MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viên đá đắt nhất thế giới: Không chứa vàng hay kim cương, chỉ cần 1 gram đủ sống sung sướng hết đời

24-01-2024 - 08:10 AM | Tài chính quốc tế

Viên đá này có gì đặc biệt mà đắt đỏ như vậy?

Viên đá đắt nhất thế giới

Trái Đất "ra đời" vào khoảng 4,54 tỉ năm trước và hoàn thiện phần nhiều trong vòng 10–20 triệu năm. Trong giai đoạn hình thành, Trái đất không chỉ xuất hiện nhiều dạng sống khác nhau mà còn tạo ra nhiều loại đá quý hiếm. Ngày nay, những thứ như dầu, than đá hay các khoáng chất mà con người đang sử dụng đều là quà tặng của Trái đất.

Do sự chuyển động của vỏ Trái đất, nhiều loại quặng đã được sản sinh. Một số chúng hầu như không có giá trị nhưng cũng có nhiều loại là vô giá. Ít ai biết rằng, viên đá đắt đỏ và quý hiếm nhất trên thế giới hiện nay không hề chứa vàng hay kim cương.

Viên đá đắt nhất thế giới: Không chứa vàng hay kim cương, chỉ cần 1 gram đủ sống sung sướng hết đời- Ảnh 1.

Californium là một nguyên tố hóa học chỉ có thể tạo ra bằng phương pháp nhân tạo trên Trái Đất nhưng được cho là có nguồn gốc từ vụ nổ siêu tân tinh. (Ảnh: Pinterest)

Viên đá mà chúng ta nói đến chính là một viên Californium. Californium là một nguyên tố hóa học chỉ có thể tạo ra bằng phương pháp nhân tạo trên Trái Đất nhưng được cho là có nguồn gốc từ vụ nổ siêu tân tinh. Giá mỗi gram của nó là từ 25 – 27 triệu USD (khoảng 600 – 648 tỷ đồng). Nhiều người ước tính rằng 1 gram californium trị giá bằng hàng trăm kilogram vàng. Họ còn ví von rằng chỉ cần 1 gram là có thể sống sung sướng cho tới hết đời. Thậm chí, người giàu nhất thế giới muốn mua một chiếc nhẫn gắn viên đá làm từ californium dường như là không thể. Hãy cùng tìm hiểu về Californium.

Californium là gì?

Californium – Cf là nguyên tố thứ 98 trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Californium nằm ngay sau curium (Cm) trong bảng tuần hoàn, với số hiệu nguyên tử là 98. Tương đồng với các nguyên tố actini khác, californium có tính phóng xạ cao và không ổn định với chu kỳ bán rã tương đối ngắn khoảng 2,6 năm.

Viên đá đắt nhất thế giới: Không chứa vàng hay kim cương, chỉ cần 1 gram đủ sống sung sướng hết đời- Ảnh 2.

Giá của californium vào những năm 1990 lên đến 1 tỉ USD/gram. (Ảnh: Pinterest)

Năm 1950, phòng nghiên cứu hạt nhân thuộc Đại học California, Mỹ đã sản xuất californium thông qua một lò phản ứng đồng vị tốc độ cao, nhưng sản lượng cực kỳ thấp, chỉ vài microgam. Tên gọi của nó được đặt theo tên của tiểu bang và trường đại học California.

Vào những năm 1990 giá của californium lên đến 1 tỉ USD/gram do sản lượng hàng năm của nó rất ít, chỉ khoảng nửa gram/năm. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ sản xuất được 2 gram californium.

Vì sao californium lại đắt đỏ như vậy?

Các nhà khoa học cho rằng có 5 lý do khiến viên đá californium có giá thành "khủng" và 2 nguyên nhân để người giàu không thể sở hữu nó.

Thứ nhất, nguyên liệu sản xuất ra Californium là 1 nguyên tố phóng xạ nhân tạo đắt đỏ – curium.

Viên đá đắt nhất thế giới: Không chứa vàng hay kim cương, chỉ cần 1 gram đủ sống sung sướng hết đời- Ảnh 3.

Phản ứng tổng hợp californium được tiến hành trong các máy gia tốc đặc biệt đắt tiền. (Ảnh: Pinterest)

Thứ hai, Mỹ và Nga là 2 quốc gia duy nhất tự sản xuất được vật chất này. Nguyên nhân là phản ứng tổng hợp californium được tiến hành trong các máy gia tốc đặc biệt đắt tiền. Quá trình điều chế californium rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Tính riêng chi phí cho thiết bị điều chế đã tiêu tốn hàng chục tỉ USD. Chính vì vậy, mỗi năm chỉ nửa gam californium được sản xuất. Hiện nay, các nhà khoa học ước tính, tổng lượng californium trên thế giới chỉ khoảng 5kg. Ngược lại, khối lượng vàng trên thế giới đã lên tới hàng trăm nghìn tấn. Do đó, đây cũng là lý do khiến loại đá này có giá thành "khủng" như vậy.

Thứ ba, việc vận chuyển californium cần tới thiết bị vận chuyển chuyên dụng.

Thứ tư, tính hữu dụng của californium khiến giá của nó quá cao. Californium được dùng để điều trị các bệnh ung thư và hiệu quả của nó tốt hơn xạ trị rất nhiều bởi nguồn neutron mạnh mẽ trong vật chất này có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Californium cũng có tác dụng trong việc xác định đồ cổ với tỷ lệ chính xác khá cao. Đặc biệt, californium còn được sử dụng để hỗ trợ thăm dò dầu mỏ nhằm phát hiện và đo lường các mỏ dầu sâu dưới lòng đất. bên cạnh đó, nguyên tố hóa học này còn được dùng trong các lò phản ứng hạt nhân để giúp kiểm soát tốc độ phân hạch hạt nhân và sản xuất các nguyên tố tổng hợp khác.

Viên đá đắt nhất thế giới: Không chứa vàng hay kim cương, chỉ cần 1 gram đủ sống sung sướng hết đời- Ảnh 4.

Cấu tạo của californium không ổn định, bốc hơi ở 300 độ C. (Ảnh: Pinterest)

Thứ năm, cấu tạo của californium không ổn định, bốc hơi ở 300 độ C, có thể "biến mất" khi tiếp xúc nhiệt độ cao.

Còn về nguyên nhân khiến người giàu nhất thế giới không thể sở hữu californium là bởi californium cực kỳ khan hiếm, tồn tại ở trạng thái rất nhỏ (đường kính vài micron) và không thể thu thập được để chế tạo nhẫn. Ngoài ra, tính phóng xạ của californium rất cao, đeo nó cũng giống như tự tìm đến cái chết. Do đó, người giàu mặc dù có tiền nhưng mạng sống mới là thứ quý giá nhất.

Theo Nguyệt Phạm

Phụ nữ số

Trở lên trên