Việt Nam cần chuẩn bị cho tương lai "xã hội già" vào năm 2035?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Đông Nam Á và trên thế giới. Quá trình già hóa dân số kéo dài trong 20 năm, theo đó, Việt Nam dự kiến trở thành xã hội già vào năm 2035.
- 19-11-2020Hút đầu tư từ Mỹ trong điều kiện mới
- 19-11-2020Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Tự bơi là chính
- 19-11-2020Bloomberg: Việt Nam nằm trong nhóm nền kinh tế tăng thu nhập bình quân nhanh nhất châu Á
Một Việt Nam đang già hóa…
Già hóa dân số là một trong những thay đổi về nhân khẩu học lớn nhất của thế giới gần đây. Tại ASEAN, số lượng người cao tuổi (trên 65 tuổi) tăng từ hơn 45 triệu vào năm 2019, và dự kiến tăng lên 75 triệu vào năm 2030. Nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã và đang bắt đầu quá trình già hóa dân số, trong quá trình đó, tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số tăng từ 7% lên 14%.
Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước thứ ba rơi vào trạng thái "xã hội già", dự kiến vào năm 2035, sau Singapore (2015) và Thái Lan (dự kiến 2025). Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% tổng dân số, trong đó có 2 triệu người ở độ tuổi từ 80 tuổi trở lên. Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 17% vào năm 2030 và chạm ngưỡng 25% vào năm 2050.
Việt Nam là nước thứ ba rơi vào trạng thái "xã hội già", dự kiến vào năm 2035, sau Singapore (2015) và Thái Lan (2025)
Nguồn: Phân tích/báo cáo Deloitte dựa trên số liệu của United Nation, Economist Intelligence Unit, Tổng cục Thống kê Việt Nam
Tỷ lệ sinh giảm và tốc độ đô thị hóa gia tăng là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Năm 2000, Việt Nam ghi nhận 2,5 trẻ sinh ra trên một phụ nữ; tuy nhiên, tỷ lệ bắt đầu giảm xuống còn 1,96 năm 2015 và dự báo còn 1,93 vào năm 2025.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất ASEAN, từ 24% tổng dân số ở khu vực thành thị vào năm 2000, tăng lên 34% vào năm 2015 và dự kiến 41% vào năm 2025. Tốc độ già hóa ngày càng tăng, tỷ lệ sinh giảm và đô thị hóa mở rộng, con cháu không thể chăm sóc ông bà, bố mẹ sẽ dẫn tới sự gia tăng về nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong tương lai.
Nguồn: Phân tích/báo cáo Deloitte dựa trên số liệu của United Nation, Economist Intelligence Unit, Tổng cục Thống kê Việt Nam
Tại Việt Nam, thu nhập của người cao tuổi đến từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chủ yếu là từ công việc hàng ngày, tiền lương hưu, tiền tiết kiệm và trợ cấp từ con cái. Tuy nhiên, chỉ hơn 10% nguồn thu được chi trả cho chi phí y tế. Theo Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê, khoảng 16% chi phí hộ gia đình được dành cho chăm sóc y tế, và con số này có xu hướng tiếp tục tăng.
Đứng trước thực trạng tốc độ già hóa diễn ra nhanh chóng và chi tiêu y tế ngày càng tăng, Việt Nam cần giải quyết bài toán về cơ sơ hạ tầng, nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, chính sách hỗ trợ.
Bài học từ hệ thống chăm sóc người cao tuổi Nhật Bản...
Tại buổi Hội thảo Quốc tế tăng cường hợp tác thúc đầy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN do Bộ Y tế chủ trì, ông Ryo Tsujimoto, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Dịch vụ Tư vấn dự án đầu tư vốn và cơ sở hạ tầng (I&CP) cho biết, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản cũng từng rất hạn chế.
Trước đây, dịch vụ chăm sóc chỉ xuất hiện tại những cơ sở chăm sóc đặc biệt với số ít nhân sự được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Ngoài ra, xã hội và cộng đồng coi người cao tuổi như một "gánh nặng" của xã hội, tỷ lệ chuyên viên chăm sóc người cao tuổi trên thị trường lao động tương đối thấp. Chính phủ Nhật thời đó không đủ khả năng để quan tâm tới cộng đồng người cao tuổi vì ngân sách hạn hẹp và chi tiêu cho y tế tăng cao khi tốc độ già hóa tăng mạnh.
Tuy nhiên, Nhật Bản ngày nay được biết đến là một xã hội già hóa "tiên tiến" nhất trên thế giới. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trở nên đa dạng, với đối tượng chủ yếu là người cao tuổi và các thành viên trong gia đình. Hệ thống chăm sóc y tế hiện nay giúp người cao tuổi có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình.
Theo đó, một số loại hình dịch vụ mới cũng được ra đời như chăm sóc theo ngày, chăm sóc tại nhà, các dịch vụ chuyên sâu khác như thăm khám tại nhà, lưu trú ngắn ngày, với các chuyên viên chăm sóc được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Họ không phải là bác sĩ hay y tá nhưng được chứng nhận và đào tạo chuyên sâu để chăm sóc người cao tuổi, góp phần làm giảm gánh nặng chăm sóc của các gia đình.
Bức tranh tại Nhật Bản hiện nay có nhiều điểm khởi sắc hơn so với trong quá khứ nhờ vào những cả những nỗ lực riêng biệt cũng như hợp tác của khu vực công và tư nhân. Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy và đảm bảo rằng mọi người cao tuổi có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc thông qua hệ thống bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi quốc gia, nhờ đó, giảm tải chi tiêu y tế cho Chính phủ Nhật Bản. Sự hình thành thị trường chăm sóc người cao tuổi không những tạo ra thêm nhiều công việc mới, mà còn phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ, cơ sở hạ tầng đến từ khối kinh tế tư nhân.
...ứng dụng như thế nào tại Việt Nam?
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển thị trường chăm sóc người cao tuổi cho thấy Việt Nam hay các quốc gia ASEAN có rất nhiều cơ hội để cải thiện môi trường chăm sóc người cao tuổi. Những cơ hội tiềm năng này có thể được ứng dụng từ kinh nghiệm quốc tế cho cả Chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân.
Đầu tiên, ông Ryo Tsujimoto cho rằng, hệ thống pháp luật về chăm sóc người cao tuổi cần được xây dựng một cách bài bản hơn. Hành lang pháp lý cần chỉ rõ về quyền hạn và trách nhiệm, các bộ phận phụ trách. Ví dụ, các cơ quan ban ngành như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hoặc Sở Y tế cần liên kết chặt chẽ. Theo đó, các cơ quan y tế có trách nhiệm giải quyết các vấn đề sức khỏe, trong khi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung giải quyết các vấn đề về an sinh hoặc phúc lợi.
Thứ hai, chính phủ các nước trong ASEAN cần cân nhắc việc chi trả một phần của chi phí chăm sóc người cao tuổi. Nói cách khác, chi phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nên được chi trả một phần bởi bảo hiểm hoặc thuế. Đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ có thể xem xét triển khai chương trình bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi cấp quốc gia. Nếu không, nhiều người cao tuổi sẽ không được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc cần thiết, trừ trường hợp họ sống trong điều kiện kinh tế dư giả.
Thứ ba, cần có các quy định phù hợp về bộ tiêu chí chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, số lượng người ... để phục vụ người cao tuổi tốt hơn và phát triển tốt ngành chăm sóc người cao tuổi. Nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam cần được cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là chuyên môn phục hồi chức năng và hợp tác với các cơ sở y tế. Sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ là yếu tố cần và đủ để đảm bảo cải thiện một cách tích cực.
Thứ tư, vấn đề nguồn lực nhân sự cũng rất quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiên tiến. Chính phủ và khối tư nhân có thể kết hợp để xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn cung cấp và đào tạo bài bản chuyên sâu, từ đó phát triển hệ thống chuyên gia về chăm sóc người cao tuổi.
Cuối cùng chính là cách nhìn nhận xã hội nhìn nhận việc chăm sóc người cao tuổi cần điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Bỏ qua định kiến xã hội là bước đầu giúp cho người cao tuổi phục hồi chức năng để sống vui vẻ, khỏe mạnh bên gia đình và bạn bè.