Viện Kinh tế Việt Nam: GDP 2021 có thể đạt 6,9% - cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá
Sáng 19/1, Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo công bố "Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo".
- 19-01-2021Điện mặt trời miền Nam vượt mặt thủy điện lớn nhất miền Bắc
- 19-01-2021Đại sứ EU: EVFTA là yếu tố giúp Việt Nam như ‘Hổ mọc thêm cánh’
- 19-01-2021Chính phủ yêu cầu Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát
Điểm rất khác biệt của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 với nền kinh tế khi gặp khủng hoảng khác
Cụ thể, báo cáo nhấn mạnh, tác động từ cú sốc Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hai cú sốc này làm cho tăng trưởng ở mức thấp nhất là 4,77% năm 1999 và 5,40% năm 2009, vẫn còn cao hơn so với năm 2020 (2,91%). Song, cú sốc Covid-19 có thể mang tính tạm thời, sẽ không kéo dài như hai cú sốc tài chính năm 1997 và 2008.
Việt Nam đã đạt được "mục tiêu kép" vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh trong năm 2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986, nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý 2/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. Đây là điểm rất khác biệt với nền kinh tế khi bị khủng hoảng tài chính, khi hầu hết các ngành bị ảnh hưởng, hoặc có ít ngành hưởng lợi hơn.
Báo cáo nêu rõ: "Nhìn chung, Covid-19 đặt nền kinh tế nước ta dưới nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội to lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số. Xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã bắt đầu từ mấy năm gần đây (trong đó có sự ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ đông tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư), nhưng Covid-19 xuất hiện đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn".
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Lê Xuân Sang cho biết, năm qua, doanh nghiệp phát triển công nghệ học từ xa (edtech) tăng trưởng mạnh chưa từng có. Các ngành công nghệ số quan trọng khác cũng tăng trưởng từ 18% (truyền thông trực tuyến) đến 46% (thương mại điện tử). Covid-19 cũng đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm; đồng thời tạo bước nhẩy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
3 mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam
Nhìn sang năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. "Nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế Việt Nam", báo cáo chỉ rõ.
Theo đó, Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra các mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt, các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.
Trong bối cảnh rủi ro, khó đoán định của giai đoạn tới, các chính sách phải tập trung vào việc cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi các yếu tố đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020, vậy các yếu tố đó sẽ còn được tiếp tục duy trì không trong năm 2021.
Thêm vào đó, cần phải tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…), đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, Báo cáo lưu ý.
Đáng chú ý, đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.
Gói hỗ trợ phải tính đến các đặc trưng và bản chất của cú sốc Covid-19
Liên quan đến giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn "hậu Covid" dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, theo ông Lê Xuân Sang, đại dịch là cú huých quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng do nhiều nguyên nhân và một khi bệnh dịch được kiểm soát như hiện nay, thì nỗ lực chuyển đổi số có thể chùng xuống, thậm chí ngưng hẳn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do vậy, cần xây dựng, triển khai thực hiện sớm Chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan cùng với xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, việc chống suy giảm tăng trưởng trong và sau đại dịch có những đặc trưng, tác động mới, có khác biệt với các đợt khủng hoảng trước, do vậy, các gói hỗ trợ và việc thực thi phải tính đến đúng mức các đặc trưng và bản chất của cú sốc Covid-19.
"Trong khủng hoảng Covid-19, các nhân tố mới khiến việc thiết kế, thực thi chính sách kích thích trở nên phức tạp, việc thiết kế chính sách phải khác biệt, chi tiết hơn và có tính kiến tạo phát triển hơn".
Khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại của ngành từ đại dịch.
Cuối cùng, báo cáo khuyến nghị, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.