Việt Nam chuyển giao công nghệ 5G cho Ấn Độ
Hệ thống 5G Private do Viettel nghiên cứu, chế tạo, cung cấp vừa được chuyển giao cho QuadGen - nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hạ tầng mạng lưới viễn thông tại thị trường Ấn Độ. Hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
- 19-12-2023Tận mắt thấy người thân nhắn tin mượn 800 triệu đồng, chuyển khoản xong mới biết mất tiền: Chiêu lừa quen thuộc trên Zalo
- 19-12-2023Việt Nam đầu tư một thứ cho bán dẫn “một vốn mười lời”, có thể vượt xa Singapore
- 19-12-2023Có lộ thông tin khi sử dụng tính năng định vị không?
Ngày 18/12 tại Bangalore (Ấn Độ),Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Vietel High Tech) và Công ty QuadGen Wireless Solutions Pvt Ltd (QuadGen) tổ chức chuyển giao Hệ thống 5G Private do Viettel nghiên cứu, chế tạo, cung cấp cho QuadGen, chỉ sau 5 tháng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tại thị trường Ấn Độ.
Được triển khai từ tháng 7/2023, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã trực tiếp có mặt tại Ấn Độ để thực hiện lắp đặt, triển khai, vận hành thử nghiệm. Quá trình đào tạo, chuyển giao cho các kỹ sư của QuadGen diễn ra trong vòng hơn 1 tháng. Hiện hệ thống 5G Private (5GP) đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Viettel đã cùng Quadgen ra mắt hệ thống 5GP với các sản phẩm thiết bị đầy đủ cả 3 phân lớp mạng là mạng truy nhập vô tuyến (trạm gốc Macro, Micro, AIO), mạng truyền dẫn 100G, mạng lõi 5GC.
Hệ thống của Viettel cho phép cung cấp dịch vụ mạng riêng với 2 dịch vụ chính là dữ liệu tốc độ cao (eMBB) và dịch vụ thoại chất lượng cao (VoNR), làm nền tảng kết nối cho các ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, an ninh...
Theo ông C.S. Rao, Chủ tịch & Đồng sáng lập của QuadGen, điểm khác biệt lớn của Viettel khi cạnh tranh là khả năng dễ dàng tuỳ biến. Nhân sự của Quadgen được làm việc trực tiếp với đội ngũ phát triển sản phẩm Viettel và đưa ra các yêu cầu. Quá trình đào tạo, chuyển giao được thực hiện mọi lúc mọi nơi, giúp đối tác dễ dàng nắm bắt và vận hành sản phẩm.
Vì vậy, sau hợp đồng này, chỉ với 5 tháng, Viettel đã đưa đến một giải pháp toàn diện. “Điều đó thuyết phục chúng tôi sẽ cùng Viettel hợp tác lâu dài, nhằm mang đến sự xuất sắc và đổi mới cho khách hàng tại Ấn Độ và các quốc gia lân cận”, ông C.S Rao nói.
Theo đánh giá của Chính Phủ Ấn Độ, dự kiến đến 2026, thuê bao 5G Ấn Độ có thể đạt 350 triệu thuê bao. Tại thị trường viễn thông lớn thứ hai thế giới này, hiện chưa có một đơn vị nội địa nào có khả năng cung cấp thiết bị viễn thông đáp ứng được đầy đủ các phân lớp mạng hoàn chỉnh. Đây cũng là một đề bài khó đối với phần đông các nhà cung cấp lớn khác trên thế giới. Các doanh nghiệp thường tập trung vào một số phân lớp như trạm gốc hay mạng lõi và phải có sự kết hợp của nhiều vendors mới có thể hoàn thành được một mạng 5GP.
Đại diện Viettel cho biết, là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu Việt Nam, Viettel High Tech có khả năng cung cấp giải pháp 5G hoàn chỉnh, với kinh nghiệm và năng lực triển khai các dự án viễn thông lớn.
Tại sự kiện, Công ty Ai20X (công ty xây dựng hệ sinh thái để đưa các sáng tạo đến thị trường toàn cầu) phối hợp với QuadGen (Ấn Độ) và Viettel High Tech (Việt Nam) ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng trong lĩnh vực 5G tại Ấn Độ.
Tiền Phong