MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cần hệ thống như 'đường ống' để hút lao động đến các doanh nghiệp sản xuất

Việt Nam cần hệ thống như 'đường ống' để hút lao động đến các doanh nghiệp sản xuất

Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội, nếu có thể sử dụng hiệu quả nguồn lao động trong KCN và không để họ “tan biến” trong thị trường lao động, thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng vào năng suất và đời sống của bộ phận này sẽ được nâng cao.

Chiều ngày 6/7 đã diễn ra buổi tọa đàm "Quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN): Thực trạng và giải pháp". Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống KCN hiện nay đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến cuối tháng 5/2021, trên địa bàn cả nước hiện có 394 KCN và hàng nghìn CCN lớn nhỏ được thành lập, thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc quanh mỗi KCN.

Trong giai đoạn 2016-2019, KCN và KKT đã nộp ngân sách trên 400 nghìn tỷ đồng. Tại một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn KCN, KKT chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước. Những con số này cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể.

Việt Nam cần hệ thống như đường ống để hút lao động đến các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội; Bộ Lao Động-Thương binh xã hội. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội (Bộ Lao Động-Thương binh xã hội), đề nghị cần thực sự có mô hình hay đề án để giải quyết được nguồn nhân lực trong KCN và KKT như mô hình các "nhà" trong nông nghiệp, mà cụ thể ở đây đó là nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp...

"Chúng ta cũng làm rất nhiều và Chính phủ đã đưa ra các loại gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, người lao động. Nhưng làm thế nào để họ gắn kết được với nhau?", bà đặt câu hỏi.

Bà cũng đồng tình với các ý kiến của đại diện KCN về việc phải có một trung tâm để kết nối các nhóm này với nhau. Bản thân các trường không thể tìm đến doanh nghiệp theo kiểu đơn lẻ mà các doanh nghiệp cũng không thể liên kết với các trường. "Do vậy, cần có ‘bàn tay’ của hiệp hội kết nối của Chính phủ với doanh nghiệp", bà Lan Hương nhấn mạnh.

Vấn đề tiếp theo đó là cách giải bài toán nguồn nhân lực của các KCN. Theo vị nguyên Viện trưởng, để rút ngắn quá trình hội nhập thị trường lao động của nguồn lao động đầu vào các KCN, hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam phải xây dựng một hệ thống giống như đường ống để hút các lao động từ nơi đào tạo đến các doanh nghiệp sản xuất.

Nghĩa là, hệ thống này phải làm cầu nối cho các em học sinh, người lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp đi vào các KCN, khu sản xuất. Ngoài ra, cùng với hạ tầng kỹ thuật thì hạ tầng xã hội sẽ cũng phải được coi trọng như là bệ đỡ cho KCN. Việc phát triển các KCN, KKT đặc thù hiện mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến.

Do vậy, theo ý kiến của bà Hương, Chính phủ cần có đề án, chính sách để làm thế nào để dành quỹ đất, chi phí để xây dựng những công trình công cộng, công trình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân trong KCN.

"Cái này là trách nhiệm xã hội không chỉ của doanh nghiệp mà còn của nhà nước, địa phương để hỗ trợ phát triển các hạ tầng xã hội, chứ không phải đơn thuần là hạ tầng kinh tế" – bà Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, nguyên Viện trưởng còn cho biết gánh nặng chi phí tạo ra nguồn lao động phải tiếp tục được chia sẻ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, các đề án an sinh xã hội cho người lao động trong KCN, KKT cũng phải được xem xét tính vào chi phí để tạo ra năng suất lao động.

Cuối cùng, bà Hương nhấn mạnh đến việc đóng góp của bộ phận những người lao động này cần phải được thừa nhận. Hiện nay, thời gian làm việc của một người lao động ở các KCN, khu chế xuất rất là ngắn.

Ví dụ như thời gian làm việc bình quân của người lao động trong các KCN như Bình Dương, Đồng Nai chưa được 6 năm. Nói đến chất lượng lao động trong KCN, KKT phải nói trong 3 giai đoạn: trước khi vào, trong quá trình làm việc và sau khi ra khỏi KCN. "Hiện giờ, chúng ta chưa có một kế hoạch nào để sử dụng lao động này khi họ ra khỏi KCN. Họ ra và cứ thế ‘tan biến’ trong thị trường lao động" – nguyên Viện trưởng chia sẻ.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên