MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Viên kim cương quý", có giá trị lên đến 20 tỷ USD của nền kinh tế Việt Nam

Cùng với mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, ngành này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6% giai đoạn 2023 - 2028.

Triển vọng cho ngành dược tại Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP. Thị trường này sẽ lên 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Trong đó, thị trường dược phẩm đạt gần 7 tỷ USD năm 2022 và được dự báo sẽ lên 13 tỷ USD vào năm 2030. 

Một số chuyên gia ước tính ngành dược Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD vào năm 2045 và việc thử nghiệm, phân phối và dược lâm sàng thuốc sẽ có khả năng phát triển tiên tiến như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Hiện nay Việt Nam có hơn 250 nhà máy sản xuất thuốc, và 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP trở lên. Tuy nhiên, chỉ có 16 công ty đạt tiêu chuẩn EU/GMP hoặc PIC/S-GMP.

Trong giai đoạn 2023 - 2026, dự kiến sẽ có thêm từ 5 - 6 doanh nghiệp hoàn thành nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP, bao gồm hai nhà máy của các công ty dược niêm yết là Dược Bình Định (HSX: DBD) và Mediplantec (HNX: MED). Trong số các doanh nghiệp niêm yết, chỉ có Imexpharm và Pymepharco là hai công ty theo đuổi chiến lược đầu tư nhà máy EU-GMP từ trước năm 2015.

"Viên kim cương quý", có giá trị lên đến 20 tỷ USD của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Báo cáo mới công bố của của CTCP Chứng Khoán Mirae Asset Việt Nam cho hay, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam bùng nổ thúc đẩy mức tiêu thụ dược phẩm từ đầu những năm 2000.

Giai đoạn đầu năm 2000, tỷ lệ tầng lớp trung lưu chỉ ở mức 8%. Theo số liệu khảo sát của PwC và Bộ Lao Động, các năm sau đó, Việt Nam tăng thêm khoảng 1,2%/năm số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu. Ước tính đến năm 2024, sẽ có khoảng 70% dân số Việt Nam nằm trong mức thu nhập từ 4.000/năm.

Ước tính ở đầu năm 2000, chi tiêu cho dược phẩm/người tại Việt Nam ước đạt 5,4 USD/người và đã tăng nhanh chóng lên mức 63,5 USD/người vào năm 2020. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2022, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách Dược phẩm đã khiến cho thị trường Dược phẩm chững lại. Ước tính chi tiêu cho dược phẩm/người năm 2022 ở mức 66 USD/người.

"Đứng trước sự thay đổi lớn về bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, chúng tôi dự phóng ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm  (CAGR) 6% giai đoạn 2023 - 2028. Chúng tôi dự phóng giá trị ngành dược phẩm năm 2023F/2024F lần lượt đạt 7,24 tỷ USD (tăng 3,4% so với cùng kỳ) và 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). 

Trong đó, kênh ETC (bệnh viện) tăng trưởng mạnh hơn OTC (nhà thuốc) nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2023F/2024F lần lượt đạt 5,48 tỷ USD (tăng 3,5% so với cùng kỳ) và 6 tỷ USD (tăng 9,4% so với cùng kỳ)", báo cáo của Mirae Asset Việt Nam phân tích.

2 doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu Việt Nam kinh doanh ra sao?

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) là những doanh nghiệp dược hàng đầu tại Việt Nam, với dây chuyền sản xuất thuốc tiên tiến.

Đối với DHG, trong hơn 300 dòng thuốc của DHG, đã có trên 100 sản phẩm sản xuất trên dây chuyền Japan-GMP. Giai đoạn 6 tháng cuối 2022 – quý 4/2024, DHG tiếp tục đầu tư thêm nhà máy Japan-GMP với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ cho công suất một tỷ viên/năm (khoảng 25% công suất hiện hữu).

Năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.015 tỷ đồng tăng 7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế 1.160 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tăng 6% so với năm trước, đạt 1.051 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, doanh nghiệp này lãi trên 1.000 tỷ/năm. So với kế hoạch năm 2023 được đặt ra doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng thì Dược Hậu Giang đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu thuần và 103% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

"Viên kim cương quý", có giá trị lên đến 20 tỷ USD của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: DAV, GSO, MoH, Mirae Asset Research Vietnam

"Viên kim cương quý", có giá trị lên đến 20 tỷ USD của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 3.

Còn tại Imexpharm, IMP đang có 11 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP, nằm trong top 8% các nhà sản xuất thuốc nội địa đáp ứng được tiêu chuẩn đấu thầu vào nhóm 1 và 2 ở kênh ETC tại Việt Nam. Dựa trên số liệu của Cục quản lý Dược Việt Nam, kết quả trúng thầu kênh ETC của IMP trong 9 tháng năm 2023 đạt 845 tỷ, gần tương đương với kết quả cả năm 2022 là 894 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của IMP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 1.385 tỷ (tăng 27,6% so với cùng kỳ) và đạt 285,8 tỷ (tăng 44.7% so với cùng kỳ). 

Điểm nổi bật nhất của IMP nằm ở việc doanh thu kênh ETC tăng tưởng từ năm 2018 (tỷ trọng đóng góp doanh thu ETC 2018 so với năm 2022: 19%/36,7%), góp phần mở rộng biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT). Biên EBIT liên tục gia tăng trong 3 năm qua, từ mức 17,4% trong 9 tháng năm 2021 đã tăng lên 18,5% và 19,8% trong năm 2022 và 2023.


Theo Pha Lê

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên