MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện trưởng Viện Mekong: "CPTPP chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu!"

Dưới tác động của Hiệp định CPTPP, 60% dân số Việt nam thuộc nhóm thu nhập trung bình, khá và giàu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn rất nhiều so với với 40% dân số thuộc nhóm thu nhập thấp và nghèo.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo đánh giá về tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến các ngành kinh tế ở Việt Nam và đến phân bố thu nhập của các tầng lớp dân cư.

Trong đó, World Bank sử dụng ngưỡng nghèo 3,2 USD/ngày và 5,5 USD/ngày thay vì mức nghèo cùng cực toàn cầu 1,9 USD với lý do là mức này sẽ phù hợp hơn khi Việt Nam đang trên đà phát triển và trở thành một nước thu nhập trung bình thấp.

Nếu tính theo chuẩn 3,2 USD/ngày/người, tỷ lệ người nghèo năm 2014 là 11,6%, gần bằng 13,5% khi dùng mức nghèo quốc gia của Việt Nam. Còn nếu dùng chuẩn 5,5 USD/ngày/người, tỷ lệ nghèo của Việt Nam là 36,3%.

World Bank cho rằng CPTPP sẽ tạo ra những kết quả tích cực về giảm nghèo ở cả hai mức chuẩn nghèo 3,2 USD/ngày và 5,5 USD/ngày. Vì các hiệp định thương mại tạo ra nhiều cơ hội nhất ở những ngành người nghèo đang làm việc, dẫn đến tăng lợi ích tương đối lớn nhất cho người nghèo. Như vậy, CPTPP sẽ tạo ra kết quả giảm nghèo tích cực, dù còn khiêm tốn.

Theo đó, tính đến các năm 2025 và 2030, lần lượt có 0,9 và 0,6 triệu người thoát nghèo, tính theo chuẩn 5,5 USD/ngày.

Bên cạnh đó, World Bank cũng cho biết những người ở các nhóm cao trong phân phối thu nhập được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo, vì hiệp định tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho lao động có kỹ năng

Cụ thể, CPTPP khiến cho mức tăng thu nhập tương đối cao hơn cho các đối tượng ở nhóm 60% dân số thu nhập cao so với 40% dân số thu nhập thấp.

Nhìn chung, thay đổi về mức lương tương đối sẽ có tác động lớn nhất tới phân phối thu nhập. Trong tất cả các kịch bản, tác động của mức lương tương đối sẽ đi ngược lại so với kịch bản cơ sở, nghĩa là mức tăng thu nhập tương đối sẽ có xu hướng đem lại nhiều lợi ích hơn cho những tầng lớp dân cư có trình độ học vấn cao hơn, giàu có hơn.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong tỏ ra không đồng tình với cách dùng chuẩn nghèo mới của World Bank. Ông nói chuẩn nghèo World Bank đang dùng cao hơn rất nhiều so với thực tiễn của Việt Nam.

"Với chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày sẽ có 36% dân số thuộc nhóm nghèo, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 13,5% áp dụng chuẩn nghèo của Việt Nam", ông cho biết và nhận định nếu tính theo chuẩn nghèo của Việt Nam, CPTPP không hề giúp cho người nghèo tăng thu nhập, thậm chí, thu nhập của họ còn giảm đi.

Việc nâng chuẩn nghèo khiến cho những người không thuộc diện nghèo thuộc tầng lớp dân số làm trong các ngành như dệt may, giầy da sẽ rơi vào nhóm nghèo, theo TS. Phùng Đức Tùng.

"Gộp chung những người không nghèo (thuộc các ngành như dệt may, giầy da) vào nhóm người nghèo (chủ yếu dân số làm trong lĩnh vực nông nghiệp) đã vô tình khiến CPTPP có tác động tích cực. Còn nếu dùng chung chuẩn nghèo của thế giới là 1,9 USD/ngày thì thu nhập của nhóm hộ nghèo (làm trong ngành nông nghiệp) chưa chắc đã tăng", ông phân tích.

Lý do là vì nông nghiệp là ngành không được hưởng lợi từ CPTPP, trong khi đó, hầu hết người nghèo làm trong lĩnh vực này. Như vậy, họ dễ bị tổn thương hơn.

Trong khi nhóm người nghèo bị thương tổn thì nhóm người giàu lại được hưởng lợi nhiều hơn, theo TS. Phùng Đức Tùng.

Dẫn ra số liệu của World Bank, Ông Tùng cho biết nhờ vào CPTPP, tăng trưởng của nhóm 20% người giàu nhất của Việt Nam tăng thêm 8%, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ là 2,8%.

"Thu nhập của người giàu đã cao hơn người nghèo gấp 10 lần (theo số liệu của năm 2016) nên chỉ 1% tăng thu nhập của nhóm giàu đã khiến cho thu nhập tăng thêm của họ bằng mức tăng 10% thu nhập của nhóm 20% dân số nghèo nhất ở Việt Nam. 

Bởi vậy, CPTPP sẽ khiến cho người giàu càng giàu thêm và họ là đối tượng chính được hưởng lợi nhờ hiệp định này. Do vậy, CPTPP sẽ làm cho khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng ở Việt Nam tăng lên, đây là tác động tiêu cực của CPTPP", ông nói.

Do vậy, ông cho rằng khi cửa hội nhập ngày một mở rộng thì cần lưu tâm đến nhóm bị tác động tiêu cực, đặc biệt người nghèo làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam cần nghiên cứu nhiều hơn và đưa ra các hàng rào phi thuế quan trong nông nghiệp, đồng thời ngành cũng phải có sự thay đổi, trong đó, cải cách về các chính sách đất đai để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào ngành nông nghiệp. 

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên