cá nhân, gắn với chiến công của mỗi người.
"Giang hồ" biết những cái "nick" đó sớm nhất, chúng to nhỏ với nhau, cũng bình luận, đánh giá… nhưng với tâm thế len lét, sợ hãi. Có anh bảo:
"Đã ở số 7, phải có cái danh xưng riêng để giang hồ nghe là rét". Hình như, có một "luật bất thành văn", rằng để đám giang hồ "số má" chịu tâm phục, khẩu phục mà hợp tác, mà khai báo, thì ngay từ nội tại người lính hình sự phải toát lên được những phẩm chất như bản lĩnh, nghĩa hiệp, hảo hán khiến chúng nể phục.
Cùng là quân số 7, nhưng do đặc thù công việc của từng đội, nên khí chất và biểu hiện của lính mỗi đội có khác nhau. Năm 2004, theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự mới, một số đội nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát điều tra (ở 55 Lý Thường Kiệt), được sáp nhập vào Phòng Cảnh sát hình sự (số 7 Thiền Quang), tạo nên sự đa dạng trong thống nhất.
Cánh trinh sát hình sự "nòi" như hình sự đặc nhiệm, chống cướp - cướp giật, chống tội phạm trên tuyến địa bàn, chống tệ nạn xã hội, chống tội phạm mua bán người, chống đột nhập, xâm phạm sở hữu… có nét "phong trần", "hầm hố" hơn, vì công tác trinh sát phải hóa trang, thâm nhập, xã hội hóa, bạo lực trấn áp đối tượng.
Còn như lính điều tra trọng án, điều tra xét hỏi, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, điều tra án tai nạn giao thông… lại có phong thái nhẹ nhàng, chiều sâu trí tuệ. Bởi họ là những điều tra viên, công việc hàng ngày gắn liền với hoạt động điều tra khám phá các vụ án hình sự, đòi hỏi một tư duy khoa học lôgic và sâu sắc, một trình độ pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự tinh thâm.
Nhưng sự khác biệt đó chỉ mang ý nghĩa tương đối. Đã là quân số 7 thì "thả" vào đâu cũng làm được vì họ thích ứng rất nhanh. Hoạt động hàng ngày trong đơn vị theo chức năng của từng đội. Nhưng vào các ca trực ngoài giờ, nếu xảy ra án mạng, hoặc việc phức tạp nhạy cảm, hay ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý hành chính các tụ điểm quán bar, vũ trường, nhà hàng, hiệu cầm đồ, quán Internet... hoạt động quá giờ quy định… thì quân số trực của tất cả các đội được huy động, tăng cường cho đội chuyên đề.
Họ cùng tỏa ra đường bên nhau triển khai các phần việc được giao, đến sáng lại trở về với công việc của mình. Những năm gần đây, đơn vị còn đóng vai trò nòng cốt trong dẹp yên các vụ tụ tập đông người, kích động phá rối an ninh… vốn thuộc "sân" của các lực lượng khác.
Tôi biết rất nhiều chỉ huy các đơn vị Công an thành phố "thèm" lính số 7 về đầu quân, chỉ bởi tính "thiện chiến" của họ. Sự chuyên nghiệp có được, là do ngày lại ngày được "rèn" trong môi trường ví như "lò lửa" trong cuộc chiến chống tội phạm. Đã có một vị tướng Công an nhận định: "Chỉ có quân số 7 lên làm chỉ huy tại chỗ, mới có thể gánh "núi" việc nơi đây chạy "băng băng".
Trong các đơn vị Công an, hiếm có nơi nào mà các danh hiệu cao quý nhà nước phong tặng, cờ thi đua ngành, bằng khen, danh hiệu Quyết thắng… nhiều như ở nơi đây. Đơn vị "sở hữu" ba danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đội nghiệp vụ như điều tra trọng án 1, hình sự đặc nhiệm cũng đã được dành riêng cho mình danh hiệu cao quý này.
Còn các loại bằng khen, giấy khen của cán bộ chiến sĩ thì nhiều vô số kể. Có lẽ, gia sản duy nhất "tích cóp" được của mỗi người lính hình sự khi hồi hưu hoặc chuyển công tác, là một "nhà" chật kín tường bằng khen, giấy khen các loại.
Lính "số 7" dạy và họcLý luận về công tác Cảnh sát trong nhiều giáo trình của Học viện CSND, được đúc kết khá nhiều từ thực tiễn công tác của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội. Hàng năm, Học viện đều cử các thầy cô giáo ra đơn vị nghiên cứu thực tế. Các chuyên án hay, những trận đánh thành công lần lượt được đưa vào giáo trình.
Thậm chí, những kế hoạch đấu tranh chuyên án, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản đối chất, nhận dạng... do quân số 7 lập ra, cũng được coi là "mẫu" để mang vào Học viện báo cáo thực tế, chia sẻ kinh nghiệm với các em sinh viên.
Khi đó, những người lính trận lại đứng trước bục giảng, kể với sinh viên những điều tâm huyết, gan ruột trong những chuyên án, những trận đánh. Chưa bao giờ sự liên hệ giữa thực tiễn chiến đấu và công tác đào tạo lại chặt chẽ như bây giờ.
Vừa "dạy", lính ta vừa học. Mấy năm qua, tối nào nhà số 7 cũng nhộn nhịp, đèn điện thắp sáng trưng. Trên hội trường các lớp tiếng Anh, vi tính liên tục được mở ra. Với tầm nhìn xa, thấy trước xu thế phát triển của tội phạm, lãnh đạo đơn vị đã tổ chức các buổi học bồi dưỡng kỹ năng thực hành tiếng Anh, tin học cho cán bộ chiến sĩ.
Đến nay, 100% cán bộ trong đơn vị sử dụng thành thạo máy tính trong công việc. Những bản báo cáo xác minh, kết luận điều tra... đã được đánh máy phẳng phiu, nghiêm ngắn. Qua thật rồi cái thời chỉ huy "khóc thét" khi duyệt báo cáo của anh em, vì chữ viết của "dân súng đạn" tựa như "chữ bác sĩ".
Theo Đào Trung Hiếu