MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện CFA sẽ đưa tiền số và blockchain vào đề thi năm 2019

17-07-2018 - 12:39 PM | Tài chính quốc tế

Viện CFA cho biết họ quyết định bổ sung hai chủ đề mới (nằm trong phần mới có tên gọi là Fintech trong quản lý đầu tư) sau khi kết quả khảo sát cho thấy mối quan tâm đến với các chủ đề này tăng lên.

Vừa có thêm 1 dấu hiệu rõ ràng cho thấy tiền số đã "đặt chân" đến phố Wall.

Viện CFA, tổ chức đứng sau chương trình đào tạo với 3 cấp độ khó nhằn đã giúp đào tạo hơn 150.000 chuyên gia tài chính trên toàn thế giới, vừa thông báo sẽ bổ sung các chủ đề tiền số và blockchain vào chương trình đào tạo Level I và Level II trong năm tới. Tài liệu cho các kỳ thi của năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 8 tới và đây là lần đầu tiên tiền số và blockchain được đề cập đến.

Viện CFA cho biết họ quyết định bổ sung hai chủ đề mới (nằm trong phần mới có tên gọi là Fintech trong quản lý đầu tư) sau khi kết quả khảo sát cho thấy mối quan tâm đến với các chủ đề này tăng lên. Thế giới tài chính và thế giới tiền số đang ngày càng gắn kết với nhau nhiều hơn sau nhiều sự kiện trọng đại trong năm ngoái: giá bitcoin bùng nổ, các hợp đồng tương lai bitcoin được công nhận hợp pháp và giao dịch trên sàn Chicago, những tập đoàn nổi tiếng như Goldman Sachs cũng chú ý đến các tài sản số và ngày càng có nhiều nhân vật trên phố Wall tham gia vào các startup liên quan đến tiền số.

Mặc dù kể từ đầu năm đến nay thị trường tiền số chìm trong sắc đỏ và những ảnh hưởng của công nghệ blockchain đến thế giới thực còn hạn chế, một số nhà quan sát cho rằng cuối cùng thì công nghệ blockchain vẫn sẽ thay đổi hoàn toàn hệ thống tài chính toàn cầu.

"Chúng tôi cho rằng lĩnh vực này sẽ tiến nhanh hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, không những thế còn vững bền hơn", Stephen Horan – 1 lãnh đạo của Viện CFA – nói. "Đó không phải là mốt nhất thời sẽ nhanh chóng bị lãng quên".

Tiền số và blockchain sẽ xuất hiện cùng nhóm với các chủ đề khác thuộc mục fintech bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo), công nghệ máy học machine learning, dữ liệu lớn big data và giao dịch tự động. Theo ông Horan, giáo trình có thể bao gồm cả những topic sâu hơn như sự giao thoa giữa các đồng tiền kỹ thuật số và nền kinh tế.

Kayden Lee (27 tuổi), 1 sinh viên ngành tài chính kinh tế tại ĐH Columbia đã thi CFA Level I hồi tháng 6 và đang thực tập tại vị trí chuyên viên phân tích quỹ ở Singapore, nói: "Điều này có lợi cho các thí sinh, bởi vì tiền số đang xâm lấn và được áp dụng ngày càng rộng rãi trong thế giới đầu tư. Tuy nhiên quan trọng hơn là tập trung vào fintech và blockchain, hai công nghệ này sẽ cải tiến hay thậm chí là gây xáo trộn một số lĩnh vực nhất định như thế nào".

Ngoài ra tiền số và blockchain cũng sẽ xuất hiện trong phần thi về đạo đức nghề nghiệp, vấn đề mà một số người cho là thế giới tiền số đang bị thiếu. Nhiều dự án tiền số hoạt động trong phạm vi pháp luật cho phép nhưng cũng có nhiều sàn giao dịch tài sản số và các vụ ICO bị lợi dụng để lừa đảo, thao túng thị trường, rửa tiền và trở thành nạn nhân của các vụ trộm. Thiếu khung pháp lý rõ ràng và một loạt vụ hack chính là một trong những nguyên nhân chính khiến bitcoin mất hơn một nửa giá trị kể từ đầu năm đến nay.

Đã có 227.031 người từ 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký dự thi các kỳ thi CFA trong tháng 6 vừa qua, một con số cao kỷ lục. Phần lớn thí sinh đến từ châu Á – cũng là nơi tiền số bùng nổ mạnh nhất trên thế giới. Theo CryptoCompare.com, 45% các giao dịch bitcoin được thực hiện bằng đồng yên NHật, trong khi nhiều sàn tiền số lớn nhất thế giới được đặt ở Hàn Quốc.

Theo Darius Sit, cựu trader FX tại BNP Paribas và hiện đang làm việc tại quỹ QCP Capital tập trung vào tiền số, việc các tổ chức như Viện CFA quan tâm đến tiền số và blockchain là 1 tín hiệu rất tích cực. "Đào tạo nhiều hơn bao giờ cũng tốt hơn", Darius Sit nói. Trung bình các thí sinh thi đỗ phải bỏ ra khoảng 300 giờ học cho mỗi level để bồi đắp các kiến thức về thế giới tài chính.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên