MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cần những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn tham gia đầu tư hạ tầng giao thông

28-05-2019 - 14:11 PM | Bất động sản

Thời gian tới, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng vẫn rất thiếu, theo tính toán, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 20%. Vậy làm thế nào để tiếp tục kêu gọi, huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia cuộc chơi này vẫn là bài toán khó?

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ủy viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh.

Thưa ông, mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu "đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân". Là người từng nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, ông thấy gì từ thông điệp này?

Việc này có nghĩa là đã đến lúc cần mở hết mọi cơ chế, chính sách để  kinh tế tư nhân phát triển. Đó là xu thế tất yếu. Tất cả các nước phát triển hiện nay đều phải dựa vào kinh tế tư nhân. Đối với Việt Nam, thực tế đã chứng minh rằng, kinh tế nhà nước hiện nay có hiệu quả thấp hơn so với kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy nên trong định hướng lâu dài mới cần phải cổ phần hoá DNNN. Nhà nước chỉ giữ những lĩnh vực cốt lõi, lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, còn lại giao cho tư nhân, người ta sẽ làm tốt hơn.

Từ định hướng lớn như vậy, cần xác định kinh tế tư nhân sẽ là xương sống, là động lực để xây dựng đất nước "dân giàu nước mạnh". Theo đó, trong từng chính sách cụ thể, nhà nước phải hướng tới thực hiện mục tiêu đó.

Nói "đừng kỳ thị" nghĩa là thực tế đã có sự kỳ thị dành cho khu vực kinh tế tư nhân. Đại diện cho cơ quan giám sát trong lĩnh vực này, ông có thể khái quát những biểu hiện của sự kỳ thị là gì không?

Thứ nhất là từ cơ chế. So với các TP kinh tế khác, hiện DN nước ngoài vào đầu tư được trải thảm đỏ, được giao đất dễ dàng, được miễn thuế… DNNN cũng được giao vốn, giao đất, còn DN tư nhân phải tự bỏ mọi nguồn lực mà việc tiếp cận dự án, tiếp cận thông tin… cũng không dễ dàng.

Thứ hai, về nguyên tắc, luật không phân biệt đối xử giữa các TP kinh tế nhưng cách thức triển khai rất có vấn đề. Đáng lẽ, người dân, DN, trong đó có DN tư nhân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm nhưng thực tế hiện nay có nhiều thủ tục hành chính, giấy phép con… gây khó cho DN.

Chủ trương huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển kinh tế được triển khai đã nhiều năm, tiêu biểu như trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng. Nhưng thực tế việc áp dụng lại bộc lộ nhiều vấn đề, gây bức xúc. "Cú bắt tay" giữa nhà đầu tư tư nhân với nhà nước chưa cho ra được những trái ngọt như vậy là do đâu?

Vấn đề là phải cải cách từ thể chế. Phải có quy định hỗ trợ tư nhân tham gia vào lĩnh vực này trong bối cảnh các DN tư nhân hiện vẫn có những điểm yếu thế.

Quốc hội đã ban hành luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, luật có hiệu lực từ 1/1/2018 nhưng tiếc là việc ban hành những văn bản hướng dẫn luật còn chậm.

Thế nên, trước mắt cần triển khai thực hiện luật cho tốt để có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước để đất nước có những DN tư nhân có quy mô tốt, năng lực tốt, quản trị tốt, vận hành tốt, hoạt động hiệu quả.

Có nhiều ý kiến lại cho rằng, trong cuộc khủng hoảng BOT vừa qua, việc nhà nước chưa thực sự cùng đồng hành với DN nên đến giờ nhiều nhà đầu tư "nản", số khác thì không yên tâm, sẵn sàng cho những hợp tác tiếp theo. Và thực tế, giai đoạn tới đây, dù rất thiếu vốn nhưng các dự án hạ tầng cũng sẽ vẫn khó gọi vốn tư nhân tham gia?

Thực tế, trong tất cả các dự án BOT và BT vừa qua, nhà nước đã có sự bảo hộ. Thứ nhất, giá vé là nhà nước quy định tính trên cơ sở doanh thu, đến thời điểm nhất định mà khi đó, nếu tiền bán vé thu về không đủ thì nhà nước phải cho tăng giá vé hoặc phải cho kéo dài thời gian thu tiền. Rồi trong quá trình đầu tư, nếu nhà đầu tư đi vay vẫn được tính lãi suất, nếu dự án chậm trễ cũng được tính lãi suất.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là điểm yếu trong hoạt động liên kết. Dự án hạ tầng thường đòi hỏi chi phí lớn, đơn vị thực hiện phải có năng lực quản trị, tổ chức tốt nên một nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Cũng về câu chuyện thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng, mới đây lãnh đạo Quảng Ninh, địa phương đã 2 năm liền giữ cương vị quán quân trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) chia sẻ, bí quyết để mỗi đồng vốn mồi từ ngân sách họ sử dụng giúp hút về thêm 8-10 đồng vốn khác làm sân bay, cao tốc, cầu đường, bến cảng… chính là cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư. Câu chuyện này gợi cho ông suy nghĩ gì?

Tôi cho rằng ở đây, vấn đề trước hết là yếu tố địa bàn, trong đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương rất quan trọng. Quảng Ninh đã phối hợp với DN, trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, thực hiện việc giải phóng mặt bằng, cấp đất nhanh gọn. Sau nữa, địa phương này cũng chọn được người để "chọn mặt gửi vàng". Tôi biết Quảng Ninh đã chọn được nhà đầu tư chiến lược mạnh, như Sun Group chẳng hạn.

Thời gian tới, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng vẫn rất thiếu, theo tính toán, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 20%. Vậy làm thế nào để tiếp tục kêu gọi, huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia cuộc chơi này khi nhiều DN đã phát nản với những "quả đắng" nhận về?

Cần làm minh bạch hơn các dự án. Sau khi giám sát về các dự án BOT giao thông, Quốc hội đã đưa ra nghị quyết, nhất quán việc không làm BOT với những dự án cải tạo trên nền đường cũ và yêu cầu đảm bảo sự minh bạch, dự án phải được thẩm định từ khâu đề xuất dự án, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… trên cơ sở đấu thầu. Các cơ quan chức năng đang làm việc đó và chúng ta phải… đợi.

Xin cảm ơn ông!

Hùng Dũng

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên