Việt Nam cần thay đổi tư duy với ‘sự ám ảnh kiểu Nhật’
Ý kiến chuyên gia Nhật Bản về chương trình hợp tác của Nhật Bản giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài các cán bộ, công chức của Văn phòng Chính phủ, tham dự sự kiện sáng 9/11 còn có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo, các cán bộ đến từ các Bộ, cơ quan Đảng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản vào tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức nêu với Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng suất lao động.
Trước đó, phía Nhật Bản đã đề xuất hình thức hợp tác liên quan đến năng suất như một khuôn khổ nhằm mở ra lĩnh vực hợp tác mới. Đây cũng chính là sáng kiến cùa Giáo sư Ono Kenichi.
Tinh thần Monozukuri và cơ hội của Việt Nam
Theo giáo sư Ono Kenichi, đối với hầu hết các quốc gia, ngoại trừ những nơi có tài nguyên phong phú, việc đạt được thu nhập cao về cơ bản luôn đi cùng với việc cải thiện năng suất. Riêng với Việt Nam – quốc gia đạt mức tăng trưởng tương đối nhanh trong khu vực châu Á - từ những năm 1990, tăng trưởng năng suất đã đạt mức vừa phải, kể cả về năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động và hiệu quả vốn.
Dù năng suất của Việt Nam vẫn còn thấp, nhưng điều đáng mừng là hiệu suất đã được cải thiện gần đây, khi tốc độ tăng năng suất lao động được nâng từ 3-4%/năm lên khoảng 6%, TFP và ICOR cũng được cải thiện.
Giáo sư khuyến nghị, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt thu nhập cao trong tương lai, Việt Nam nên hướng tới tăng trưởng năng suất bền vững từ 7-8% mỗi năm, dù mục tiêu này cần được thảo luận thêm.
Đối với bất kỳ quốc gia nào, cốt lõi của chính sách năng suất là phải tạo ra nguồn nhân lực và doanh nghiệp cạnh tranh. Đối với các quốc gia nhận được một lượng lớn FDI như Việt Nam, chiến lược nên bao gồm: việc thu hút FDI chất lượng cao; nâng cao năng lực lao động và doanh nghiệp trong nước; liên kết khu vực trong nước và FDI.
“Không kém phần quan trọng là cải cách hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng công nghiệp và logistics hiệu quả”, giáo sư phân tích.
Giới thiệu về năng suất lao động tại Nhật Bản, giáo sư cho biết từ sau Thế chiến thứ hai, Chính phủ và khu vực tư nhân đã phát triển nhiều ý tưởng và công cụ năng suất. Được nhắc đến đầu tiên là tinh thần Monozukuri (mono có nghĩa là “đồ vật” và tsukuri có nghĩa là “làm”).
Tinh thần này thể hiện một thái độ chân thành – thậm chí là ám ảnh – với việc sản xuất bất kỳ sản phẩm nào với niềm tự hào, kỹ năng và sự cống hiến.
“Sản xuất không phải là phương tiện kiếm tiền mà là một cách để theo đuổi sự đổi mới, sự hoàn hảo và sự hài lòng của khách hàng, thậm chí bỏ qua lợi nhuận ngắn hạn của công ty. Với bàn tay đầy dầu mỡ, họ quyết tâm tạo ra những sản phẩm tốt để chinh phục thế giới”, vị giáo sư nói về tinh thần Nhật Bản với những ví dụ như các công ty lừng danh Toyota, Honda, Panasonic...
Một mô hình khác là các trường cao đẳng kỹ thuật của Nhật Bản – hiện đã được giới thiệu tới một số trường ở Việt Nam với kết quả ban đầu đáng khích lệ. Các trường cao đẳng này không chỉ dạy về kỹ năng, kỹ thuật mà còn dạy thái độ, tư duy đúng, sự sáng tạo với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà trường trong tìm kiếm việc làm cho sinh viên...
Hiện Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều nhất các công nhân trẻ tuổi được gửi tới Nhật trong 3 năm để học các kỹ năng kỹ thuật theo mô hình thực tập sinh...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi nói chuyện. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thay đổi nhận thức ‘từ người lái xe taxi’
Vị giáo sư khẳng định thay đổi tư duy – của các cơ quan nhà nước và cả người dân - là cần thiết trước khi cải thiện năng suất. Các chuyên gia Nhật có thể dạy các công cụ năng suất, nhưng những công cụ này hoàn toàn không hiệu quả trừ khi các nhà quản lý và công nhân Việt Nam hoàn toàn chấp nhận và sở hữu chúng.
Theo giáo sư, Nhật Bản đã hướng dẫn phong trào năng suất quốc gia cho các quốc gia khác và nước đầu tiên học một cách toàn diện chính là Singapore, theo yêu cầu của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Singapore học rất nhanh theo 3 giai đoạn. Thứ nhất, tất cả các công dân đều được phổ biến về tầm quan trọng của năng suất, kể cả lái xe taxi. Thứ hai, các chuyên gia Nhật huấn luyện. Cuối cùng, Singapore có thể thực hành mà không cần sự giúp đỡ và bắt đầu hỗ trợ các quốc gia khác.
“Trong đó, giai đoạn nhận thức (giai đoạn 1) là quan trọng nhất và khó khăn nhất. Người Singapore phải được thuyết phục, người Nhật phải điều chỉnh”. Ngoài Singapore, nhiều quốc gia khác cũng đã cố gắng học tập theo cách thức của Nhật với những kết quả khác nhau.
Hiện, Việt Nam và Nhật Bản đang thảo luận về sáng kiến hợp tác nâng cao năng suất. Hai bên đã tiến hành các bước đầu tiên, cụ thể là đang xây dựng Báo cáo năng suất Việt Nam và tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất với các hội thảo, chương trình truyền hình, sự kiện, cuộc thi....
Bước thứ hai nhằm thiết lập cơ chế chính thức cho hợp tác năng suất song phương, đang được thảo luận. Nếu hai bên đạt được thống nhất, sẽ tiến hành triển khai trong thực tế ở bước thứ ba. Tuy nhiên, giáo sư Ono Kenichi cũng lưu ý, Việt Nam cần có những thay đổi, đơn giản hóa cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Đông đảo cán bộ, công chức của Văn phòng Chính phủ và nhiều cơ quan Trung ương dự buổi nói chuyện. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Khởi đầu cho chương trình hợp tác mới
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong 2 thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình khoảng 4,5% mỗi năm - tốc độ nhanh nhất trong số các nước ASEAN. Vì thế, Việt Nam đã thu hẹp phần nào khoảng cách tương đối với các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn ở gần mức đáy trong số các nước ASEAN, chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/15 Singapore.
“Năng suất lao động là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu thể hiện rõ nhất năng lực, mô hình và trình độ phát triển của một quốc gia”, ông nói.
Thời gian qua, Chính phủ cùng các ban, bộ, ngành Việt Nam đã có nhiều giải pháp để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết cùa Quốc hội về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Phó Trưởng ban.
Tới tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định kiện toàn Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch.
“Để đạt được các mục tiêu tăng năng suất lao động Việt Nam, chúng ta cần phải huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trọng đó không thể không kể đến sự hợp tác chặt chẽ, sự hỗ trợ quý báu của Nhật Bản”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu. Mục đích của sáng kiến hợp tác là tăng năng suất lao động các ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam một cách bền vững và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Khởi đầu cho việc hợp tác này, được sự đồng ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã mời Giáo sư Ono Kenichi sang Việt Nam để hỗ trợ việc xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác.
Chinhphu.vn