MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nguy cơ bị phụ thuộc vào đường nhập khẩu?

21-01-2022 - 20:36 PM | Thị trường

Dự báo, Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu. Nếu muốn ngành mía đường tồn tại và phát triển trong tương lai, cần phải có những thay đổi vĩ mô, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo trực tuyến "Hướng tới phát triển bền vững mía đường Việt Nam" sáng 21/1 nhằm tháo gỡ khâu thu mua mía nguyên liệu đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy.

Theo Tổ chức Forest Trends, diện tích trồng mía hiện tại khoảng 151.000 ha, sụt giảm gần gấp đôi so với diện tích 2017, tương ứng sản lượng khoảng 7,66 triệu tấn mía với 126.000 nông hộ ở nhiều vùng trên cả nước.

Tuy nhiên, lượng cung trong nước hiện không đủ đáp ứng cầu tiêu dùng và được bù đắp bằng lượng đường nhập khẩu. Năng suất giảm từ 64,8 tấn/ha xuống còn 61,5 tấn/ha trong cùng giai đoạn. Sụt giảm cũng thể hiện trong khâu chế biến 38 nhà máy năm 2017 giảm còn 29 nhà máy hiện nay. Từ 2017 tới nay sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 0,77 triệu tấn, tương đương mức giảm 38%.

Trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 - 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm; phần còn lại là đường nhập lậu .

Sản lượng của ngành mía đường Việt Nam đang có xu hướng giảm, trong khi đó lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2020, lượng đường nhập khẩu tăng gần 340% so với năm trước đó.

Đặc biệt, sản xuất trong nước hiện đang phải cạnh tranh khốc liệt với đường nhập khẩu, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, theo đó thuế nhập khẩu đường nhập khẩu vào Việt Nam giảm xuống còn 0-5% theo từng mặt hàng cụ thể bắt đầu từ năm 2020. Mặc dù Việt Nam đang áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập từ Thái Lan với 47%, mức thuế này có thể sẽ tạo động lực cho việc mở rộng nhập khẩu lậu.

Sự suy giảm về quy mô của ngành còn phải kể đến một số yếu tố nội tại của ngành là nguyên nhân dẫn đến chuỗi cung không bền vững. Hộ nông dân tham gia liên kết, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên trong liên kết này, các nhà máy luôn ở thế "tay trên", là người đưa ra quyết định về chất lượng mía và giá mía nguyên liệu. Khâu thu mua mía nguyên liệu đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy, thường là có sự cấu kết với các thương lái mía.

Kết quả là các hợp đồng liên kết giữa hộ nông dân và các nhà máy bị phá vỡ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy không đảm bảo, tạo ra sự mất lòng tin giữa các bên tham gia liên kết. Ngoài ra, chi phí sản xuất, chế biến và quản lý sản xuất của ngành mía Việt Nam hiện cao gấp đôi hơn Thái Lan.

Dự báo, Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu. Nếu ngành mía đường muốn tồn tại và phát triển trong tương lai thì cần phải có những thay đổi vĩ mô, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60- 70%, còn lại là của các nhà máy chế biến.

Ông Hồ Thành Biên – nông dân trồng mía ở Tây Ninh cho biết, trong chuỗi sản xuất đường, nông dân là then chốt nhưng lợi ích nông dân được hưởng rất thấp. Người trồng mía luôn thiệt thòi, không biết thực sự giá trị sản phẩm được bao nhiêu vì các nhà máy không cho biết điều đó.

Các nhà máy tính giá thu mua mía chỉ dựa theo giá đường. Sản phẩm sau đường được bao nhiêu thì các doanh nghiệp không công khai mà nông dân lại không biết được. Nếu các nhà máy cứ lấy lợi nhuận của mình đặt lên hàng đầu thì ngành mía đường sẽ không thể phát triển bền vững. Để ngành mía tồn tại bền vững, các nhà máy nên minh bạch, chia sẻ lợi nhuận rõ ràng, minh bạch trữ đường để nông dân có niềm tin vào cây mía, ông Biên bày tỏ.

Để ngành mía đường tồn tại, theo ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cần phải xác định đa giá trị, chứ không chỉ có sản phẩm từ đường. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số để minh bạch thông tin. Doanh nghiệp nên minh bạch thu nhập từ phụ phẩm chứ không chỉ từ đường. Nếu không có nông dân thì cũng không có các sản phẩm từ phụ phẩm đó.

Với chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Đào Thế Anh cho rằng, ngành mía đường cần áp dụng công nghệ, minh bạch thông tin hơn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có vai trò trong việc giám sát, xác định trữ đường.

Bên cạnh đó, cần thêm các cơ chế, chính sách của nhà nước, các vùng nguyên liệu cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa... Vùng nào sản xuất mía hiệu quả thì cần thúc đẩy. Cùng với đó là khuyến khích nông dân vào hợp tác xã để chuyển giao khoa học công nghệ, cơ giới hóa… và cũng để nông dân có tiếng nói trong chuỗi giá trị mía đường./.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên