MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việc xóa hàng chục nghìn tỷ đồng nợ thuế không thể thu hồi sẽ trình Quốc hội tháng 10 tới

Số thuế nợ không có khả năng thu hồi đến cuối 2018 là 37.570 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng và chiếm 49,2% tổng nợ.

37.570 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Tại hội trường Quốc hội sáng nay (31/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những giải trình liên quan đến vấn đề được đại biểu Quốc hội đề cập trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường.

Theo đó, có 15/75 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu liên quan về vấn đề quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, công tác quản lý tài chính ngân sách thu chi, bội chi, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước và nợ công năm 2018.

Liên quan đến vấn đề thu ngân sách, Bộ trưởng cho biết, năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện 95,94 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 14.000 tỷ đồng, giảm lỗ 40.900 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện 6,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan. Phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 15,54 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vì thế, số nợ đọng thuế năm 2018 giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng số nợ thuế có khả năng thu giảm từ 45.000 tỷ đồng năm 2017 xuống 38.750 tỷ đồng năm 2018, tương ứng giảm 14 % và bằng 2,7 % trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng, số thuế nợ không có khả năng thu hồi đến cuối 2018 là 37.570 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng và chiếm 49,2% tổng nợ. Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể nhưng không còn tài sản gì thu hồi nhưng chưa được xóa nợ, vẫn tính  tiền phạt chậm nộp 0,03%/ ngày nên số tiền nợ tăng lên.

“Theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết về xóa nợ tài chính, chúng tôi đã báo cáo bước 1 với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nếu không có gì thay đổi sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới đây”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, việc thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Cụ thể, các doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được hưởng ưu đãi thuế do đó đóng góp số thu vào ngân sách nhà nước là không nhiều, số doanh nghiệp hoạt động có lãi chiếm 40% tổng số doanh nghiệp đã nộp tờ khai thuế. Số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng dương tức là đầu ra lớn hơn đầu vào, chỉ chiếm 26% tổng số doanh nghiệp kê khai. Một số doanh nghiệp có số thu lớn thì trong năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như nhóm doanh nghiệp khai khoáng, khai thác dầu thô, sản xuất điện thoại di động.

Bên cạnh đó, dự toán thu cao hơn thực tế so với thực hiện năm 2017, dự toán thu của khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh dự toán giao tăng 20,4%, trong đó tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại chỉ là 11%.

Xác định giá đất đa số thấp hơn thị trường

Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề cập đến quá trình xây dựng nghị định thanh toán BT và cho biết, trong quá trình soạn thảo, có một số khó khăn vướng mắc như việc phải bảo đảm nguyên tắc về ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Nguyên tắc ngang giá đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, thực tế một số hợp đồng BT đã ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT, đây là khó khăn rất lớn, đòi hỏi xử lý phù hợp để quy định vào nghị định.

Thứ hai, việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đầu tư, giá trị dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản và thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT, Nhà nước đóng vai trò là bên mua, nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán; còn đấu giá tài sản công thì Nhà nước đóng vai trò là bên bán, nhà đầu tư đóng vai trò là bên mua. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá bán đối với cùng một dự án.

Thứ ba, về giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, xác định theo giá thị trường. Thực tế cho thấy, việc xác định giá đất cụ thể trong thời gian vừa qua chưa đạt được mục tiêu của nguyên tắc này, đa số thấp hơn thị trường trong điều kiện giá đất có đặc điểm riêng là xu hướng tăng sau quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng. Điều này có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân về phương pháp xác định giá đất, cả nguyên nhân trong tổ chức thực hiện và xác định giá đất còn bất cập.

Thứ tư, về thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đấu giá, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất sạch, tức là đất đã giải phóng mặt bằng, trong trường hợp này là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công, không phải hình thức đầu tư BT.

Thực tế đối với hình thức đầu tư BT, các địa phương đã chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư, quỹ đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điền kiện đưa ra đấu giá. “Chính vì vậy, quá trình xây dựng nghị định, để triển khai Luật Quản lý nợ công, ngày 6/10/2017 chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo nghị định này sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Trong quá trình từ đó đến nay, Văn phòng Chính phủ đã gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ ba lần, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì 4 cuộc họp với các bộ, ngành và một số địa phương để chỉ đạo hoàn thiện nội dung dự thảo. Thường trực Chính phủ đã họp 02 lần, nghe và cho ý kiến chỉ đạo hướng xử lý hoàn thiện dự thảo và Chính phủ đã đưa ra họp 01 lần để trao đổi thống nhất những nội dung quan trọng, đưa vào dự thảo.

Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã có 10 lần báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định BT và đã có văn bản Báo cáo số 6007 ngày 27/05/2019 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành nghị định này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên