MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế nào là một người săn việc thông minh?

19-08-2014 - 13:12 PM |

Bạn có biết phần lớn chúng ta đều là những Người tìm việc thông thường, khác xa với những Người săn việc thông minh?

Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc series "Nhà tuyển dụng nói gì?". Đây sẽ là những lời khuyên và chia sẻ thực tế từ những nhà tuyển dụng, rất hữu ích cho các ứng viên đang tìm việc/thay đổi công việc hoặc sẽ tham gia thị trường lao động trong tương lai.

Bài viết tuần này được CafeBiz hợp tác với Mạng tuyển dụng Anphabe. Series "Nhà tuyển dụng nói gì?" sẽ ra mắt vào thứ 3 hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.

Dù cả hai đều có mục đích tìm việc, nhưng cao hơn một cấp bậc, Người săn việc thường nhạy bén và có tầm nhìn chiến lược hơn cho sự nghiệp của mình. Chính đẳng cấp đó đã giúp tỉ lệ kiếm việc thành công của họ cao hơn gấp nhiều lần so với Người tìm việc

Qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực săn đầu người, tôi nhận ra Người săn việc thường có những ưu điểm sau mà Người tìm việc không có được:

Làm tốt công việc hiện tại: Người tìm việc thường tích cực tìm khi có nhu cầu thay đổi công việc và bỏ bê công việc hiện tại. Với người săn việc, họ không như vậy vì đã có sự chuẩn bị từ trước. 

Thậm chí ngay lúc chuẩn bị thay đổi công việc, họ còn làm tốt công việc hơn. Đây là lúc họ tiếp tục gây ấn tượng với sếp và đồng nghiệp, những người sẽ là người tham khảo quý báu và sẵn sàng kể câu chuyện hay về họ với nhà tuyển dụng mới.

- Xác định công việc mục tiêu: Người săn việc biết xác định công việc mục tiêu để lên kế hoạch ngay khi họ đang làm công việc hiện tại. Kiến thức họ thường xuyên trau dồi không chỉ cho công việc hiện tại mà còn giúp họ dễ dàng bước lên một nấc thang mới của sự nghiệp. Khi kiến thức đủ chín cho một cơ hội mới họ bắt đầu đi săn việc. 

Họ sẽ bỏ qua bất cứ công việc nào không đủ hấp dẫn, không đúng với mục tiêu mong muốn, mà chỉ theo đuổi công việc và vị trí mà họ đã xác định từ lâu. Như vậy, khác với người tìm việc, họ không rơi vào tình huống “lỡ” nhận một công việc không mong muốn để rồi lại chán nản đi tìm việc khác sau một thời gian ngắn.

Người săn việc biết xác định công việc mục tiêu để lên kế hoạch ngay khi họ đang làm công việc hiện tại. 

- Xác định công ty mục tiêu: Ngoài công việc mục tiêu, Người tìm việc còn xác định cả công ty mục tiêu. Họ chủ động tìm hiểu các công ty có tiếng trên thị trường, từ cơ cấu tổ chức, văn hóa, cơ hội thăng tiến, chế độ lương bổng, … và sẽ khoanh vùng các công ty mong muốn. 

Họ không đợi đến khi mất việc hoặc thất thế trong công việc rồi mới bấn loạn đi tìm một công việc mới, mà chủ động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các công ty này để ứng tuyển. Họ đi săn cơ hội mới khi công việc hiện tại vẫn tốt nên họ không buộc phải nhận việc mới bằng mọi cách. Như vậy họ có khả năng thương lượng về lương bổng và trợ cấp tốt hơn hẳn những người đang thất nghiệp.

- Cập nhật thông tin có liên quan đến sự nghiệp: Để xác định công việc và công ty mục tiêu thành công, người săn việc luôn theo dõi các sự kiện liên quan đến các công ty trong ngành của mình. Họ luôn cập nhật công ty nào đang dẫn đầu thị trường, hoặc trong nghề của mình ngành nào có mức độ cạnh tranh cao nhất để có sự trang bị cần thiết cho sự nghiệp.

- Kiên trì xây dựng và giữ mối quan hệ với các Head Hunter: Một khi đã xác định được công ty và công việc mục tiêu, Người săn việc thường kiên trì theo đuổi. Họ không chỉ nhẫn nại với các công ty mục tiêu mà cả các công ty săn đầu người để các công ty này làm đầu mối giúp họ. 

Tôi đã giới thiệu một ứng viên cho vị trí Custom Care Manager cho khách hàng sau một năm được anh “theo đuổi”. Tôi tình cờ gặp ứng viên này trong một sự kiện, nhưng lúc đó tôi không có khách hàng có nhu cầu tuyển dụng vị trí tương tự. Không vì vậy mà ứng viên này “bỏ rơi” tôi. Anh chủ động xây dựng và duy trì mối quan hệ với tôi, thi thoảng gọi điện hoặc ghé văn phòng tôi chỉ để hỏi thăm. Vì vậy, khi khách hàng tôi có nhu cầu tuyển dụng thì anh đã trở thành ứng viên đầu tiên mà tôi nghĩ đến. Sau trường hợp này, tôi đã trở thành “job hunter” cho khá nhiều ứng viên sáng giá và kiên trì.

- Quản lý quá trình tìm việc chặt chẽ: Người săn việc thường có một bảng thống kê sau mỗi lần săn việc. Đó là tên, đặc điểm công ty, tình trạng săn việc cho những lần nộp đơn... Người săn việc cũng chuẩn bị CV khác với Người tìm việc. 

Với mỗi công việc, họ thường điều chỉnh kinh nghiệm, kỹ năng cho phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng nhưng vẫn đúng với mình, trong khi người tìm việc chỉ áp dụng một bản cho tất cả các công ty. Với Mạng xã hội hay trang web tuyển dụng, họ thường lưu lại username và password của những tài khoản để dễ quản lý. Đây là thói quen rất hữu ích để săn việc thành công.

Như vậy, với người săn việc, thành công không tự đến với họ nhờ tình cờ hay may mắn như nhiều người suy nghĩ. Thành công họ gặt hái được nhờ họ biết “săn” cơ hội tốt cho mình.

>> Nhảy việc chuyên nghiệp, tại sao không?

 Trương Hồng Tâm, 

Director, BPO & HR Services at Harvey Nash Vietnam


dungtq

Theo Infonet

Trở lên trên