Việt Nam có trở thành trung tâm sản xuất xe điện?
Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ giúp doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp cùng doanh nghiệp ASEAN nắm bắt cơ hội trở thành trung tâm sản xuất xe điện của thế giới.
- 29-04-2023Báo Nhật: Thị trường xe điện toàn cầu sẽ chỉ có 10 nhà sản xuất chiến thắng cuối cùng - VinFast đang tăng chi tiêu
- 24-04-2023Báo Nhật nói gì về sự xuất hiện của mẫu xe điện giá phải chăng của VinFast?
- 03-04-2023Việt Nam và VinFast đứng thứ mấy Đông Nam Á về doanh số xe điện?
Theo các nhà phân tích, khi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu hướng tới điện khí hóa để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện (EV) và pin chủ yếu được đáp ứng bởi Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 70% hoạt động lắp ráp, sản xuất pin và tinh chế EV toàn cầu.
Đứng trước sự khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sau các đợt phong tỏa do Covid-19 và xung đột của Nga với Ukraine, các thị trường xe điện lớn như Mỹ và châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa sang các thị trường khác mang lại độ tin cậy và ổn định cao hơn.
Đông Nam Á đã nổi lên để trở thành một trung tâm sản xuất thay thế quan trọng cho xe điện và pin EV, tận dụng tiềm năng sản xuất tổng thể cũng như trữ lượng niken phong phú, đặc biệt như ở Indonesia.
Ước tính thị trường xe điện ASEAN ở mức gần 500 triệu USD vào năm 2021 và dự đoán nó sẽ tăng lên 2,7 tỷ USD vào năm 2027.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng có những ưu đãi trong lĩnh vực này. Ngày 15/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ là 0% đối với ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu trong 3 năm kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Với xe đăng ký từ lần thứ 2 trở đi, mức lệ phí trước bạ phải nộp được thống nhất trên toàn quốc là 2%, áp dụng chung cho cả xe điện và xe dùng động cơ đốt trong.
Những công ty lớn và công ty khởi nghiệp kỳ lân trong lĩnh vực năng lượng và giao thông đang đầu tư vào sản xuất pin EV, cơ sở hạ tầng sạc và đội xe EV (xe buýt, ô tô và xe máy) phù hợp với mục tiêu bền vững.
Toyota, Foxconn, Hyundai và VinFast của Việt Nam là một trong những tên tuổi lớn sẽ công bố các kế hoạch lớn cho sự phát triển trong bối cảnh xe điện đang thịnh vượng của khu vực.
Song song với xe điện, pin EV và hạ tầng để trao đổi pin cũng được Việt Nam nỗ lực đồng bộ hoá. Mạng lưới 150.000 cổng sạc đang được VinFast triển khai thần tốc trên khắp cả nước cùng chi phí vận hành đánh giá ưu thế hơn xe xăng là những lợi thế giúp ô tô điện nhanh chóng chinh phục khách Việt.
Cùng với Việt Nam, các nước khác trong khu vực ASEAN cũng đang nỗ lực xây dựng và ban hành những chính sách cho phát triển ngành công nghiệp xe điện.
Indonesia mong muốn chỉ bán ô tô và xe máy điện vào năm 2050. Nước này đưa ra các ưu đãi tài chính và phi tài chính cho cả nhà sản xuất ô tô EV và nhà sản xuất pin, bao gồm cả ưu đãi về thuế cho các nhà nhập khẩu. Brunei đặt mục tiêu 60% tổng doanh số bán xe hàng năm là xe điện vào năm 2035. Thái Lan cũng đang miễn thuế cho nhiều mẫu xe điện. Malaysia đang đặt mục tiêu thiết lập 10.000 trạm sạc EV vào năm 2025.
Phát triển ngành công nghiệp xe điện là định hướng đang được Việt Nam và các nước ASEAN gấp rút thực hiện. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, các quốc gia phải đối mặt với một số thách thức cản trở việc áp dụng xe điện ở Đông Nam Á như vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng sạc công cộng, chi phí sở hữu cao, an toàn, phạm vi lái xe, vận hành và bảo dưỡng và nguồn năng lượng cùng độ tin cậy cung cấp điện.
Đây là những thách thức, các quốc gia trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam cần khắc phục để nắm bắt được cơ hội trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện toàn cầu.
Báo Công thương