MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam bắt tay với Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong công cuộc chuẩn bị cho cách mạng 4.0

Thành công trong thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên. Điều này cũng đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội mới từ cách mạng 4.0.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để xác định, đánh giá và đưa ra những kế hoạch cải thiện nền kinh tế đất nước. Bước vào giai đoạn cuối của Thỏa thuận hợp tác Việt Nam - WEF, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng từ 51 (trên thang điểm 100) trong năm 2017 lên 62 vào năm 2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham dự Hội nghị thường niên của WEF tại Davos tuần này và trình bày báo cáo các kết quả đạt được trong 3 năm kể từ khi triển khai hợp tác với WEF.

Chủ tịch điều hành WEF là ông Borge Brende cũng bày tỏ niềm vinh dự khi được làm việc với chính phủ Việt Nam trong 3 năm qua.

Làm việc với các bên doanh nghiệp, chính quyền và tổ chức dân sự nói chung, Diễn đàn đã tiến hành tổ chức các buổi nghiên cứu, hội thảo và hỗ trợ phát triển chính sách tại Việt Nam. Các chủ đề được lựa chọn bao gồm: vốn nhân lực, triển vọng việc làm và đào tạo.

Phạm vi các dự án được trải dài từ cải cách giáo dục đến nâng cao trình độ đội ngũ y bác sĩ, cải thiện cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Báo cáo của Diễn đàn cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho chính phủ.

Trong năm 2020, Diễn đàn sẽ tiến hành hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để khởi động Trung tâm kết nối, theo mô hình liên kết với các trung tâm khác của WEF trên thế giới, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây sẽ là nơi tập trung vào lĩnh vực quản trị điện tử và tham gia vào mạng lưới quốc tế gồm các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Colombia, Israel, Nhật Bản, Nam Phi, UAE và Mỹ.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng với Việt Nam”, ông Brende cho biết, “Việc khởi động Trung tâm kết nối tại Việt Nam để chuẩn bị cho các mạng 4.0 cũng là một trong nhiều động thái nhằm đẩy mạnh hợp tác hơn nữa.”

Mục đích của các trung tâm này là mang lại một nền tảng để chính quyền và doanh nghiệp có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc định hình các chính sách mới. Điều này góp phần đảm bảo các loại hình công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo hay internet vạn vật được vận dụng để tối đa hóa lợi ích cho xã hội, cũng như giảm thiểu rủi ro nhất có thể.

“Thành công trong thỏa thuận hợp tác Việt Nam – WEF đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên. Đây cũng là một ví dụ tuyệt vời về sự hợp tác cùng có lợi giữa các thành viên ASEAN và Diễn đàn. Điều này đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội mới từ cách mạng 4.0”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định.

Trong năm tới, bên cạnh việc ra mắt Trung tâm kết nối, WEF cũng sẽ đưa ra sáng kiến hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa và cải thiện các chính sách quản lý, hay còn được biết đến với cái tên Chương trình Hợp tác Hành động Quốc gia về rác thải nhựa với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hoàng Linh

WEF

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên