Việt Nam cần nhiều lao động kỹ năng để thoát bẫy thu nhập thấp
Chuyên gia kinh tế lao động của ILO lưu ý Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp .
- 28-04-2019Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Lo doanh nghiệp không chịu lớn?
- 10-04-2019Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Chủ trương tốt nhưng... chưa đủ
- 08-04-2019Đề xuất giảm đến 50% thuế thu nhập cá nhân cho người khởi nghiệp sáng tạo
Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5 , bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, đã chia sẻ về những thay đổi trong thị trường lao động Việt Nam và sự cần thiết phải đổi mới mảng quan trọng này.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và sau đó tiếp tục hướng tới vị thế quốc gia có thu nhập cao. Bà Barcucci cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là ý định lặp lại những gì đã làm trước đó.
Theo bà, ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, với đổi mới, sáng tạo, và một lực lượng lao động có kỹ năng lại là yếu tố cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa.
Một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao cần lực lượng lao động có kỹ năng. Ảnh: P.ĐIỀN
Vị chuyên gia này đánh giá chất lượng của nền giáo dục cơ bản của Việt Nam ở mức cao. Giáo dục cơ bản là điều mà Việt Nam cần để duy trì ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động đòi hỏi những nhân tài với kỹ năng cao hơn, đòi hỏi phải có các hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn.
Từ đó, bà lưu ý Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và đạt được hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng chất lượng cao, được người sử dụng lao động tin tưởng và đầu tư thời gian, nguồn lực.
Người sử dụng lao động đòi hỏi những nhân tài với kỹ năng cao hơn. Ảnh: P.ĐIỀN
Đồng thời thị trường lao động cho phép học tập suốt đời và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục đào tạo nghề và giáo dục đại học.
Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân, có những thiết chế được điều chỉnh theo những thay đổi của chính thị trường lao động đó.
Dịp này, bà Barcucci cũng có lời nhắn nhủ bên cạnh trách nhiệm của chính phủ thì các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cũng có vai trò quan trọng trong trách nhiệm này.
Người sử dụng lao động là người kết nối với nhu cầu về kỹ năng của thị trường lao động. Vị trí cần tuyển dụng của họ thể hiện điều gì đang diễn ra trên thị trường lao động về nhu cầu kỹ năng.
Mặt khác, đại diện của người lao động sẽ đóng vai trò đảm bảo việc phát triển kỹ năng, không chỉ chuẩn bị để người đó đảm nhận một công việc cụ thể trong một doanh nghiệp nhất định mà là cơ hội để tiếp cận nhiều công việc lý tưởng khác nữa.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh