“Việt Nam chưa là nước phát triển nhưng không phải là bãi thải của thế giới”
Máy móc, thiết bị cũ được nhập khẩu về nước phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và đạt chuẩn về khí thải. Bộ Khoa học và Công nghệ không ủng hộ việc buôn bán máy móc cũ, biến Việt Nam thành bãi thải của thế giới.
- 27-06-2018TS. Trần Du Lịch: Nước nghèo không chịu nhận các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm thì chẳng lẽ nước giàu làm?
- 12-06-2018Điện than phải nhập khẩu và quá ô nhiễm, thủy điện lớn đã khai thác hết, vì đâu điện gió Việt Nam chưa thể cất cánh?
- 11-06-2018Trung Quốc siết chặt kiểm soát ô nhiễm: Doanh nghiệp kéo nhau sang Việt Nam tái chế bột giấy
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sáng 04/7/2018, Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã phản hổi các ý kiến nới lỏng quy định nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ.
"Có một số đơn vị, tổ chức chuyển giao công nghệ có ý kiến về Thông tư 23 quy định việc nhập khẩu, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Chúng tôi khẳng định, dù Việt Nam chưa là nước phát triển nhưng không phải là bãi thải của thế giới" – đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
Hiện tại, Điều 6 trong Thông tư 23 chỉ cho phép nhập khẩu thiết có tuổi không quá 10 năm và đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Do quy định này, nhiều thiết bị đã qua sử dụng đã không được cho phép nhập khẩu, doanh nghiệp không thể nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
"Thông tư 23 sẽ được sửa đổi, cho phép các doanh nghiệp có thể nhập khẩu thiết bị cũ. Nhưng quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ việc buôn bán máy móc, thiết bị cũ. Việc này cũng bao gồm việc nhập khẩu các loại rác cũ về các cảng biển trong nước thời gian vừa qua. Chúng tôi chỉ ủng hộ việc nhập khẩu máy móc cũ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, công suất, chuẩn khí thải, chất thải" – Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, kết nối về công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là điều Việt Nam rất cần quan tâm. Chỉ có kết nối về công nghệ mới có thể tăng tính cạnh tranh, giúp Việt Nam chuyển đổi thành công và hướng tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Có hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số việc làm được tạo ra rất lớn, đặc biệt tại Thái Nguyên. Khối FDI đóng góp như thế nào và liên kết ra sao với doanh nghiệp trong nước là điều cần quan tâm. Trong năm nay, Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8%. Để hướng tới chân trời tăng trưởng sắp tới, Việt Nam cần cởi mở hơn với doanh nghiệp" – ông Ousmane Dione nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực FDI đã có hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ của các lĩnh vực tiên tiến,… Nhưng thực tế là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và các hoạt động chuyển giao công nghệ đa phần ở mức thấp. Khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Trong khi đó, xu hướng đổi mới công nghệ, mối quan tâm của xã hội, toàn cầu hóa đang là những động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0, với tự động hóa và trí tuệ nhân tạo
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quan điểm của Bộ là các nghiên cứu về khoa học công nghệ do nhà trường thực hiện sẽ phải được chuyển giao lại cho doanh nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ở phía ngược lại, doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho khoa học và công nghệ thay vì chỉ dựa vào lợi thế đất đai hay nhân công giá rẻ, nhưng công nghệ thấp.