Viện Kiểm sát đề nghị chia đôi tài sản tranh chấp trong vụ kiện triệu đô giữa đại gia Đức An và siêu mẫu Ngọc Thúy
Viện KSND TPHCM cho rằng không có cơ sở để xác định tiền ông Nguyễn Đức An gửi về cho Ngọc Thúy là tài sản riêng, nên đề nghị HĐXX chia đôi các tài sản đang tranh chấp.
- 16-10-2023Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy lý giải vì sao ly hôn vẫn sinh con cho đại gia Đức An
- 16-10-2023Đại gia Đức An muốn thương lượng với siêu mẫu Ngọc Thuý
- 18-09-2023Đang xét xử vụ tranh chấp tài sản giữa siêu mẫu Ngọc Thúy và đại gia Đức An
Chiều nay, 26/10/2023, phần tranh luận giữa bên nguyên đơn (ông Nguyễn Đức An - PV) và bị đơn (bà Phạm Thị Ngọc Thúy - PV) đã kết thúc tại phiên xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn. Đây được đánh giá là "vụ kiện triệu đô" do tổng số tiền tranh chấp được đưa ra là hơn 280 tỉ đồng.
Đại diện Viện KSND TPHCM cho biết ông Nguyễn Đức An cho rằng đã gửi số tiền 13 triệu USD về Việt Nam cho Ngọc Thúy mua tài sản, đứng tên nhưng chỉ thể hiện được trên giấy tờ là 3 triệu và 700 ngàn USD. Vì sau khi kết hôn, ông Đức An đã tự nguyện giao cho Ngọc Thúy đứng tên mua tài sản ở Việt Nam nên đây chính là tài sản chung của vợ chồng. Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình, Viện KSND đã đề nghị HĐXX chia đôi các tài sản đang tranh chấp.
Theo đó, các tài sản được chia như sau:
4 căn hộ tại tòa nhà Sailling, Q.1, TPHCM, đang đứng tên Ngọc Thúy, định giá 37 tỉ đồng, đề nghị vẫn giao cho Ngọc Thúy quản lý. Cô phải trả cho ông Đức An 50% giá trị tài sản, tương đương 18 tỉ đồng.
5 căn hộ tại tòa nhà Avalon ước tính trị giá 45 tỉ đồng, đề nghị giao cho ông Đức An đứng tên, quản lý. Ông Đức An cần trả cho Ngọc Thúy 50% là khoảng 22.5 tỉ đồng.
1 biệt thự tại Q.Bình Thạnh, đề nghị giao cho Ngọc Thúy đứng tên, quản lý. Cô cần trả cho ông Đức An 50% giá trị, khoảng 5,2 tỉ đồng.
1 biệt thự tại đường D2, Q.Bình Thạnh, đề nghị giao cho Ngọc Thúy đứng tên, quản lý. Cô cần trả cho ông Đức An 40% giá trị, khoảng 5,2 tỉ đồng.
Số cổ phần đã góp 31% tại Công ty Sao Mai, đề nghị giao cho Ngọc Thúy. Cô cần trả cho ông Đức An 50% giá trị, khoảng 2,3 tỉ đồng.
Số vốn góp tại Công ty thương mại địa ốc trang trí nội thất Bình Minh với quyền sử dụng hơn 3.700 m2 đất của công ty, đề nghị giao cho ông Đức An. Ông cần trả cho Ngọc Thúy 50% giá trị.
Miếng đất tại Q.2 được ông Đức An khai rằng đã chuyển cho Ngọc Thúy 2 triệu USD để mua của 1 người đàn ông tên Bình với lời xác nhận của bà Trương Thị Bê, mẹ đẻ Ngọc Thúy, nhưng bà này sau đó đã thay đổi lời khai. Hợp đồng chuyển nhượng thể hiện Ngọc Thúy mua đất với giá 1 tỉ đồng, sau đó không giao dịch mua bán nữa nên ông Bình trả lại tiền. Do vậy đề nghị Ngọc Thúy trả ông Đức An 500 triệu đồng.
8 căn biệt thự tại dự án tại Sealing, trong đó có 4 căn đã bán trong thời kỳ hôn nhân, 4 căn Ngọc Thúy bán sau khi ly hôn để thanh toán việc mua các tài sản khác là có cơ sở. Các căn hộ này hiện không còn nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc chia tài sản.
5 biệt thự còn lại, doanh nhân Đức An được bà Trương Thị Bê ủy quyền bán, song nguyên đơn phủ nhận. Hiện, 5 biệt thự này cũng không còn nên không có căn cứ để chia theo yêu cầu mỗi bên.
Số tiền cho thuê 9 căn hộ tại Q.1, Viện KSND đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Ngọc Thúy trả ông Đức An khoảng 8,7 tỷ đồng.
Đối với căn hộ tại Q.7, Viện KSND đề nghị HĐXX bác yêu cầu của nguyên đơn, vì tài sản này bị đơn mua sau khi ly hôn. Việc ông Đức An đòi số tiền hơn 400 triệu đồng và 700.000 USD có trong các tài khoản của Ngọc Thúy là không có căn cứ, theo Viện KSND.
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn đã khởi kiện rồi rút yêu cầu khởi kiện đối với 7 ôtô và 1 xe máy, 1 căn hộ tại chung cư ở Q.4, nên Viện KSND cũng đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết đối với các tài sản này.
* Trước đó, phiên xử diễn ra ngày 20/9/2023, phía ông Nguyễn Đức An cho rằng khối tài sản mà Ngọc Thúy đang sở hữu và thu lợi nhuận hàng tháng, trong đó có 9 căn hộ tại P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM là do tiền của ông An gửi về cho Thúy trong thời gian hôn nhân. Những tài liệu chứng minh các căn hộ này cho các tổ chức, cá nhân thuê từ năm 2007 lợi tức khoảng 100 tỉ đồng, được phía ông An đưa ra.
Đại gia Đức An đề nghị tòa công nhận 9 căn hộ này là sở hữu của ông và yêu cầu Ngọc Thúy trả lại số tiền lợi tức thu được từ các bất động sản này.
Phía Ngọc Thúy cho rằng thời gian diễn ra đã lâu rồi nên không nhớ, các chứng cớ mà phía ông Đức An đưa ra là bản sao nên đề nghị đưa bản chính. Bên ông An nói sẽ bổ sung sau.
Tại tòa, Ngọc Thúy thừa nhận đã nhận được 47 tỷ đồng và 700 ngàn USD từ ông Đức An, sau đó lấy số tiền này đi mua các tài sản. Tuy nhiên, vì số tiền có trong thời gian hôn nhân nên cô đề nghị chia 50%.
Trong văn bản trình bày yêu cầu phán quyết tại phiên tòa ngày 20/9/2023, ông Nguyễn Đức An cho biết, giá trị của khối bất động sản và tổng tài sản là 280 tỷ vào thời điểm năm 2007, nếu không khai thác kinh doanh, không vận hành, thì sau 16 năm, đến thời điểm hiện tại, giá trị tương đương là 1.000 tỷ đồng.
"Tổng số tài sản trên từ năm 2007 do bị đơn (Ngọc Thúy - PV) nắm giữ, quản lý, vận hành và khai thác, sau 16 năm không sinh ra lợi nhuận, không phát triển thêm, không mở rộng mà thay vào đó là bị mất đi do lén lút chuyển nhượng, bị mất giấy phép do không triển khai, bị mất đi giá trị cốt lõi ban đầu, bị mất đi nhiều cơ hội thị trường bất động sản giao dịch", ông Nguyễn Đức An đưa ý kiến.
Ông Nguyễn Đức An cũng khẳng định lần nữa quan điểm không thay đổi từ trước tới nay, số tài sản mà Ngọc Thúy đang nắm giữ là từ số tiền của ông đã chuyển. Nếu tòa phán quyết chia bất động sản và cổ phần thì ông An xin lấy tài sản.
Vào ngày 19/9/2023, khi được Viện KSND hỏi về việc giải quyết tài sản khi có phán quyết của tòa án, phía ông Đức An khẳng định, các tài sản sẽ chuyển về tài khoản và công ty riêng cho 2 con gái chung. Các con chưa đủ 18 tuổi thì sẽ do người đại diện của 2 bé quản lý.
Phụ nữ Việt Nam